Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

Đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong phòng, chống dịch Covid-19

 

Đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến khó lường. Toàn Đảng, toàn dân ta đang đồng lòng chung sức với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên không quản ngại khó khăn, gian khổ bất chấp nguy cơ có thể nhiễm bệnh, tích cực tham gia vào tuyến đầu chống dịch với hy vọng chiến thắng dịch sớm nhất, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Song, bên cạnh đó, cũng có một số cán bộ đảng viên vi phạm các quy định của công tác phòng dịch, lợi dụng chức vụ để tham nhũng và các hành vi tiêu cực khác. Đây là biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cần phải kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần đề cập đến vấn đề suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã nêu ra biểu hiện của sự phai nhạt lý tưởng và phê phán, đấu tranh với những biểu hiện thờ ơ trước những quan điểm sai trái, lệch lạc, thiếu sức chiến đấu: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”(1). Trong các tác phẩm của mình, người nhiều lần nhấn mạnh đến các biểu hiện trong phê bình và tự phê bình như không dám nhận khuyết điểm, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy sai nhưng không đấu tranh hoặc lợi dụng phê bình và tự phê bình để nịnh bợ hay bôi nhọ nhau với những động cơ không trong sáng.

Đồng thời, Người chỉ ra các biểu hiện của suy thoái đạo đức như: Bệnh tham lam, lười biếng, hiếu danh, cá nhân, tị nạnh. Những căn bệnh này đã sinh ra tham nhũng, lãng phí, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, lối sống ích kỷ, chỉ biết vun vén cho bản thân, không muốn ai hơn mình. “Bệnh tham lam - Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”(2). Và đặc biệt, Người nhấn mạnh đến các biểu hiện xa rời quần chúng, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân. Cán bộ là “đầy tớ” của nhân dân. Thế mà, nhiều cán bộ đảng viên lại mắc bệnh mệnh lệnh, vô cảm, thiếu trách nhiệm với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nguyên nhân của tất cả những biểu hiện về suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống là do căn bệnh chủ nghĩa cá nhân sinh ra.

Trong thời kỳ đổi mới, sự kiên định về tư tưởng chính trị và gương mẫu về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên là yếu tố quan trọng để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Đảng đã đề cập nhiều về vấn đề suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong các văn kiện của Đảng và xác định đây là một trong những nguy cơ đối với Đảng, là vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, phải đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng mới chỉ ra được chín biểu hiện của suy thoái tư tưởng và chín biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống. Đến nay, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống vẫn là một vấn đề mang tính thời sự trong xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Trong Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII được tổ chức trong tình hình Đảng, nhà nước ta đang quyết tâm chống lại đại dịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến những biểu hiện sau: “… nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân”(3).

Gần hai năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta chung sức đồng lòng tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế và đã đạt được rất nhiều thành công. Cán bộ, đảng viên đã gương mẫu, tiên phong thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Sự gương mẫu đó đã góp phần không nhỏ để vận động nhân dân cùng Đảng và Nhà nước chống dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ của mình để tham nhũng, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều cán bộ lợi dụng việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19 để trục lợi. Mới đây nhất, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan đến vụ việc 'thổi giá' kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và một số trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số cán bộ lại lợi dụng các hoạt động phòng dịch để trục lợi như: thu phí tiêm vắc xin, thu phí cao trong xét nghiệm, ưu tiên người nhà tiêm vắc xin,...

Ngoài ra, một số cán bộ không thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ và địa phương trong thời gian giãn cách xã hội. Có trường hợp, cán bộ đảng viên không tự giác khai báo y tế trung thực, đi lại nhiều nơi, làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng, đe dọa sức khỏe của người dân. Thậm chí một số cán bộ lãnh đạo, quản lý còn, tụ tập đánh bạc, vui chơi ở sân goft, vô cảm trước những khó khăn mà nhân dân địa phương đang chống dịch gặp phải. Đây là các hành vi biểu hiện về suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, niềm tin của người dân, tác động tiêu cực đến công tác phòng dịch. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì sẽ làm giảm đến sự lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Trong những hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch, Chính phủ cũng đã nhìn nhận và có các chỉ đạo quyết liệt về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, dụng cụ và trong các hoạt động phòng chống dịch. Các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định phòng dịch, có các hành vi tham nhũng, lãng phí gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch đã, đang và sẽ được điều tra làm rõ và được xử lý theo đúng quy định, đáp ứng được tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân. Ngày 16/09/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký và ban hành Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay cho Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII. Điều đó khẳng định Đảng và Chính phủ quan tâm và quyết liệt trong đấu tranh phòng chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu mới.

Thời gian tới, dịch bệnh có thể còn diễn ra phức tạp, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn của đợt dịch mới, đất nước đứng trước nhiều thách thức khó khăn của phục hồi kinh tế sau đại dịch. Sự gương mẫu, hết lòng vì nước, vì dân của cán bộ,đảng viên sẽ là một yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng. Trong mọi hoàn cảnh, cán bộ đảng viên phải luôn giương cao tinh thần gương mẫu, nói đi đôi với làm, không chỉ về mặt tư tưởng chính trị mà còn phải gương mẫu về cả đạo đức, lối sống. Đảng phải luôn coi trọng công tác cán bộ, thường xuyên rèn luyện giáo dục cán bộ, đảng viên về tư tưởng và đạo đức lối sống, kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa “xây” và “chống”. Đồng thời, phải phát huy được vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, của báo chí và của nhân dân trong phòng chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

 

1 nhận xét:

  1. Mọi cán bộ có sai phạm đều phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật

    Trả lờiXóa