Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC XUNG QUANH: LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP NGÀY 19/12/1946 CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

      

            Hiện nay, xu thế hòa bình, hợp tác và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta không ngừng biến đổi, tiến bộ. Cùng với những tác động tích cực của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (cách mạng 4.0) và nhìn lại những thành tựu sau 35 năm đổi mới, trong bài phát biểu Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều đó cho thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn ngày càng sáng tỏ. Đồng thời, chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự thật lịch sử cũng đặt ra nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trên không gian mạng. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng đa dạng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và hiểm độc. Bọn chúng dựa vào các phương tiện, công nghệ hiện đại: quay video clip, cắt, dán, ghép hình ảnh sai sự thật,… Mục đích nhằm nói xấu cán bộ Đảng, Nhà nước ta, phủ nhận những thành quả của cách mạng, bóp méo lịch sử, đánh lừa nhận thức của người đọc, người xem, nhất là vào các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước bằng tốc độ lan truyền như vũ bão qua các trang web, facebook, zalo, you tube,....

Nếu chúng ta không cảnh giác, tỉnh táo và có nhận thức, thái độ đúng đắn thì rất có khả năng trở thành người tuyên truyền cho địch, gây tâm lý hoang man, dao động, phai mờ mục tiêu lý tưởng, từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” chống thực dân Pháp (19/12/1946 - 19/12/2021) nhằm góp phần giúp cho cán bộ, chiến sỹ định hướng tốt tư tưởng, tuyên truyền đúng lịch sử, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của kẻ thù. Tôi xin chia sẽ bài viết với một số nội dung liên quan đến sự kiện lịch sử trên như sau:

           Trước dã tâm xâm lược và những hành động gây hấn tàn bạo của thực dân Pháp, ngày 18/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp và nhận định: Thời kỳ hòa hoãn đã qua, khả năng hòa bình không còn nữa. Chúng ta đã nhân nhượng để giữ hòa bình, nhưng càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới. Nhân dân ta không thể trở lại cuộc đời nô lệ. Cuộc kháng chiến sẽ lâu dài và gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.

Chiều 19/12/1946, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Chỉ huy quân đội ta chính thức phát lệnh cho các chiến trường nổ súng đồng loạt vào 20 giờ ngày 19/12/1946: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Chỉ huy, tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội vệ quốc đoàn, dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc phải nhất tề đứng dậy xông tới giết giặc cứu nước”.

 Tối 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông hay đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Đáp lời kêu gọi của Đảng, của Bác, đúng vào lúc 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ thực hiện hiệu lệnh được giao là phá máy, tắt đèn; đây là hiệu lệnh nổ súng tấn công, các vị trí của địch đồng loạt bị bắn phá. Pháo binh ta từ Đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo, Đào Xuyên bắn vào các vị trí của quân Pháp đóng trong thành phố. Lực lượng tự vệ chặt cây, cho nổ mìn ngả cột điện, đánh đổ một số toa xe lửa, xe điện; nhân dân khuân giường, tủ, bàn, ghế... lập các chiến lũy trên đường chặn các mũi tiến công của địch.

Cùng với Hà Nội, quân và dân ta trên khắp miền Bắc, miền Trung đã đồng loạt tiến công quân xâm lược Pháp.

Ở Nam Bộ, cuộc kháng chiến chống Pháp đã diễn ra từ ngày 23/9/1945, nên khi “Toàn quốc kháng chiến” bùng nổ thì quân và dân Nam Bộ nói chung và Rạch Giá, Hà Tiên nói riêng đã trong tư thế sẵn sàng, tiếp tục cùng cả nước hòa nhịp kháng chiến chống Pháp cho đến ngày thắng lợi vẻ vang.

56 ngày đêm kiên cường bám trụ,

Thắng kẻ thù, từng ngôi nhà, góc phố.

Bom 3 càng, các anh - thành bất tử,

Mãi một lòng, cho Tổ quốc quyết sinh”.

Tóm lại, 75 năm đi qua nhưng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 vẫn vang vọng non sông - vừa thể hiện sâu sắc truyền thống yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân ta từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng; vừa là lời tuyên cáo cho toàn thế giới biết về tội ác xâm lược của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam ta.

Ngày nay, trong tình hình đại dịch Covid 19 còn đang diễn biến phức tạp, trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tập trung cao nhất, quyết tâm chiến thắng đại dịch thì các thế lực thù địch vẫn không ngừng tăng cường các hoạt động chống phá, lợi dụng một số vấn đề còn hạn chế, thiếu sót tiến hành kích động nhân dân, xuyên tạc lịch sử, nói xấu Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Vì vậy, chúng ta không một phút nào lơi lỏng tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, chấp hành nghiêm kỷ luật, quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”. Đồng thời, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, sẳn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.

                                                                                           Tống Trường Sơn

 

1 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa