Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

 

NHỮNG KẺ PHẢN ĐỘNG - HÃY NHÌN VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

                                                                          Trung Kiên

Sau khi Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Trên trang Việt Nam Thời Báo, đối tượng Lynn Huỳnh tán phát bài “Việt Nam có dân chủ hay không”; trang mạng xã hội "Cánh dù lộng gió", Nguyên Anh  “Những điều mơ hồ hoang tưởng”…nội dung phủ nhận  những thành tựu mà đất nước và nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng khi cho rằng: “Việt Nam không thể nào có thể tiến đến một cái xã hội được gọi là xã hội chủ nghĩa”; phủ nhận tính cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng “học thuyết sai lầm và vô nhân đạo”; tô hồng “xã hội dân chủ và đa nguyên”; phản đối chế độ một đảng lãnh đạo ở Việt Nam và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam…

Cuốn sách hơn 800 trang được chia làm ba phần: Phần thứ nhất in toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Phần thứ hai tuyển chọn hơn 100 bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý và các tầng lớp nhân dân ở mọi vùng, miền của Tổ quốc về bài viết của Tổng Bí thư. Nội dung các bài viết đã cụ thể hóa, làm phong phú thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong bài viết của Tổng Bí thư. Phần thứ ba tuyển chọn 50 bài trao đổi, phỏng vấn, đánh giá của các học giả, nhà nghiên cứu, các đồng chí, bạn bè quốc tế, các chính đảng,... về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong bài viết ở phần thứ nhất, Tổng Bí thư khẳng định: “lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”. Đó là một quá trình không ngừng đổi mới nhận thức và tư duy về CNXH của Đảng ta. Với nhận thức tổng quát về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đó là quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN. Chúng ta quá độ lên CNXH với nền sản xuất nhỏ là chủ yếu, mà theo cách nói của V.I.Lênin là “quá độ gián tiếp”. Đây là sự phát triển và đóng góp quan trọng của Đảng ta vào quá trình đổi mới tư duy lý luận về CNXH. Quan niệm này được Đại hội VI của Đảng nêu ra và các kỳ tiếp theo của Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và khẳng định. Thực tiễn 35 năm đổi mới vừa qua đã chứng minh tính đúng đắn về con đường đi lên CNXH mà Đảng ta đã lựa chọn, điều này được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đó là: “tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp qui luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”. Tổng Bí thư luận chứng một cách sáng rõ khỉ chỉ ra: Việt Nam quá độ lên CNXH là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp. Việc đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ TBCN, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại, cho nên lại càng khó khăn, phức tạp; nên nhất thiết phải trải qua một thời kỳ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Những nhận định này là khoa học đứng trên lập trường của người Macxit, hoàn toàn không có sự mơ hồ, ảo tưởng như những kẻ phản động đưa ra.

Chúng ta đã nhận thức và từng bước hoàn thiện quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đây là sự đổi mới căn bản nhận thức về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Cùng với quá trình đó là sự hình thành quan niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là hình thức tối ưu để thực hiện quyền lực của nhân dân.

Với quan điểm phát triển kinh tế là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách, trong suốt quá trình phát triển. Theo đó, quan điểm Tổng Bí thư nêu ra trong bài viết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi. Những nhận định này là hoàn toàn có căn cứ khoa học, bác bỏ quan điểm sai trái thù địch xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế-xã hội, không có dân chủ ở Việt Nam hiện nay.

Trong bài viết, Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Và kết luận: “ĐLDT gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh”; đồng thời, khẳng định Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN. Và điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin – học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mạng hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.

Đây là điều hoàn toàn có căn cứ khoa học không phải là “sự hoang tưởng”, lại càng không phải là “cái bánh vẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam” như những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận vai trò của Đảng, phủ nhận tính cách mạng, khoa học chủ nghĩa Mác-Lênin của các thế lực thù địch.

Qua bài viết ở phần một cuốn sách của Tổng Bí thư chúng ta thấy rõ giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn, đó là lý luận về CNXH, về CNXH ở Việt Nam và tính tấy yếu con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay. Bài viết thể hiện tư duy chiến lược sắc sảo, tính khoa học, tính chính trị và tính chiến đấu cao; đồng thời, mang giá trị chỉ đạo hoạt động thực tiễn sâu sắc đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta./.

 

 

1 nhận xét: