Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

SỬ DỤNG NHIỀU PHƯƠNG THỨC ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, XUYÊN TẠC VỀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Việc đấu tranh phòng, chống các luận điệu thù địch, xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh (cả ở khía cạnh cá nhân và tư tưởng của Người) là một công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải thực sự nỗ lực và có nhiều giải pháp đồng bộ. Bởi các thế lực xấu luôn không từ bất kỳ thủ đoạn nào để công kích, bôi nhọ, hạ bệ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những cách thức rất khó dự đoán trước. Trong khi đó, với môi trường không gian mạng đa chiều, có tính mở rất cao, những thông tin sai trái đó vẫn có thể âm thầm tồn tại và len lỏi, thâm nhập dần vào một bộ phận người thiếu thông tin nhưng cả tin, nhất là trong giới trẻ. Nếu không kịp thời và quyết liệt đấu tranh, có thể sự thẩm thấu, tán phát ngày càng sâu hơn, rộng hơn và hậu quả cũng khó lường hơn.

Đương nhiên, các giải pháp mang tính chất phòng ngừa là rất quan trọng, bởi đó là cách trang bị cho cán bộ, đảng viên, nhân dân những kiến thức, nhận thức phù hợp và mang tính nền tảng, đồng thời làm lan tỏa những thông tin đúng đắn, chính xác để tự nó có thể “đánh bạt” các thông tin sai trái, bịa đặt. Tuy nhiên, các thế lực xấu luôn có trăm phương ngàn kế để thực hiện âm mưu thâm độc của mình, do đó, không chỉ phòng mà còn phải chống, chống quyết liệt và thật sự hữu hiệu.

Hiện nay, trong việc đấu tranh các luận điệu sai trái, xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh phải gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới" gắn với Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Do đó, cần thực hiện tốt việc quán triệt trong cán bộ, đảng viên về những vấn đề mang tính nguyên tắc, những thông tin, kiến thức mang tính chính thức liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Người. Tùy theo đối tượng mà nên trang bị những nhóm kiến thức phù hợp, có thể bắt đầu từ trong nhà trường phổ thông với những nội dung và hình thức phù hợp. Quá trình đó, cần khéo léo dẫn lại những luận điệu sai trái, gợi ý các nội dung và cách thức bác bỏ. Trong hoạt động thông tin và phản bác cần có cách thức để làm người tiếp nhận có thể hình thành ý thức tự phản biện và tin tưởng bằng cách luận cứ khoa học, chứ không phải áp đặt.

Các cơ quan chức năng cần nắm chắc những ý kiến sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả về thân thế và sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, truy nguyên nguồn gốc của thông tin sai trái đó, xác định rõ dụng ý hoặc âm mưu của việc lan truyền các thông tin sai trái đó là gì, đánh giá mức độ lan tỏa và sự nguy hiểm của nó… để có phương thức đấu tranh hợp lý. Dĩ nhiên, có những thông tin sai trái không cần đấu tranh hoặc chưa cần đấu tranh thì không nhất thiết phải nhắc đến, tránh tạo sự hiếu kỳ mà làm lan rộng thêm đến nhiều người khác.

Bên cạnh đó, với những luận điệu nguy hiểm, có chiều sâu về mặt âm mưu, thủ đoạn, có sự phức tạp về các luận điểm, luận cứ… thì cần phải được nghiên cứu thấu đáo và có những cách thức đấu tranh thường xuyên, bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện, lan tỏa đến nhiều đối tượng. Chẳng hạn, việc đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh rồi tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin hoặc tung hô Hồ Chí Minh là nhà yêu nước, người theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy… nên xem là những luận điểm cực kỳ nguy hiểm, cần phải đấu tranh triệt để.

Điều quan trọng nữa là cần gắn chặt việc đấu tranh chống các luận điệu sai trái về Hồ Chí Minh với hoạt động đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, thù địch về vai trò lãnh đạo của Đảng, về các vị lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng… Bởi với các thế lực xấu, họ luôn có sự gắn kết các vấn đề này với nhau, với logic tư duy là chỉ cần “bác bỏ” hoặc “bẻ gãy” một điểm thì tự khắc những điểm khác sẽ đổ. Quá trình đó cần tích cực xử lý các “điểm nóng”, khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong nội bộ để không còn cớ cho kẻ xấu lợi dụng công kích.

Việc đấu tranh với các quan điểm sai trái về Hồ Chí Minh là một việc quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài, bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện và nhiều lực lượng. “Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông, kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền miệng, các kênh thông tin khác, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sát hợp thực tế để chủ động đấu tranh, phòng, chống và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn với nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đa dạng hóa các phương pháp, hình thức đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Trong nhiệm vụ này, mỗi đảng viên nên tự đặt cho mình trách nhiệm, cả trong ghi nhận, nắm bắt các thông tin sai trái, phản ánh đến cơ quan, tổ chức có trách nhiệm (trước hết là với chi bộ) và trong những điều kiện cụ thể có thể tham gia phản bác, đấu tranh bằng những hình thức phù hợp. Từ các đảng viên, tinh thần chủ động và tích cực đấu tranh nên tiếp tục được lan tỏa đến quần chúng nơi công tác, nơi cư trú, người thân và những người xung quanh khác để mỗi khi một thông tin sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, về các vấn đề có tính nguyên tắc của Đảng nói chung thì phải được phản ánh và đấu tranh chứ không có sự thờ ơ hoặc vô tình tiếp tay làm thông tin đó lan truyền rộng rãi.

Quang Kiên

 

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa