Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

 

Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

 

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lượng, các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, một trong những nội dung chúng tập trung chống phá là phủ nhận bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc nghiên cứu, quán triệt và khẳng định bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ý nghĩa cả lý luận và thực tiễn cấp thiết để đấu tranh, phản bác lại các luận điệu chống phá, xuyên tạc.

Bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mang bản chất giai cấp công nhân. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng định, trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào nắm quyền thống trị về kinh tế thì đồng thời nắm quyền thống trị xã hội về chính trị thông qua bộ máy nhà nước. Do đó nhà nước bao giờ cũng mang bản chất của giai cấp thống trị. Trong chế độ ta, giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo xã hội thông qua Đảng cộng sản, vì vậy Nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân và được thể hiện là: Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Từ tổ chức, cơ chế hoạt động đến những nguyên tắc và chính sách pháp luật của Nhà nước đều quán triệt tư tưởng, quan điểm của giai cấp công nhân, đó là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng nhằm xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhà nước ta là công cụ để thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam và là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Chúng ta không được mơ hồ về bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta; đồng thời cũng phải nhấn mạnh yếu tố dân tộc, yếu tố cộng đồng, yếu tố toàn dân của Nhà nước Việt Nam. Lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là thống nhất. Tính nhân dân của Nhà nước ta thực hiện ở chỗ: Chính quyền Nhà nước và quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về nhân dân lao động, đại biểu cho lợi ích, ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Chính quyền do nhân dân bầu ra, nhân dân tham gia quản lý, giám sát và bãi miễn. Nhà nước ta hoạt động vì lợi ích của nhân dân. Cán bộ, công chức Nhà nước là công bộc của dân và là đày tớ của nhân dân, lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Sức mạnh của Nhà nước ta bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng, tạo điều kiện cho mọi người, mọi tầng lớp phát huy mọi khả năng của mình vào sự nghiệp chung của đất nước.

Tính dân tộc của Nhà nước ta thể hiện: Nhà nước ta ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, với mục tiêu phấn đấu vì độc lập dân tộc và CNXH. Trong tổ chức và hoạt động, Nhà nước ta kế thừa và phát huy những truyền thống, bản sắc tốt đẹp của các dân tộc và con người Việt Nam. Nhà nước ta có chính sách dân tộc đúng đắn, thực hiện bình đẳng dân tộc, chăm lo lợi ích mọi mặt của các dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam và thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Nhà nước ta đại diện quyền lợi dân tộc luôn luôn giữ vững quan điểm độc lập tự chủ, tự lực, tự cường trong quan hệ đối ngoại. Kết hợp đúng đắn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Quốc tế của giai cấp công nhân.

Cùng với tính nhân dân, tính dân tộc, dân chủ XHCN là bản chất của Nhà nước ta. Chúng ta luôn coi dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng XHCN, của công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN hiện nay. Dân chủ XHCN của Nhà nước ta được thể hiện là: Mọi quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân và do nhân dân làm chủ. Nhà nước ta thực hiện dân chủ với đa số nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng và chuyên chính với các thế lực xâm phạm đến lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân lao động được thực hiện trên mọi mặt của đời sống xã hội, được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật, chính sách, cơ chế và điều kiện thực hiện; được hoàn thiện và nâng cao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức và năng lực hành động. Quyền con người được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Thực hiện nguyên tắc tính tối cao của pháp luật và bảo đảm tuân thủ pháp luật nghiêm minh. Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, quyền lợi gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và trình độ dân trí, truyền thống, lịch sử, văn hoá dân tộc. Quyền dân chủ không được vượt quá giới hạn của pháp luật, dân chủ có sự lãnh đạo của Đảng.

Nhà nước của giai cấp tư sản là nhà nước đại diện cho lợi ích của giai cấp bóc lột, thống trị giai cấp vô sản và nhân dân lao động, bản chất của nó vẫn là tư hữu và bóc lột, vì vậy chúng ta không bao giờ được mơ hồ ảo tưởng trong cuộc đấu tranh giai cấp. Kiên quyết đấu tranh với những quan điểm cho rằng: nhà nước đứng trên giai cấp, ngoài giai cấp, siêu giai cấp, nhà nước chung của xã hội, nhà nước tự do, chủ nghĩa tư bản tự do, hoặc cho nhà nước là quan toà điều hoà mâu thuẫn, điều hoà giai cấp. Hoặc nguy hiểm hơn nữa là chúng cho rằng: Nhà nước ta là Nhà nước đảng trị, đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đòi đa nguyên, đa đảng. Cụ thể chúng đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992 “Đảng cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Hay chúng cho rằng: nhà nước pháp quyền là tư sản, ta chỉ có Nhà nước XHCN… Đây là những quan điểm sai lầm, cứng nhắc, bảo thủ và bịp bợm nhằm cố tình che đậy bản chất tư hữu, bóc lột của nhà nước tư sản.

                                                                                      Quyết Ngọc

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét