Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG PHÒNG, CHỐNG CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRÊN LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG, VĂN HÓA TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

 


V. V. T

 

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, đòi hỏi phải xác định công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính. Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đòi hỏi cấp thiết phải quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

Một là, từ phía lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành phải nâng cao nhận thức trong cuộc đấu tranh này. Trong quá trình đấu tranh phòng, chống không phải là bắt ép cộng đồng nhận thức, suy nghĩ và hành động theo một khuôn mẫu chủ quan duy ý chí mà là quá trình nhận thức được, bắt mạch được thực tại khách quan, đó là tâm lý, nguyện vọng, nhu cầu và nhất là lợi ích của nhân dân, trên cơ sở ấy quy tụ lòng người, thống nhất cộng đồng trên cả hai bình diện nhận thức và hành động để thực hiện được mục tiêu và định hướng phát triển, đem lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng và cho mỗi người dân. Bởi cơ sở quan trọng nhất để tạo nên tư tưởng xã hội tốt chính là họ được tiếp nhận thông tin nhanh nhất, phản ánh chân thực, khách quan nhất.

Hai là, việc định hướng thông tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân là thể hiện yêu cầu thống nhất giữa đòi hỏi từ hệ thống chính trị, của lãnh đạo, quản lý các cấp và nhu cầu cần cung cấp thông tin chính thống của quần chúng nhân dân. Để bảo đảm được tính thống nhất này, liên quan đến các sự kiện chính trị, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm mới nảy sinh trong đời sống xã hội, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương theo phân cấp quản lý cần cung cấp kịp thời đến cơ quan chịu trách nhiệm định hướng thông tin là ban tuyên giáo cùng cấp nắm bắt, xử lý thông tin, đề xuất phương án chỉ đạo và thực hiện. Cơ chế thực hiện công tác thông tin về những vấn đề bức xúc cần được xây dựng thành văn bản, quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị, cá nhân. Nếu xây dựng được cơ chế, quy trình xử lý, chỉ đạo bài bản thì việc thực hiện công tác thông tin khi có vấn đề bức xúc nảy sinh sẽ chủ động, kịp thời và có hiệu quả hơn.

Ba là, báo chí là phương tiện và phương thức quan trọng nhất trong việc khơi nguồn, tập hợp và phát huy nguồn sức mạnh trong nhân dân, là tài nguyên quan trọng của quốc gia trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Đó cũng là cách làm cho báo chí gắn với công chúng, không bỏ rơi công chúng. Do đó, vấn đề này đặt ra trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo. Mọi trách nhiệm trên các phương diện này chỉ có thể được thực hiện khi báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, mang hơi thở chân thực cuộc sống, thì mới có được đông đảo người đọc, người nghe, người xem quan tâm. Báo chí định hướng thông tin đến nhân dân ngoài việc thông tin qua các phương tiện truyền thống, cần tận dụng tối đa công nghệ thông tin để phát huy báo điện tử, trang tin điện tử đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng; đó là thông tin và bình luận đảm bảo nhanh, đầy đủ, phong phú và đa chiều về các sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm mang tính thời sự liên quan mật thiết đến nhu cầu được tiếp nhận thông tin của đông đảo công chúng và các tầng lớp nhân dân, giúp họ nhận thức đúng những gì đang diễn ra, trên cơ sở đó, họ ý thức được vai trò, vị thế, trách nhiệm và lợi ích của chính mình trong xã hội.

Bốn là, xây dựng cơ chế, hình thức và nội dung phát ngôn của cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Trước những vụ việc như vậy, nhân dân có nhu cầu được cung cấp thông tin về quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề đó. Sự lên tiếng chính thức của cơ quan có trách nhiệm cũng thể hiện rõ trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước trước các vấn đề, sự kiện của đất nước. Điều đó nếu được thực hiện tốt sẽ là một biện pháp hiệu quả để định hướng dư luận, củng cố niềm tin, tạo sức đề kháng thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội. Công tác thông tin cần nhận diện, phát hiện và dự báo sớm một số vấn đề có thể gây bức xúc về tư tưởng và phải luôn đi trước, đi cùng các vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Cơ quan đầu tiên có trách nhiệm thực hiện công tác định hướng thông tin tuyên truyền là ban tuyên giáo các cấp cần được tham gia ngay từ khâu hoạch định chính sách, dự án đến quá trình triển khai thực hiện. Đó là điều kiện cần để làm tốt công tác dự báo diễn biến tình hình và kịp thời thực hiện công tác định hướng thông tin góp phần giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc trong xã hội.

Năm là, trong hoạt động phá hoại tư tưởng, tuyên truyền phá hoại tư tưởng trên không gian mạng là hoạt động phổ biến nhất hiện nay. Với đặc tính lan tỏa nhanh, không gian mạng trên Internet đang là phương tiện nguy hiểm nhất, có khả năng mở rộng phạm vi tác động nhanh nhất, vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý và các nỗ lực ngăn chặn để phổ biến nhanh, gây tác hại trên diện rộng hơn bất cứ hình thức tuyên truyền nào khác. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã triệt để lợi dụng đặc tính này và thiết lập hàng nghìn trang web, blog và mạng xã hội cho mục đích tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ. Mặt khác sự yếu kém trong quản lý nội dung thông tin trên mạng phản ánh về các vụ việc phức tạp, nhạy cảm cũng đưa đến những tác động xấu đối với đời sống xã hội nước ta, nhất là về văn hóa, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Định hướng thông tin tốt trên không gian mạng là nền tảng tạo nên môi trường không gian mạng lành mạnh. Trên không gian mạng, thông tin chính là tài nguyên, là hàng hóa, là tài sản tiêu dùng và là chất liên kết giữa con người với con người trong thực tại.

          Sáu là, nắm vững quyền chủ động, quyền dẫn dắt tư tưởng, dư luận xã hội trên không gian mạng: Đối với những thách thức to lớn do những thay đổi môi trường dư luận xã hội hiện nay trên không gian mạng mang lại, làm thế nào để đổi mới và tăng cường tuyên truyền mặt tích cực, nắm vũng quyền chủ động, quyền dẫn dắt dư luận xã hội trên Internet? Cần quan tâm đến những phương diện quan trọng sau:

          (1) Chủ động thiết kế xây dựng chủ đề. Dẫn dắt dư luận đi theo hướng thiết kế, xây dựng chủ đề, làm cho vấn đề gì cần nóng thì nóng lên, cần nguội thì nguội đi, cần nói thì phải nói cho hết lẽ. Mất quyền phát ngôn chính là mất quyền lực, không dám thiết kế, xây dựng các chủ đề, nội dung, chính là từ bỏ quyền phát ngôn, mất kiểm soát “trận địa” trên không gian mạng. Thiết kế, xây dựng các chủ đề không thể như kiểu “đà điểu vùi đầu xuống cát trốn kẻ thù”, cần tránh bên ngoài thì ồn ã, nhưng thực tế không gắn với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xa rời quần chúng nhân dân.

          (2) Cải thiện nội dung. Hiện nay, nhu cầu của quần chúng nhân dân ngày càng đa dạng, ý thức tham gia ngày càng mạnh, tư tưởng  quan niệm ngày càng đa chiều trên Internet, người người truyền tải thông tin, nhiều hướng truyền tải thông tin, lượng truyền tải thông tin nhiều vô kể, không thể có chuyện chỉ có một luồng dư luận. Cần phân loại quần chúng trên cộng đồng mạng để dẫn dắt dư luận, dẫn dắt chuẩn xác theo kiểu “mỗi cái chìa chỉ mở được một cái ổ khóa”.

  (3) Nắm vững quy luật truyền tải thông tin. Internet có quy luật riêng của Internet, chỉ khi nắm chắc quy luật, nghiên cứu chắc tâm lý của cư dân mạng, thích ứng với các kỹ thuật mới, ứng dụng mới trong vận dụng quy luật truyền tải trên mạng, thì công tác định hướng tư tưởng, dư luận trên mạng mới có thể có kết quả. Việc truyền tải thông tin tuyên truyền dẫn dắt dư luận trên mạng không chỉ cần coi trọng nguồn gốc thông tin, mà còn cần hết sức coi trọng việc dẫn dắt và bảo vệ quá trình truyền tải, lưu thông thông tin. 

(4) Làm sâu sắc thêm sự thống nhất trong truyền thông. Sự thống nhất định hướng thông tin trong truyền thông chính thống đang không ngừng đạt hiệu quả. Sự thống nhất trong truyền thông không phải là sự chắp nối đơn giản, mà là sự sắp sếp thống nhất trong hệ thống, tạo thành chuỗi dòng chảy thông tin chính thống lan tỏa nhanh trong cộng đồng. Cần nghiên cứu nắm vững quy luật truyền tải tin tức hiện đại và quy luật phát triển các phương tiện truyền thông mới nổi, tăng cường tư duy về Internet và quan niệm phát triển nhất thể hóa, thúc đẩy sự thống nhất nội dung thông tin, ứng dụng kỹ thuật, thiết bị đầu cuối, đội ngũ có trình độ và chuyên nghiệp về công nghệ thông tin.

(5) Đẩy mạnh quản lý không gian Internet theo pháp luật và các chế tài cụ thể. Không gian Internet không phải là phạm vi ngoài pháp luật. Internet là ảo, nhưng chủ thể sử dụng không gian mạng là thật, bắt buộc phải quản lý tốt người dùng, quản lý chặt Internet.

(6) Tăng cường phối hợp quản lý: Hình thành môi trường dư luận xã hội trên Internet hài hòa không chỉ là việc riêng của các cá nhân hay tổ chức nào, mà đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, và sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, huy động lực lượng trên nhiều phương diện, tập hợp nhận thức chung của cư dân mạng, huy động trí tuệ của cư dân mạng, phát huy tính năng động tự chủ của cư dân mạng. Cần thiết thực làm tốt công tác mặt trận trên Internet, tăng cường tối đa nhận thức chung, giảm thiểu tối đa nhận thức đối lập, tranh thủ tối đa những nhân tố tích cực. Huy động rộng rãi các doanh nghiệp truyền thông, Internet, các tổ chức xã hội, cộng đồng trên Internet, những cư dân mạng cùng tham gia, khơi dậy sức mạnh trong quần chúng, bảo đảm môi trường trên không gian mạng lành mạnh./.

1 nhận xét: