Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

 

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ SỰ KIỆN LIÊN XÔ TAN RÃ

 

ĐỨC BÁCH

Ngày nay, các nước xã hội chủ nghĩa tuy không còn là một hệ thống, nhưng với tính ưu việt không thể phủ nhận, nhiều quốc gia vẫn kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Suốt 30 năm qua (kể từ khi Liên Xô tan rã), những lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội vẫn không ngừng phát triển, ngày càng được bổ sung phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Trong quá trình đó luôn gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Các thế lực thù địch, phản động, chống đối rêu rao rằng “sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô chính là sự cáo chung, là cái chết của chủ nghĩa xã hội”, họ cho rằng: “Nếu Việt Nam vẫn cứ tiếp tục đi theo chủ nghĩa xã hội thì cũng sẽ theo vết xe đổ của Liên Xô, sẽ tất yếu dẫn tới sự sụp đổ, đó là tương lai nhìn thấy t rước”...Có thể nói, đây là những luận điệu được các thế lực thù địch sử dụng chống phá từ ngay sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, trên thực tế nó đã bị bác bỏ cả về lý luận và thực tiễn.

Chúng ta thấy rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không phải là do chủ nghĩa Mác - Lênin sai lầm mà chính là do các Đảng Cộng sản ở những quốc gia này đã nhận thức và vận dụng sai chủ nghĩa Mác - Lênin, thậm chí đòi xét lại, phản bội, xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Sự sụp đổ này chẳng qua chỉ là khúc trầm trong sự vận động của lịch sử. Lịch sử vận động có lúc thăng, lúc trầm quanh co, phức tạp chứ không phải là đường thẳng tắp dù xu thế chung là tiến lên. Việc từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu để quy chụp cho rằng chủ nghĩa xã hội là ảo tưởng thì cũng giống như lý thuyết từ sự sụp đổ của mô hình một ngôi nhà cụ thể dẫn đến mọi ngôi nhà khác đều sụp đổ. Hơn nữa, không ai có thể phủ nhận rằng, thời gian tồn tại hơn bảy mươi năm của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã thực sự tạo ra những thay đổi lớn lao cho cuộc sống của những người lao động cần lao.

Suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô sụp đổ đã có rất nhiều bài viết mang những luận điệu điên cuồng chống phá Chủ nghĩa xã hội, trong đó điển hình là bài viết The Triumph of Capitalism (Chiến thắng của chủ nghĩa tư bản) đăng trên tạp chí The New Yorker vào tháng 1-1989, của tác giả Robert L. Heilbroner, trong bài viết ông ta coi sự kiện Liên Xô tan rã là đánh dấu “sự cạnh tranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đã kết thúc”. Sau này, luận điểm trên của Robert L. Heilbroner đã được nhiều người trích dẫn lại phục vụ cho các bài viết chống phá chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, ngay chính tác giả của bài viết trên lại không thể biết rằng chủ nghĩa xã hội ra đời không phải để cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản, mà là đấu tranh để loại bỏ tất cả những tàn tích lạc hậu của chế độ cũ, trong đó có chế độ tư bản chủ nghĩa, để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, không còn chế độ áp bức, bóc lột, mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được phát triển toàn diện. Trong quá trình đấu tranh đó, những giá trị tích cực, tiến bộ của chế độ tư bản chủ nghĩa được kế thừa và phát triển. Bản chất của sự cạnh tranh là có thể cùng tồn tại và phát triển, nhưng đấu tranh sẽ hướng tới những giá trị tốt đẹp duy nhất mà nhân loại tất yếu sẽ hướng tới, đó là chủ nghĩa xã hội (quy luật phát triển tất yếu của lịch sử và nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân lao động).

Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, tùy theo những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, những thắng lợi đan xen với những thất bại là điều tất yếu xảy ra. Những thất bại ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây là những thất bại tạm thời của chủ nghĩa xã hội. Trái lại, qua những thất bại đó, các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đã rút ra được bài học bổ ích, thực hiện cải cách, đối mới đúng hướng và đã gặt hái được những thành công to lớn, tạo ra những sức sống mới của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI.

Chủ nghĩa tư bản tuy đã có sự điều chỉnh, thích nghi và còn có dư địa phát triển trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, nếu muốn giải quyết triệt để tất cả những mâu thuẫn vốn có mang tính bản chất của chủ nghĩa tư bản (mâu thuẫn giữa tư bản và lao động), thì những cuộc cải cách hiện nay ở các nước tư bản chủ nghĩa là chưa đủ và nó cần có một cuộc cách mạng thực sự, cuộc cách mạng đó chỉ có thể đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, nhưng điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội đã thất bại, chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng. Trái lại, các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục diễn ra trên thế giới bằng nhiều hình thức khác nhau và nó đã trở thành tác nhân quan trọng làm cho chính quyền của giai cấp tư sản ở nhiều nước phải thay đổi chính sách theo hướng tiến bộ hơn. Đó cũng là những thắng lợi bước đầu quan trọng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Việc điều chỉnh chính sách của Mỹ và các nước tư bản phương Tây với Việt Nam là những ví dụ điển hình cho điều này. Thực tiễn hiện nay cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang coi chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của mình và đang chứng minh chủ nghĩa xã hội sẽ là tương lai của loài người.

 

 

 

1 nhận xét:

  1. Mọi âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động và các thế lực thù địch nhất định sẽ bị lột trần và thất bại

    Trả lờiXóa