Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

KẾT NỐI XE BUÝT VÀ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ: MỘT HƯỚNG ĐI SÁNG TẠO CỦA HÀ NỘI

 

Sau khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đưa vào vận hành phục vụ nhu cầu của người dân, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã nhanh chóng phát tán phát nhiều bài viết có nội dung khoét sâu vào những bất cập trong quá trình thi công, vận hành tuyến đường sắt trên; vu cáo chính quyền “lừa dối” người dân; xuyên tạc mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc; kích động gây hận thù dân tộc. Tuy nhiên những điều chúng nói đã được chính thực tiễn chứng minh là hoàn toàn bịa đặt, sau khi được vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã được rất nhiều người dân hưởng ứng và tham gia di chuyển trên tuyến đường.

Mặc dù dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông gặp phải không ít những ý kiến trái chiều từ dư luận (chủ yếu do dự án được xây dựng với thời gian khá dài). Tuy nhiên, với những cách làm mới, đặc biệt là sự sáng tạo trong quá trình vận hành, dự án đã, đang cho thấy những giá trị vô cùng hữu ích của mình đối với đời sống dân sinh trên địa bàn thủ đô và góp phần đáng kể trong làm giảm thiểu gánh nặng về giao thông - một bài toán hết sức nan giải trong nhiều năm qua tại Hà Nội và nhiều đô thị lớn ở nước ta. 

Và trong động thái mới đây nhất, để tăng cường khai thác đối với dự án, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; nâng dần tỷ lệ người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, Hà Nội đã xây dựng Phương án kết nối các tuyến xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Phương án này “được xây dựng trên nguyên tắc bổ trợ lẫn nhau nhằm tăng khả năng kết nối, từng bước nâng tỷ lệ người dân sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng”.

Cụ thể: “Ngày 6-11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được Bộ Giao thông - Vận tải bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội đưa vào khai thác thương mại. Song từ trước đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có phương án kết nối mạng lưới xe buýt với tuyến đường sắt đô thị này. Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (thuộc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 ga, mỗi ga sẽ có nhiều tuyến buýt kết nối, giúp hành khách đi lại thuận tiện. Để kết nối với các ga đường sắt này, Trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến; trong đó có bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m; có 55 tuyến buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị. Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 16 tuyến buýt kết nối. Ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến buýt kết nối. Ga có ít tuyến buýt kết nối nhất là ga Hà Đông với 6 tuyến buýt kết nối”.

Để thuận lợi cho việc kết nối, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã điều chỉnh lộ trình, cự ly đối với các tuyến xe buýt số 22, nhánh tuyến 22A (Bến xe Gia Lâm - Khu đô thị Trung Văn), tuyến số 38 (Nam Thăng Long - Mai Động) và tuyến 49 (Trần Khánh Dư - Nhổn).

Có thể thấy, cùng với tiến trình phát triển và sức ép của đô thị hoá ngày càng rõ nét thì việc sử dụng phương tiện công cộng sẽ là một ưu tiên và trên thực tế, nhiều quốc gia đã giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông nhờ phương cách này! Tuy vậy, để thực hiện điều này và do khó khăn từ việc tiếp nhận thích ứng với cái mới và dần loại bỏ những thói quen cũ, yêu cầu đặt ra là phải kết hợp, sử dụng những hạ tầng, phương tiện hiện có. Trong đó ưu tiên sử dụng kết nối những phương tiện cùng tính chất được xem là một giải pháp then chốt.

Trên nền tảng nguyên tắc này, Hà Nội đã nhanh chóng có những bước đi phù hợp nhất. Và đây được đánh giá là một hướng đi, cách làm hết sức sáng tạo của ngành Giao thông & vận tải thủ đô. Đó cũng là câu trả lời cho những băn khoăn, ý kiến nói rằng, người dân mua vé đi đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chỉ là do tò mò, muốn được trải nghiệm; sau đó sẽ chán và khi đó hệ thống được đầu tư quy mô này sẽ trở nên thừa thãi, vô dụng và lãng phí!

Đồng ý, trong quá khứ với những cách làm chưa thích hợp đã làm ảnh hưởng rất lớn tiến độ công trình, dự án. Song có lẽ đó cũng chỉ là câu chuyện của quá khứ. Những gì Hà Nội đã, đang thực hiện đủ sức để khẳng định rằng chủ trương xây dựng và đi vào vận hành dự án hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thời đại, thế giới. Tin tưởng rằng, sau những nỗ lực đã qua, kết hợp với những cách làm mới, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực sự là cứu cánh, là trung tâm để Hà Nội tiếp tục có những cách thức kết hợp, phát triển hệ thống giao thông công cộng, đuổi kịp các quốc gia phát triển, tạo động lực cho nền kinh tế, xã hội thủ đô cất cánh một cách nhanh chóng, bền vững.

Lê Hải Ninh

1 nhận xét: