Kỳ họp thứ tám của Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung
ương diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 02 đến ngày 04/11/2021 thời gian qua đã thu
hút sự chú ý của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng trên mọi miền Tổ
quốc. Đáng chú ý, một trong những nội dung kết luận của UBKT Trung ương, đó là nhấn
mạnh những sai phạm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 như: vi phạm các nguyên tắc hoạt
động của Đảng, Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng; thiếu trách nhiệm, buông
lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám
chữa bệnh và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong
công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; trong việc cấp phép nhập khẩu
thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y
tế và vật tư tiêu hao; để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý
hình sự.
UBKT Trung ương đã đưa ra quyết định thi hành kỷ luật đối với một
số tập thể và cá nhân, điển hình là: Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế nhiệm kỳ
2015-2020, Đảng ủy Cục Quản lý Dược nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Đảng ủy
Bệnh viện Bạch Mai nhiệm kỳ 2015-2020. Khiển trách Đảng ủy Cục Quản lý Dược
nhiệm kỳ 2015-2020. Khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức tất cả các chức vụ trong
Đảng và khiển trách một số cán bộ đầu ngành đối với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trong Bộ Y
tế, Bệnh viện
Bạch Mai... Đồng thời, UBKT Trung ương đề nghị Bộ
Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm
kỳ 2016 - 2021 và các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban
Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng Bộ Y
tế; Trương Quốc Cường, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y
tế. UBKT
Trung ương sẽ tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật một số tổ chức đảng và đảng viên
có liên quan đến vi phạm, khuyết điểm đã nêu; yêu cầu Ban cán sự đảng, Ban
Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, kiểm điểm
trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với các tổ chức đảng, đảng viên khác có liên
quan.
Trước hết, cần khẳng định: Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả
nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của
Nhà nước, thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế, ảnh hưởng lớn đến chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân
dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng
xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Y tế. Cần tập trung khắc phục bằng
được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ.
Thứ hai, kết
luận của UBKT Trung ương về những sai phạm Ban cán sự đảng Bộ Y tế một lần nữa
nhấn mạnh: Đảng
ta luôn quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo xây dựng, chỉnh
đốn Đảng, tăng cường công tác thanh, kiểm tra gắn với đấu tranh chống quan
liêu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, bộ máy nhà nước, gây bức xúc
trong xã hội. Khẳng định quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng trong chiến dịch đốt lò “không
vùng cấm” đối với công tác phòng, chống tham
nhũng hiện nay. Vai trò của người đứng đầu với quan
điểm chỉ đạo
cương quyết kịp thời: “Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều
phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không
phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng
đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý
đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung”.
Những “con
sâu” trong ngành y đã tranh thủ đục khoét ngân sách quốc gia, gây ảnh hưởng đến
sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, người bệnh; làm băng hoại về phẩm chất đạo
đức nghề nghiệp, suy giảm uy tín của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu”. Đây
được coi là bài học sâu sắc không chỉ trong ngành y, mà cho tất cả các tập thể,
cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội
trong chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh không khoan nhượng với những
tiêu cực, sai phạm, tham nhũng.
Chúng ta cũng
thấy rằng: Các vụ việc tham nhũng, những sai phạm của một số tổ chức, cá nhân
thời gian qua đều được các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra, kịp thời
xử lý theo đúng quy định và được thông tin sâu rộng, công khai trên các phương
tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, mỗi người cần tỉnh táo, nêu cao tinh thần
cảnh giác, không cổ suý cho các phần tử phản động, đăng tải hay bình luận, phát
ngôn các nội dung thông tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng gây hoang
mang dư luận… Đó cũng góp phần quan trọng đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên hiện nay.
Hiện nay, phòng, chống tham
nhũng cần phải song hành với việc chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn
lùi, tránh tư tưởng lo ngại chống tham nhũng sẽ cản trở phát triển, làm nhụt
chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong bộ phận cán
bộ, đảng viên… Chống tham nhũng
là quốc sách hàng đầu cần phát huy mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mới, góp phần
xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, giàu mạnh./.
Nguyễn Xuân Tú
ai sai cũng phải bị xử lý
Trả lờiXóa