Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

KHẢO LƯỢC VỀ XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ SỰ LỢI DỤNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM HIỆN NAY

PVL

Xã hội dân sự (XHDS) là vấn đề còn nhiều quan niệm khác nhau về sự ra đời, hình thức tồn tại, vai trò của nó trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng chiêu bài XHDS để loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở một số nước. Vì thế, nắm được một số vấn đề cơ bản về XHDS và sự lợi dụng XHDS của các thế lực thù địch chống phá cách mạng có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cấp thiết.

1. Một số vấn đề cơ bản về Xã hội dân sự

Có nhiều cách tiếp cận làm rõ XHDS, mỗi cách khác nhau tìm ra những dấu hiệu để khẳng định XHDS là gì cũng khác nhau. Với cách tiếp cận cấu trúc hệ thống thì XHDS được xem là các tổ chức xã hội. Các tổ chức này ra đời bắt nguồn từ yêu cầu của phương thức tổ chức xã hội, từ đặc tính nhà nước không thể quản lý và thực hiện thay cho công dân của mình trên tất cả mọi khía cạnh của đời sống xã hội.

Ở Anh, XHDS xuất hiện lần đầu tiên từ thế kỷ XVI, phản ánh giai cấp tư sản muốn thoát khỏi sự thống trị của nhà thờ và nhà nước chuyên chế quân chủ châu Âu. Đến thế kỷ XVIII, khái niệm XHDS được dùng để phân biệt giữa xã hội chính trị (tức là nhà nước) với những cái không phải là nhà nước, tức là không thuộc vào “xã hội chính trị”. Đó là mạng lưới dày đặc các mối quan hệ cá nhân, nhằm thỏa mãn những nhu cầu cá nhân cực kỳ phức tạp, đa dạng. Mạng lưới dày đặc đó chính là XHDS. Sau này, sự phát triển nổi bật tư tưởng về XHDS được gắn liền với tư tưởng của Heghen và C.Mác trong cách luận giải về xã hội công dân ở thế kỷ XIX.

Theo Liên hội Quốc tế Các tổ chức XHDS thì “XHDS là lĩnh vực ở bên ngoài gia đình, nhà nước và thị trường, nơi người dân kết hợp hoạt động nhằm đạt được các lợi ích chung”.

 Trong xã hội có rất nhiều tổ chức do người dân lập ra trên cơ sở tự nguyện nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Thường có 2 dạng cơ bản đều nằm ngoài nhà nước: Đó là các tổ chức dưới hình thức hội, nhóm, ban liên lạc, quỹ… nhóm này không quan tâm, không tham gia vào hoạt động nhà nước; tạm gọi là các tổ chức phi nhà nước. Và dưới hình thức hội quỹ, câu lạc bộ, diễn đàn… nhóm này quan tâm tham gia quản lý nhà nước, phản biện xã hội, góp ý việc thực hiện chính sách, mang màu sắc chính trị; đây chính là những tổ chức XHDS.

Ở Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và XHDS đã hình thành và ra đời rất sớm, dựa trên mối liên kết dòng họ, đồng hương, đồng môn, đồng phường, đồng hội, đồng sở thích… hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản lý, phi lợi nhuận xuất hiện phổ biến và trở thành đặc trưng của xã hội Việt Nam, nhưng cũng đã có ranh giới khá rõ ràng giữa hai tổ chức này. Các tổ chức phi nhà nước hình thành dưới dạng phường hội, chia sẻ cộng đồng, đứng ngoài chính trị. Các tổ chức XHDS vừa chia sẻ đùm bọc, vừa tham gia vào quá trình quản lý nhà nước, cơ bản theo xu hướng phản kháng mưu cầu độc lập cho dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Đặc trưng của XHDS là nằm ngoài nhà nước, đối tác với nhà nước; hoạt động tự nguyện; tham gia vào quá trình quản lý nhà nước; tự chủ, độc lập về tài chính; vì sự phát triển của cộng đồng, phần lớn là phi lợi nhuận. Còn đặc trưng của các tổ chức phi nhà nước là nằm ngoài nhà nước, ít là đối tác với nhà nước; hoạt động tự nguyện; không tham gia vào quá trình quản lý nhà nước; tự chủ, độc lập về tài chính; vì sự phát triển của cộng đồng, phần lớn là phi lợi nhuận.

Trong các hoạt động xã hội, XHDS có vị trí, vai trò nhất định là cầu nối, kênh truyền dẫn tiếng nói, nguyện vọng của người dân đến với nhà nước; tham gia hoạch định chủ trương, chính sách của nhà nước; phối hợp với nhà nước trong hoạch định, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý; tổ chức phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách cũng như việc thực hiện chính sách, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; kiểm soát và giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức; chống tham nhũng; phát huy các nguồn lực và tính năng động, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, tham gia vào hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học, môi trường, xoá đói nghèo...

Tuy nhiên, hạn chế của XHDS là liên kết các tổ chức khá lỏng lẻo, khó tạo tính đồng thuận cao trong từng tổ chức nói riêng, cũng như trong mạng lưới nói chung. Do nội dung hoat động của từng tổ chức XHDS có thể khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, cho nên trong nhiều trường hợp có thể xẩy ra tình trạng xung đột; dễ xảy ra tình trạng tuỳ tiện, biến lợi ích chung thành lợi ích riêng, thậm chí vi phạm pháp luật nhà nước. Một số tổ chức tính quản trị nội bộ không cao, không có quy tắc hành xử, quy tắc đạo đức trong tổ chức và hành động, thiếu trách nhiệm giải trình, không công khai minh bạch, thiếu sự tham gia của các hội viên và không có định hướng hoạt động lâu dài nên dễ bị tan rã. Một số tổ chức có thể dễ bị lợi dụng do không có nguồn tài chính dồi dào và triết lý hoạt động độc lập.

2. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng Xã hội dân sự chống phá cách mạng hiện nay

Các thế lực thù địch chủ trương thúc đẩy “dân chủ hóa” Quốc hội nhằm phá vỡ nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam để “chuyển hoá” Việt Nam

 Chúng cho rằng sự vững chắc của chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay thì Nhà nước là khâu trọng yếu cần tập trung xâm nhập làm chệch hướng. Chúng đã chủ trương thúc đẩy nâng cao vai trò của Quốc hội và Chính phủ, qua đó hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các biện pháp tiến hành chủ yếu của chúng là: (1) Xây dựng, lôi kéo, tạo ra những “nhân tố” bên trong nhằm thao túng Quốc hội và làm nòng cốt khi bỏ phiếu các bộ luật, nghị quyết có lợi cho Phong trào dân chủ. (2) Mượn chiêu bài toàn dân chống tiêu cực, chống tham nhũng, trích dẫn điều khoản ghi trong Hiến pháp “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất do dân cử” và chế độ “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” để đề cao quá mức vai trò, vị thế và chức năng của Quốc hội. (3) Khuyến khích, ủng hộ và tài trợ việc ban hành các bộ luật, trong đó mở rộng quyền hạn cho các tổ chức xã hội, nghiệp đoàn, câu lạc bộ, hướng các tổ chức này vào hoạt động chính trị.

Thông qua các NGO để hỗ trợ, thúc đẩy các hội đoàn phát triển theo mưu đồ của các thế lực thù địch hình thành XHDS

Thông qua một số tổ chức quốc tế chỉ đạo các NGO, tài trợ cho các NGO Việt Nam ra đời, phát triển và “chuyển hóa” các hội, nhóm, tổ chức quần chúng thành các NGO địa phương làm nền tảng cho XHDS. Nhiều NGO đã móc nối, lôi kéo cán bộ trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam ủng hộ, tạo điều kiện cho các tổ chức XHDS ra đời. Một số NGO đã bí mật hỗ trợ việc hình thành các NGO Việt Nam và tài trợ cho các tổ chức này triển khai các dự án nhằm thúc đẩy phát triển các tổ chức dưới dạng các hội, đoàn, câu lạc bộ, tổ chức cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các NGO tiếp tục đẩy mạnh các dự án, chương trình hỗ trợ, triển khai các hoạt động nuôi dưỡng "lực lượng ngầm", phục vụ cho hoạt động biểu tình, đấu tranh bạo động tại Việt Nam.

Hỗ trợ việc khôi phục, thành lập các tổ chức đối lập dưới nhiều hình thức khác nhau

Các thế lực thù địch đã hậu thuẫn bọn phản động ở trong và ngoài nước thành lập, khôi phục các nhen nhóm, tổ chức, đảng phái đối lập tại Việt Nam. Cơ quan tình báo một số nước dưới danh nghĩa các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ kinh phí cho việc thành lập “Câu lạc bộ Nhà báo dân sự”  tại Việt Nam tập hợp các blogger thuộc các nhóm “đấu tranh vì XHDS cho Việt Nam”. “Câu lạc bộ” này tổ chức theo hình thức phân tán, không có ban lãnh đạo, các thành viên viết bài theođịnh hướng” thúc đẩy sự minh bạch thông tin, phát triển XHDS ở Việt Nam.

Tăng cường giao lưu, hợp tác giáo dục, mở các cuộc hội thảo để “truyền bá” quan điểm XHDS phương Tây vào các tầng lớp xã hội

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã và đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khảo sát, xác lập mô hình XHDS và đề xuất các“giải pháp” thực hiện. Lợi dụng dân chủ cơ sở để lồng ghép truyền bá tư tưởng “dân chủ” trong Quốc hội, các đoàn thể chính trị nhằm tách dần vai trò lãnh đạo của Đảng đối với  đoàn, hội ở Việt Nam, tiến đến loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Một số NGO tây Âu đã có nhiều hoạt động liên quan đến “hỗ trợ pháp lý, thúc đẩy XHDS, dân chủ ở cơ sở, xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính” với những chương trình cụ thể. Tại một số thành phố lớn đã diễn ra các cuộc hội thảo về cải cách luật pháp và thay đổi cơ cấu tổ chức xã hội ở Việt Nam; tổ chức hội thảo về chính quyền nhân dân và sự tham gia chính quyền của công dân, trật tự xã hội mới.... Ngoài ra còn đẩy mạnh các hoạt động giúp Viện Khoa học về Tổ chức Nhà nước - ISOS nghiên cứu đề tài, xuất bản tài liệu, sách tuyên truyền sự cần thiết phải phấn đấu cho dân chủ, hội nhập và đổi mới.

Kích động lực lượng cơ hội, chống đối chính trị trong và ngoài nước triệt để lợi dụng XHDS chống phá Đảng, Nhà nước ta

Gần đây, đã xuất hiện khuynh hướng tư tưởng đòi “dân sự hoá” chế độ chính trị của các phần tử phản động ở trong và ngoài nước; phong trào đấu tranh đòi áp dụng mô hình XHDS ở Việt Nam. Ở nước ngoài một số bài viết về XHDS tán phát trên in-tơ-nét và báo chí phản động. Chúng mượn XHDS chủ yếu để kích động phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ở trong nước,chúng tuyên truyền kích động rằng ở Việt Nam có nhiều tổ chức, hội đoàn như: Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... đều chịu sự quản lý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Chính phủ, do Đảng lãnh đạo. Và theo đó các tổ chức XHDS, không thực hiện đúng chức năng, mục đích bảo vệ quyền lợi các giai tầng, thành phần xã hội mà chỉ là những tổ chức mang tính hình thức, mị dân, chịu sự điều hành quản lý của chính quyền, phục vụ cho quyền lợi của Đảng.

Theo họ, muốn hình thành XHDS tại Việt Nam thì trước hết các lực lượng đấu tranh cho dân chủ phải đòi Đảng Cộng sản chấp nhận sự đa nguyên của xã hội bằng cách mở cửa cho tự do lập hội, tự do nguôn luận, tự do báo chí, phát thanh truyền hình và vận động thành lập các “tổ chức độc lập” đối trọng với Nhà nước. Chúng tìm cách thành lập “liên minh các lực lượng”, phát động các “phong trào”, xây dựng các “ủy ban” và kêu gọi các thành phần trong xã hội tham gia. Thực tế thời gian qua, các hoạt động có tính cách dân sự độc lập với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã xuất hiện và gia tăng ở Việt Nam. Những nhen nhóm mang mầm mống của “XHDS” đã được thành lập trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quyên góp cứu trợ bão lụt đến đấu tranh đòi thay đổi cơ chế chính sách, hủy bỏ dự án Bô- xít ở Tây Nguyên... Đáng chú ý, ở hai thành phố lớn, một số phần tử đã nhóm họp để bàn kế hoạch thành lập “Đảng Dân chủ xã hội” đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam và thống nhất thành lập “Diễn đàn XHDS” để tập hợp ý kiến, quan điểm trái chiều, phản biện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, cổ súy cho Phong trào đấu tranh “chuyển từ thể chế toàn trị sang thể chế dân chủ”.

Như đã trình bày ở trên, sự phát triển của các tổ chức gọi là XHDS ở nước ta hiện nay đã đang bị các thế lực thù địch lợi dụng và hậu thuẫn bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm để điều khiển hoạt động theo ý đồ, phục vụ lợi ích của chúng. Vì thế, vấn đề này cần được nghiên cứu rất cơ bản; tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nhận thức sâu sắc âm mưu, thủ đoạn, tránh mơ hồ, ngộ nhận; từ đó có quan điểm thái độ đúng đắn đấu tranh loại bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần vào đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.

 

 

 

 

 

 

1 nhận xét: