Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

“LÒNG DÂN” TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

 

Đại dịch bệnh Covid-19 xuất hiện từ những tháng cuối năm 2019, đến nay đã lây lan ra hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-xã hội, an ninh, sức khỏe và đời sống con người. Đảng và Nhà nước ta cùng toàn dân đã có nhiều biện pháp để ngăn ngừa và phòng, chống đại dịch lây lan. Một trong những biện pháp lâu dài đó là phát huy sức mạnh lòng dân” trong chiến thắng đại dịch Covid-19.

Từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta và hiện nay là biến chủng Omicron hết sức nguy hiểm, nhiều địa phương phải phong toả, giãn cách từng khu vực hoặc địa bàn, làm ảnh hưởng lớn đời sống của hàng chục triệu người. Để chung sức, đồng lòng, chung tay cùng cả nước phòng chống dịch hiệu quả, chúng ta đã kịp thời ổn định cuộc sống của người dân. Nhằm thực hiện được “mục tiêu kép” Chính phủ tiếp tục ban hành kịp thời gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn.

Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm bọc lá rách” của dân tộc; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Hình ảnh những anh “Bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại ngày đêm, gian khổ làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới; tổ chức cách ly; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Tất cả khi vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 như “chống giặc” đều đặt tính mạng của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng là mục tiêu cao nhất. Không dừng lại ở đó, nhiều bác sỹ, y tá trẻ đã xung phong, tình nguyện vào nơi tâm dịch với mong muốn san sẻ bớt nỗi khó khăn, mệt nhọc của đồng nghiệp và tuyên truyền, vận động đồng bào yên tâm phòng chống, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Thành công bước đầu khẳng định, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, phát huy sức mạnh “lòng dân” là đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả; việc chỉ đạo, điều hành, triển khai khoa học, sáng tạo, quyết liệt. Đây là bài học kinh nghiệm quý, tạo tiền đề vững chắc để cả nước bình tĩnh, tự tin phòng chống thắng lợi với hiểm họa Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát ngày càng nhiều như hiện nay.

Tuy vậy, quá trình phòng chống dịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, mà nguyên nhân sâu xa từ ý thức của người dân, như việc phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người cố tình vào địa bàn tỉnh mà không khai báo, không chấp hành việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch; Công tác phòng, chống dịch bệnh của một số địa phương, đơn vị còn lỏng lẻo, thiếu sâu sát; việc điều tra dịch tễ, truy vết để sàng lọc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng chưa thật sự chặt chẽ, còn chung chung, sai đối tượng nên tiềm ẩn các trường hợp F1, F2 còn sót lọt trong cộng đồng cao, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn một số địa phương…

Trên cơ sở “lấy dân làm gốc” trong phòng, chống đại dịch Covid-19, thiết nghĩa cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19. 

Đây vừa là bài học kinh nghiệm vừa là định hướng quan trọng của công tác dân vận hiện nay. Nội dung tuyên truyền phải bảo đảm chính xác, trung thực, kịp thời, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có tính tư tưởng, tính quần chúng và tính chiến đấu cao. Tập trung tuyên truyền làm cho nhân dân hiểu rõ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững và chấp hành nghiêm mọi chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định, kế hoạch phòng, chống đại dịch Covid-19. Kiên quyết đấu tranh với những hành động chống lại hoặc không thực hiện nghiêm chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Trong phòng, chống đại dịch COVID-19, các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm trong tiến hành công tác dân vận. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với “lấy dân làm gốc” trong phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương và các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành phát động; nhân rộng các nhân tố mới, “điển hình tiên tiến”, gương “người tốt, việc tốt” trong công tác dân vận hiện nay.

Thứ hai, cấp ủy, tổ chức đảng, những người đứng đầu chính quyền các cấp phải thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phòng chống bệnh dịch.

Đây vừa là bài học vừa là yêu cầu nhiệm vụ trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Theo đó, các cấp ủy cần bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; làm tốt việc phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tuyên truyền; gắn kết quả phòng, chống Covid-19 với đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xuống với dân là để bàn bạc với dân, học hỏi dân; nghiêm túc tiếp công dân, đối thoại với dân là để thấu hiểu, thông cảm, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, để quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân, chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí.

Thứ ba, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ các cấp.

Mỗi người lãnh đạo, người đứng đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 phải nói đi đôi với làm, có bản lĩnh, dũng khí tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình, sẽ truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, khó lường; với tác động ngày càng nặng nề đối với mọi mặt đời sống xã hội; đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương. Đồng thời, phỉ luôn phát huy sức mạnh thế trận “lòng dân”, phải luôn tin ở dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam là kế sâu rễ, bền gốc của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Đảng và Nhà nước ta. Tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân Việt Nam, chúng ta sẽ chiến thắng được đại dịch Covid-19, xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển.

                                                                                            Nguyễn Xuân Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét