Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Suy thoái tư tưởng chính trị căn bệnh “ung thư” nguy hiểm"

 


M.H

Suy thoái tư tưởng chính trị, thực chất là sự phản ánh sai lệch bản chất của Đảng Cộng sản, từ việc phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi thường chủ trưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó là do tuyệt đối hóa cái chủ quan, đề cao chủ nghĩa cá nhân, làm cho mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng như những cái tốt, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa bị xuyên tạc trở thành méo mó, thực hư, thật giả, lẫn lộn trắng đen. Vì thế, cái xấu, cái ác có cơ hội nảy nở, “lên ngôi”, cái tốt, cái thiện bị lấn át, nhấn chìm. Do vậy, có thể coi suy thoái chính trị như là căn bệnh “ung thư” nguy hiểm và hậu quả khó lường.

Căn nguyên của sự suy thoái về tư tưởng và sự phản ánh sai lệch các giá trị, chuẩn mực đạo đức, lối sống có thể nhìn nhận từ hai góc độ: Thứ nhất, bộ óc người – khí quan vật chất sản sinh ra tư tưởng bị tổn thương do sự cố tai nạn hoặc bị rối loạn chức năng tâm sinh lý gây nên tình trạng bất bình thường của hệ thần kinh trung ương. Thứ hai, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một số người là do bộ óc của họ “có vấn đề”, “lương tâm, danh dự” đã bị hoen ố, lu mờ; tự thân không thể nhận thức đúng sai, không phân biệt rõ ràng phải trái; không thể điều chỉnh thái độ, hành vị trong các mối quan hệ, giao tiếp, ứng xử để đạt đến sự chuẩn mực về giá trị đạo đức nên đã rơi vào lối sống tùy tiện, buông thả, “quên tình nghĩa, xa rời đạo lý”; đề cao vật chất, sùng bái đồng tiền; nặng nề hưởng thụ, ham chức, cậy quyền, đề cao “cái tôi”, coi thường tổ chức, chà đạp lên tập thể, rơi vào “vũng bùn” của chủ nghĩa cá nhân. Hiện tượng này tuy không phải là phổ biến, chỉ rơi vào một số người “bị bệnh hoạn” nhưng lại gây hại lớn cho xã hội; làm nhiều người tốt lo ngại, trăn trở, băn khoăn; thậm chí khủng hoảng niềm tin vào chân lý, có nơi lòng tin của một bộ phận người dân đối với Đảng, Nhà nước, nhất là đối với tổ chức đảng và chính quyền địa phương bị giảm sút nghiêm trọng.

Có thể khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sai lầm, suy thoái về đạo đức, lối sống và ngược lại. Cho nên, muốn không bị suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến các loại suy thoái, biến chất khác thì chính trị của ta phải mạnh lên, đạo đức của ta phải trong sáng; lối sống của ta phải lành mạnh. Một vấn đề có tính nguyên tắc (bất di bất dịch) là phải quan tâm chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng; ra sức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chiếm vị trí thống trị, trở thành nền tảng trong đời sống văn hóa – tinh thần xã hội. Đồng thời, phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật, kỷ luật; kịp thời đưa những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất; không đủ tư cách ra khỏi tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21- KL/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đã chỉ ra tác hại khôn lường của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và các giải pháp khắc phục căn bệnh ấy. Đây là dịp tốt để chúng ta nhận diện ngày càng rõ hơn những người mắc “căn bệnh này”, có biện pháp “hạ nhiệt” cho những người thường hay ác cảm và nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa; hay ca ngợi và muốn đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, thích sống theo kiểu văn hóa phương Tây: đề cao vật chất sùng bái đồng tiền; coi thường tình nghĩa, đạo lý; phủ nhận truyền thống, lịch sử dân tộc…

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang đặt ra nhiều việc phải làm, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần phải có những giải pháp hữu hiệu để giúp đỡ một số cán bộ, đảng viên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm do “bị thương” bởi “viên đạn bọc đường” của thời kinh tế thị trường, bị mua chuộc bởi những kẻ làm ăn phi pháp; có lúc đã trở thành tù nhân của lương tâm, nô lệ của đồng tiền, trở lại đội ngũ, thành người lương thiện. Công việc này có giá trị rất tốt là khi các đồng chí ấy quay về đội ngũ sẽ là nhân cốt tích cực trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; tham nhũng, tiêu cực trong xã hội ta hiện nay.

Mối quan hệ giữa suy thoái về tư tưởng chính trị và suy thoái đạo đức, lối sống là mối quan hệ giữa “kẻ tung người hứng”, a dua tòng phạm, cùng dẫn đến hệ lụy phá bỏ chế độ, lũng đoạn nền nếp, trật tự, kỷ cương, rũ bỏ luân thường đạo lý, vi phạm kỷ luật, làm sai luật pháp; gây hậu họa cho nhiều gia đình tổ chức; tác động tiêu cực cho xã hội, cản trở tiến bộ lịch sử. Cho nên, cần hiểu rằng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là “một cơ thể mang bệnh ghép”, gồm ba căn bệnh trong một con người: suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, suy thoái về lối sống. Cả ba căn bệnh ấy đều bám nhau, dính chặt trên một cơ thể người bị “lệch chuẩn”, bệnh hoạn nên rất khó phân biệt một cách rạch ròi bản chất, nguyên nhân của từng loại bệnh. Ai đó chỉ cần mắc một chứng bệnh là lập tức bị lây nhiễm, mắc các chứng bệnh khác ngay lập tức. Đương nhiên, ổ bệnh gây mầm vẫn là suy thoái về tư tưởng chính trị xét một cách toàn cục mà nói. Sự phát bệnh và biểu hiện rõ nhất, dễ nhìn thấy nhất có khi lại bắt đầu từ các hành vi thoái hóa đạo đức, lối sống thông qua các hành động “lệch chuẩn” của nó.

Nói cách khác, sự suy thoái về tư tưởng chính trị thường được che đậy, ngụy trang kín đáo, tinh vi, rất khó nhìn thấy, nhất là đối với một số người từng trải, có nhiều kinh nghiệm thực tế; song sự “hư đốn” lại thấy dễ dàng hơn bởi sự buông thả, tùy tiện ở một số người này như tham nhũng, vun vén lợi ích cá nhân, ăn chơi xa đọa. Suy thoái tư tưởng chính trị là dấu hiệu đầu tiên và quy định nguồn gốc, bản chất, hình thức biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Nếu sự suy thoái về tư tưởng chính trị được loại bỏ hoặc mất đi thì sớm hay muộn, suy thoái về đạo đức, lối sống cũng có thể sẽ dần mất theo và ngược lại.

Vì vậy, (1) Phải kiên quyết hơn nữa trong triển khai thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, suy thoái trong tổ chức đảng. Đồng thời, (2) Đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống pháp luật, các chế độ, quy định thật cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để đủ sức ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; chọn đúng người có thực đức, thực tài để bố trí vào các vị trí chủ chốt, chủ trì quan trọng. (3) Đổi mới cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ để cán bộ, đảng viên có đủ điều kiện “bảo liêm”, “dưỡng liêm”, làm tốt việc nêu gương cho quần chúng học tập, noi theo. (4) Giải quyết tốt mối quan hệ giữa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một biện pháp nhất thiết phải làm, nhằm gột rửa cho sạch thói hư, tật xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu rèn luyện, tu dưỡng, để uy tín, danh dự của Đảng ta ngày càng thêm tỏa sáng, sống mãi trong lòng nhân dân; là cách tốt nhất để thực hiện thành công mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc đúng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra./.

 

1 nhận xét: