Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

XIN ĐỪNG ĐI NGƯỢC LẠI NGUYỆN VỌNG CỦA CẢ DÂN TỘC

 

 “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất của chế độ xã hội ở Việt Nam. Và trên thực tế, từ khi thành lập nước đến nay, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiền thân là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn lấy dân làm gốc, luôn đặt quyền làm chủ của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thế nhưng, với những lý do khác nhau, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc, nói xấu, phủ nhận các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, nhất là đã xuất hiện những tuyên bố như: Thể chế của Việt Nam hiện nay là không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo là hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân,  cho Việt Nam vi phạm về nhân quyền, đòi bỏ điều 4 Hiến pháp.

Chúng ta phải thấy rằng trên thế giới hiện nay đang tồn tại nhiều hình thức nhà nước với các tên gọi khác nhau với nhiều mô hình khác nhau, do đó, việc áp đặt một mô hình dân chủ nào đó vào một quốc gia là không khả thi, đặc biệt với việc lấy mô hình dân chủ ở phương Tây mà so sánh, thậm chí phủ nhận chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một cách nhìn hạn hẹp nếu như không muốn nói đó là một biện pháp thâm độc về chính trị, một hình thức chống phá nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng.

Đối với Việt Nam, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cho đến nay, Nhà nước luôn là người đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Điều này đã được viết rất rõ trong các bản Hiến pháp của nước ta (1946, 1959, 1992, 2013). Trong đó, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước Việt Nam. Hiến pháp 2013 đã dành hai chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, trong đó tất cả các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa đều được quy định rõ ràng, tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người. Trong bản Hiến Pháp này, một lần nữa khẳng định tại điều 2, khoản 2: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Điều 3: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Như vậy, về mặt luật pháp, chế độ của nước ta là chế độ dân chủ, nhà nước đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đây là một điều không thể chối cãi. Trên thực tế, mọi quyết sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội đều được lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân, các văn kiện đại hội toàn quốc của Đảng trước khi được đưa ra thảo luận ở Đại hội đều được công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện đúng quy chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Cùng với đó, việc đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, làm tốt vai trò là người công bộc của nhân dân, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ của nhân dân. Chính vì lẽ đó, bất kỳ người dân Việt Nam nào, khi nhắc đến Đảng Cộng sản Việt Nam đều gọi với tên gọi thân yêu là Đảng ta, Đảng của dân tộc, Đảng của nhân dân.

Một lần nữa khẳng định, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là chế độ thực sự của nhân dân, là thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân sau biết bao hy sinh xương máu, đã trở thành văn hóa, thành lối sống của dân tộc Việt Nam, chính vì lẽ đó, bất kỳ luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, nói xấu chế độ của nước ta đều là hành vi đi ngược lại lợi ích dân tộc, đi ngược lại nguyện vọng, mong ước của toàn Đảng, toàn dân ta về một xã hội “dân chủ, dân giàu, nước mạnh, công bằng và văn minh”.

                                                                                      

 

1 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa