Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

KỲ HỌP BẤT THƯỜNG “BÌNH THƯỜNG” CỦA QUỐC HỘI

 Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc Quốc hội họp bất thường đã được quy định trong Hiến pháp và đúng quy định của pháp luật. Trong Hiến pháp năm 2013, tại khoản 2 của Điều 83 đã hiến định: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường”. Luật Tổ chức Quốc hội tại Điều 90 cũng quy định rõ: “Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì QH họp bất thường”. Như vậy, việc tổ chức họp bất thường là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, không phải là “vi hiến”, “trái pháp luật”.

Sau 4,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 11/01/2022. Tuy nhiên, một số đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã nhanh chóng xuyên tạc, hướng lái thông tin tiêu cực. Chẳng hạn như trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA), đối tượng Diễm Thi tán phát bài “Quốc hội họp bất thường, có bình thường vào lúc này?”, nội dung xuyên tạc cho rằng tổ chức kỳ họp bất thường trên “do Thường vụ Quốc hội quyết định thay cho Quốc hội” và đưa ra “lý do họp không thuyết phục”; đồng thời yêu cầu “người dân được vào nhà Quốc hội để quan sát và theo dõi hoạt động của Quốc hội”. Trên mạng xã hội, có người còn diễn giải rằng: “Quốc hội họp bất thường là vi hiến”, “Quốc hội họp bất thường là trái luật” Những kẻ này đang cố tình vẽ ra những “bóng ma” không có thật mang tên bất thường để hù doạ người dân.

Đánh giá về việc tổ chức họp bất thường, cần khẳng định rõ đây là việc cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Như đánh giá của Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: “Trước những yêu cầu cấp bách và giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất… Nếu cũng nội dung này mà chúng ta để đến 6 tháng sau mới đưa vào kỳ họp thì sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước”. Việc tiến hành phiên họp bất thường là để kịp thời giải quyết những yêu cầu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; nhanh chóng thể chế hoá, cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng để sớm đưa vào cuộc sống.

Tại phiên họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khoá XV đã tiến hành làm việc với hàng loạt nội dung nóng, cấp bách như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật (gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự); Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Trong các nội dung trên, vấn đề chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đất nước đang phải gánh chịu nhiều hậu quả do dịch bệnh gây ra, việc quyết định các giải pháp, chính sách để mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu chúng ta không kịp thời quyết định những vấn đề này thì rất khó để vượt qua các thách thức trước mắt cũng như tranh thủ những thời cơ đang có nhằm phục vụ việc phát triển đất nước.

Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thể hiện rõ vị thế là cơ quan lập Hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội đã có những quy định cụ thể, rõ ràng. Do vậy, không có lý do gì để vu khống “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định hết những vấn đề của Quốc hội” như những gì RFA đưa ra. Đây là những luận điệu thô thiển, thể hiện sự không tôn trọng cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam.

Từ một việc bình thường nhưng qua nhận xét, đánh giá, cách nhìn của các “nhà dân chủ” đã trở thành những vấn đề bất thường. Những kẻ này cố tình phủ lên tất cả mọi vấn đề một “thuyết âm mưu” để hù doạ cộng đồng. Suy cho cùng, mục đích của các “nhà dân chủ” cũng chỉ nhằm kích động sự hoài nghi, gây hoang mang dư luận, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, gieo rắc mầm mống của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Vì vậy, mọi người cần hết sức cảnh giác, không để các đối tượng xấu “dắt mũi”, trở thành những người “tiếp tay” cho các hành vi sai phạm./.

                                 Nguyễn Vũ Quân

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét