Loài người đã, đang phải đối diện với những mối đe dọa
ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh mối đe dọa an ninh truyền thống thì những
thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, bão lũ, cháy rừng, ô
nhiễm môi trường, nguồn nước, dịch bệnh… ngày càng trở nên khốc liệt. Để giải
quyết những vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của mọi quốc gia và mọi người dân
trên thế giới, trong đó, không thể thiếu vai trò rất quan trọng của lực lượng
vũ trang.
Việt Nam cũng vậy, trong những năm qua, lực lượng vũ trang nhân dân luôn là
điểm tựa, sức mạnh và lực lượng nòng cốt trong xử lý những vấn đề mà an ninh
phi truyền thống đặt ra. Để xử lý vấn đề ô nhiễm do tràn dầu, xử lý chất độc
hóa học, bom mìn, vật nổ, chất độc dioxin… gây ô nhiễm không khí, đất, nguồn
nước, chúng ta luôn nhận thấy những hình ảnh không quản hiểm nguy của cán bộ,
chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, công binh, hóa
học.
Khi nào và ở đâu xảy ra thảm họa do cháy rừng, bão
lụt, tổn hại tính mạng, tài sản của nhân dân, lực lượng Quân đội, Công an cũng
luôn đi đầu, là lực lượng nòng cốt, chủ công trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn
không quản ngày đêm; bước chân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn có
mặt ở những nơi hiểm nguy nhất, gian khó nhất. Chúng ta không thể quên những
cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm, không quản khó khăn vất vả, kể cả hy sinh tính
mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm
2020, vụ sập hầm tại Thủy điện Đạ Dâng năm 2014.
Chỉ riêng trong năm 2020, tại miền Trung nước ta đã
phải đối mặt nhiều cơn bão, gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất cướp đi sinh
mạng của bao con người, phá hủy tài sản của bao gia đình. Trong hiểm nguy đó,
cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn là điểm tựa, sát cánh cùng toàn dân
chiến đấu vượt qua hiểm nguy, từng bước ổn định cuộc sống. Chúng ta cũng không
thể quên được những hình ảnh cảm động của những y, bác sĩ ở Trường Sa cùng các
đồng nghiệp trong đất liền tổ chức mổ cấp cứu trực tuyến cho những bệnh nhân
đau ruột thừa ở Trường Sa, rồi những chuyến bay khẩn cấp không quản đêm ngày
đưa người bị nạn từ ngoài khơi xa về với đất liền…
Hiện nay, đại dịch COVID -19 đang lan rộng toàn cầu,
mỗi ngày chúng lại cướp đi sinh mạng của hàng vạn người. Các hoạt động sản
xuất, lưu thông bị đình đốn, ngưng trệ, hàng triệu người thất nghiệp, mất việc
làm. Nhiều quốc gia phát triển, thuộc nhóm đầu của thế giới cũng gặp hàng loạt
khó khăn, áp lực trong việc đối phó, giải quyết.
Tính đến ngày 8/9, thế giới đã có trên 222 triệu người nhiễm, trên 4,6
triệu người tử vong, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất,
đứng đầu với hơn 41 triệu người nhiễm và gần 670.000 người tử vong. Việt Nam
cũng đã có trên 550.000 ca nhiễm và trên 14.000 người tử vong. Để đối phó với
đại dịch, Việt Nam đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào
cuộc, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của lực lượng vũ trang trên tuyến
đầu.
Quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Bí
thư Quân ủy Trung ương tại hội nghị thứ nhất Quân ủy Trung ương khóa XII “Trong
nhiệm vụ phòng chống, khắc phục thiên tai, thảm họa, phòng chống các thách thức
an ninh phi truyền thống, Quân đội không quan niệm giúp dân, mà cần xác định đó
là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đặc biệt trong thời bình”, lực lượng Quân
đội đã sát cánh cùng lực lượng Công an chủ động dự báo từ sớm, từ xa làm tốt
công tác tham mưu, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho
công tác phòng, chống dịch.
Không phải đến khi xuất hiện dịch bệnh ở phía Nam, lực
lượng vũ trang mới được đưa vào cuộc mà ngay từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới
xuất hiện, lực lượng vũ trang đã sớm có những dự báo chính xác và chủ động tham
gia một cách tích cực. Các lực lượng Công an, Quân đội đã tham gia khử khuẩn
trên diện rộng ở những khu vực ô nhiễm; tổ chức đưa, đón người dân, xây dựng và
điều hành các khu cách ly tập trung, tăng cường quản lý biên giới, đường biên
trên bộ, trên biển và các cửa khẩu đường hàng không.
Lực lượng Quân y của bộ đội Biên phòng phối hợp thăm
khám, điều trị cho nhân dân để phòng, chống dịch. Lực lượng Công an các cấp
thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đấu tranh với các hành vi vi phạm công tác
phòng, chống dịch, trong đó, không ít đối tượng phạm tội dương tính với
SARS-CoV-2, có hành vi chống đối lực lượng chức năng. Trong cuộc chiến đó,
nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị lây nhiễm với COVID-19, trong đó có cán bộ, chiến
sĩ hy sinh, bị thương.
Lợi dụng không gian mạng, không ít đối tượng tung tin xuyên tạc nhằm gây
hoang mang, bất an, rối loạn trong xã hội. Đây cũng là một loại virus độc hại,
nguy hiểm ăn theo dịch bệnh mà cán bộ, chiến sĩ Công an đã, đang nỗ lực phát
hiện, điều tra, xử lý. Với đội ngũ y, bác sĩ quân y, ngay từ khi phát hiện dịch
trên thế giới, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ sở bắt tay vào nghiên cứu cho ra
đời các bộ kit xét nghiệm; tham gia nghiên cứu chế tạo vaccine của người Việt
Nam để chủ động bảo vệ tính mạng của nhân dân. Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh
viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã sáng chế áo chống sốc nhiệt đạt hiệu quả
trong điều hòa nhiệt độ cơ thể, tránh tình trạng sốc nhiệt, góp phần bảo vệ sức
khỏe cho cán bộ y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Khi tình huống nguy cấp xảy ra tại các địa phương,
nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, theo điều hành của Chính phủ và
với tinh thần “phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng”, hàng ngàn cán bộ,
chiến sĩ, trong đó có các y, bác sĩ Quân đội, Công an đã không quản hiểm nguy,
gác lại cuộc sống riêng, tạm biệt người thân để lao vào vùng dịch, đem lại niềm
tin vững chắc cho nhân dân. Những hình ảnh không thể cảm động hơn khi những
chiến sĩ Quân đội, Công an không quản nắng mưa đem đến cho từng gia đình, từng người
dân những chiếc khẩu trang, những hộp lương khô, thịt hộp do quân nhu sản xuất
cùng lương thực, thực phẩm trong những ngày cách ly, tận tâm chăm sóc cho người
bệnh tại các cách ly. Có gì thiêng liêng hơn khi lực lượng vũ trang lại tập
trung lo hương khói cho những người không may tử vong do dịch bệnh, sau đó chu
đáo đem tro cốt về bàn giao lại cho thân nhân từng gia đình.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong đợt dịch lần
thứ 4, đã có hơn 220.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an và dân quân tự
vệ được tăng cường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; nhiều cán bộ, chiến sĩ
hơn 3 tháng qua không có thời gian nghỉ. Riêng lực lượng Công an từ đợt dịch
thứ 4 đến nay đã huy động vào Nam hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ. Mới đây,
Bộ Công an cũng vừa điều hơn 5.000 cán bộ và 2.000 học viên, 600 cán bộ y tế
của các bệnh viện ngành vào các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch.
Các lực lượng vũ trang đã duy trì hàng nghìn tổ chốt, trong đó có 1.900 tổ
chốt kiểm soát ở tuyến biên giới để kiểm soát xuất nhập cảnh trái phép, hàng
nghìn chốt trong nội địa để tổ chức tuần tra, kiểm soát, làm nhiệm vụ phục vụ
việc cách ly tập trung ở các khu phong tỏa, góp phần thực hiện nghiêm giãn cách
xã hội, hạn chế người ra đường làm lây lan dịch bệnh. Đã triển khai 190 khu cách
ly tập trung, các đơn vị nhường doanh trại đảm bảo việc ăn ở cho 190.000 lượt
người. Đã điều động hàng nghìn y bác sĩ, kỹ thuật viên và 600 tấn vật tư trang
thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam…
Phát biểu nhân Ngày Truyền thống lực lượng CAND vừa
qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những vất vả, hy sinh của lực lượng CAND
trong nỗ lực giúp nhân dân phòng, chống COVID-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính
nhấn mạnh: “Đó là những minh chứng hùng hồn nhất thể hiện bản chất tốt đẹp, cao
quý của người Công an cách mạng “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi,
lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”, thực sự
xứng đáng là “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đảng, Nhà nước trân trọng,
chia sẻ, thấu hiểu, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, hy sinh, nỗ
lực hết mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có các chiến sĩ
CAND. Tôi thấu hiểu hơn và chia sẻ sâu sắc với cán bộ chiến sĩ toàn lực lượng,
đặc biệt là những đồng chí đang trên tuyến đầu chống dịch, chống tội phạm. Các
đồng chí xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận, tạo điều kiện công tác bởi lao động
nặng nhọc, độc hại, những cống hiến lặng thầm cho sự nghiệp phòng, chống tội
phạm, bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước”.
Chúng ta nhìn nhận một cách xuyên suốt, toàn diện như
vậy để thấy rõ bản chất, sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng vũ trang sát cánh
cùng nhân dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh, các thách thức an ninh truyền
thống và phi truyền thống. Ở đâu, lúc nào dân cần, dân khó thì đều có lực lượng
vũ trang sát cánh, chung sức đồng lòng. Đó là sự thật khách quan phản bác các
luận điệu sai trái trên mạng internet hiện nay, các thế lực xấu cố tình xuyên
tạc bản chất lực lượng vũ trang “không phải vì dân”, “bỏ mặc dân trong đại dịch
COVID-19”, từ đó tái diễn điệp khúc đòi phi chính trị hoá, tách lực lượng vũ
trang khỏi sự lãnh đạo của Đảng.
Trong thiên tai, dịch bệnh, họ ác ý tung ra những tình
huống, câu chuyện bịa đặt nhằm chế nhạo hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ
trang, gây chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, cố tình bôi lem, phủ mờ
bản chất “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ” của lực lượng vũ trang...
VUDUC
Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ
Trả lờiXóa