Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

 

QUAN ĐIỂM “PHI CHÍNH TRỊ HÓA” CÁC

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CHỈ LÀ TRÒ HỀ CHÍNH TRỊ

Binh Chiến

                                                                                                     

Lợi dụng vấn đề dân chủ ở Việt Nam, thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức, đối tượng thù địch ở trong nước và ngoài nước đã đưa ra những luận điệu đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013; đòi tam quyền phân lập; đòi “phi chính trị hóa” các lực lượng vũ trang … Luận điệu “phi chính trị hóa” Quân đội và Công an được các thế lực thù địch xác định là một trong những nội dung trọng tâm, trọng điểm trong hệ thống các yêu sách, quan điểm phản động về chính trị. Chúng lập luận rằng, cả Công an và Quân đội phải “trung lập”, “đứng giữa”, không thuộc một đảng phái nào, bởi lẽ, tên gọi Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã chứng minh rằng, quân đội hay công an chỉ cần trung thành với nhân dân, là của nhân dân, phục vụ nhân dân, thế mới thực sự là quân đội cách mạng. Họ còn cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam nên buông tha cho quân đội và công an, đừng nên lộng quyền mà giành quyền lãnh đạo tất cả.

Chúng ta có đủ căn cứ, lập luận để khẳng định đây là những luận điệu sai trái, phản động, nhằm thực hiện âm mưu chính trị thâm độc là tách Công an và Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Công an, Quân đội. Thực hiện được điều đó sẽ làm cho lực Công an, Quân đội  mất phương hướng, mục tiêu chính trị, thủ tiêu lý tưởng chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp công nhân, dẫn đến suy yếu về chính trị, làm cho lực lượng vũ trang bị vô hiệu hóa. Các thế lực thù địch, phản động không có mục tiêu nào khác là muốn làm cho lực lượng vũ trang nhân dân của ta dần dần biến chất, từ lực lượng vũ trang của nhân dân, mang bản chất của giai cấp công nhân, trở thành một đội quân phản bội lại lợi ích của Đảng, của nhân dân, bảo vệ cho lợi ích của các tầng lớp, giai cấp tư sản.

Thực tiễn cả ở Việt Nam và thế giới đã cho thấy: không có một lực lượng vũ trang nào là "đứng ngoài chính trị", là "trung lập". Quân đội và Công an là đội quân rất quan trọng trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ, dù là chế độ tư bản hay chế độ XHCN. Chúng ta không thể quên, vào cuối thế kỷ XX, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô đã tuyên bố chấm dứt vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với quân đội, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, rời bỏ nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa” và cuối cùng là bị vô hiệu hóa. Đó là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự sụp đổ và tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối năm 1991. Cuộc chính biến ở Myanmar ngày 01/02/2021, xa hơn là ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-7-2016 và rất nhiều nước khác xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân rất quan trọng chính là liên quan đến vấn đề “phi chính trị hóa” Công an, Quân đội. Đảng không nắm chắc quân đội và công an. Điều đó khiến cho quân đội và công an bị mất phương hướng, lầm đường, lạc lối, từ đó dẫn tới hệ lụy khôn lường, trở thành lực lượng đi ngược mục đích tôn chỉ của đội quân vốn có ban đầu.

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong các lực lượng vũ trang là vấn đề sâu sắc, là kinh nghiệm quý báu, là nguyên tắc không bao giờ được lãng quên. Đòi hỏi “Phi chính trị hóa quân đội” chỉ là trò hề chính trị, chiêu bài cũ rích của kẻ thù.

1 nhận xét:

  1. Để đấu tranh chống âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” chúng ta phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hoà bình” của kẻ thù trên tất cả các lĩnh vực.

    Trả lờiXóa