Đề cập đến nội dung về kinh
tế-xã hội (KTXH) năm 2021-2022 trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật,
xem xét, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện các vấn đề, Ban Chấp hành
Trung ương đã thống nhất cao cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng; thành công của Đại hội đã tạo ra xung lực mới và khí thế
mới cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau Đại hội Đảng, Trung ương
đã tổ chức tốt 3 hội nghị Trung ương, lãnh đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu
Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, sớm kiện toàn các
cơ quan và nhân sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tổ chức thành công nhiều hội
nghị toàn quốc và sự kiện chính trị quan trọng khác, đồng thời đã chỉ đạo khẩn
trương, nghiêm túc nghiên cứu xây dựng và tích cực tổ chức thực hiện Kế hoạch
phát triển KTXH năm 2021 và 5 năm 2021-2025, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa
học.
Với tinh thần đổi mới mạnh
mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và sự nỗ
lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kế thừa, phát huy
tốt những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn
tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa
có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ cho người dân và
doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển sản
xuất kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và đời sống nhân dân, chăm lo việc
học hành của học sinh, sinh viên...
Tính ưu việt của chế độ xã
hội chủ nghĩa ở nước ta, truyền thống đoàn kết, yêu nước, “thương người như thể
thương thân”, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc
ta lại tiếp tục được phát huy cao độ. Nhờ đó, đã kiểm soát được đợt dịch bùng
phát lần thứ 3; kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá, ở mức 5,64%, cao
hơn cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng qua, kinh tế
vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ
tăng 1,82% so với cùng kỳ. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm,
tổng thu ngân sách đạt 80,2% dự toán. Thị trường tiền tệ, thị trường chứng
khoán cơ bản ổn định. Xuất khẩu hàng hoá tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Đặc biệt là đã kịp thời ứng
phó và thực hiện các chính sách hỗ trợ để khắc phục, giải quyết khó khăn cho
người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. An ninh chính trị, trật
tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt
được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ
độc lập, chủ quyền quốc gia, tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của nước ta
trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung
ương ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng
góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng
đồng các doanh nghiệp cả nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng
bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19 thời
gian qua.
Đồng thời, Ban Chấp hành
Trung ương chia sẻ sâu sắc những tổn thất, mất mát về người và của mà nhân dân
ta đã phải gánh chịu; ghi công, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các
lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang
và cán bộ cơ sở đã dũng cảm hy sinh quên mình vì sinh mệnh, sức khoẻ và cuộc
sống yên bình của nhân dân. Mặt khác, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung
ương cũng đã tập trung phân tích những ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt của đợt
bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, hết sức nguy
hiểm và bàn về những chủ trương, chính sách đúng đắn, tổng thể, căn cơ, bài bản
hơn để quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, định hướng phục hồi, phát
triển KTXH trong thời gian tới.
Hội nghị thống nhất nhận
định: Do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ra, kinh tế quý
III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9
tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả
năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).
KTXH đất nước đang đứng
trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể còn tiếp tục kéo dài trong những
tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học
tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao
động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp phải
dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng
tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính-tiền tệ, thị trường
lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh.
Đời sống của nhân dân, sức
chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nẩy sinh
nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự,
an toàn xã hội. Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu
đã đề ra cho năm 2021.
Ngoài nguyên nhân khách quan
do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng,
chống dịch bệnh. Có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc
cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình
huống cụ thể, đột xuất. Còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình
để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như
dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển KTXH.
Đổi mới tư duy, nhận thức về
phòng, chống dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi kinh tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
nêu rõ, trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn trương xây dựng và tổ
chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình
hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống
dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuyệt đối bình
tĩnh, tỉnh táo, không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ
bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để
khôi phục, phát triển KTXH.
Tập trung ưu tiên triển khai
thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho
nhân dân, người lao động và doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó
khăn, thách thức, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Giữ vững an
ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá
cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá và các cân đối lớn của nền
kinh tế. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực
cho phòng, chống dịch và phát triển KTXH.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng, dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta
còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với
những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể
kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối. Do đó, cần phải có chính sách, biện
pháp phù hợp để phòng, chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt”, hoặc “sống chung”
với dịch bệnh.
Vì vậy, Hội nghị đặc biệt
nhấn mạnh: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian
qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát
dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng
các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển KTXH, tài
chính-ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có
thể.
Trên cơ sở Kế hoạch KTXH năm
2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời
điều chỉnh chính sách tài chính-tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để
bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản
xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực
hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội
địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ
đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển KTXH. Tập trung ưu tiên bổ
sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn
đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Cơ
cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực
tiếp bởi dịch COVID-19, như thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch... để
thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi
các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi.
Có giải pháp bảo vệ các
doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ
vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ
vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng
hồi phục kinh tế thế giới, cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và
cung ứng toàn cầu.
Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh
giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Sớm
nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu
COVID-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo
gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực
tăng trưởng trong dài hạn.
Tăng cường kiểm tra, giám
sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để
sót, lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ. Kịp thời đề xuất khen thưởng đối với
các tổ chức, cá nhân tham gia tuyến đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chăm lo sức khoẻ, đời sống
nhân dân, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, phát triển văn hoá, giáo dục; chỉ
đạo, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học bình thường của học
sinh, sinh viên. Thực hiện tốt công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, ứng
phó với biến đổi khí hậu.
Với tinh thần nêu trên đây,
Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu
tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban Cán sự Đảng
Chính phủ đề xuất, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách
chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khoá XII.
Đồng thời yêu cầu tiếp tục
rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hoá lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng
yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục
hồi phát triển KTXH trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tập trung ưu tiên thực hiện
có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
sản xuất kinh doanh. Đồng thời xử lý những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của
nền kinh tế, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công; cải cách doanh
nghiệp nhà nước và xử lý vấn đề các dự án thua lỗ lớn, chậm tiến độ kéo dài;
các ngân hàng thương mại mua bắt buộc 0 đồng...
Tăng cường các giải pháp bảo
đảm chất lượng giáo dục và đào tạo. Bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và
trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình
mới. Tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân cùng chia sẻ, khắc phục
những khó khăn chung của đất nước.
bài viết rất hay
Trả lờiXóa