Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

GIẢ DANH MANG QUÂN PHỤC QUÂN ĐỘI ĐỂ TRỤC LỢI TRONG ĐẠI DỊCH COVID - 19 HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT

 


Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông mặc quân phục của quân đội gắn quân hàm đại úy, lưu thông đến chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại khu vực Cầu Kinh (phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM). Phát hiện có dấu hiệu khả nghi, tổ Kiểm soát quân sự thuộc Tiểu đoàn 31, Bộ CHQS TP.HCM đã tiến hành kiểm tra giấy tờ. Sau khi phối hợp với Đoàn An ninh 2 - Cục Bảo vệ An ninh Quân đội xác minh, điều tra, làm rõ, người đàn ông này khai tên là Trần Vũ Hàn Minh Nhật (34 tuổi, tạm trú đường Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 và đang đăng ký thường trú tại 59/7, đường số 5, khu phố 5, phường Linh Chiểu, TP. Thủ Đức). Quá trình đấu tranh với đối tượng, cơ quan chức năng đã triệu tập thêm đối tượng Võ Thành Phúc, sinh năm 1969, thường trú tại 223/3 Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, Quận 7, TPHCM lên làm việc. Tại cơ quan điều tra, Phúc khai nhận mình giả mạo “Trung tướng Quân đội”, công tác tại “Cục Trinh sát Đặc biệt phụ trách về sinh học” và cung cấp cho “cấp dưới” là Vũ Hàn Minh Nhật bộ quân phục quân đội có quân hàm đại úy để khuếch trương thân thế, tạo uy tín để thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, lưu hành, tiêu thụ thuốc kháng thể điều trị COVID-19 và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do đối tượng Võ Thành Phúc quản lý.

Võ Thành Phúc và Trần Vũ Hàn Minh Nhật giả cán bộ Quân đội

Trên đây là một trong nhiều vụ mà các đối tượng mượn hình ảnh, uy tín, quân phục quân đội để giả mạo chức vụ, cấp bậc trong công tác nhằm trục lợi cá nhân. Trong các đợt dịch bệnh Covid 19 diễn ra ở nước ta, cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng đông đảo, trách nhiệm và có quyết tâm cao trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ với bộ quân phục ướt sũng trong bộ đồ bảo hộ kín mít dưới thời tiết gần 40 độ hay trong những cơn mưa giông bất chợt ở Nam bộ... nhưng họ vẫn quyết tâm góp sức cùng với các lực lượng tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, trong khó khăn, gian khổ mới thấy được danh hiệu thiêng liêng, cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid 19, các cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam không một chút quản ngại khó khăn, gian khó sử dụng những chiếc xe đạp thồ huyền thoại để vào sâu trong những con hẻm nhỏ đi chợ, giao nhu yếu phẩm, thuốc men, lấy mẫu xét nghiệm... giúp dân; nhiều chiến sĩ đứng nhiều giờ dưới mưa tại các chốt kiểm dịch để phân luồng, kiểm tra y tế, xử lý các hành vi trái pháp luật đã phần nào nói lên được điều đó. Ai cũng biết rằng, có những con hẻm nhỏ mà cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ với đa số các gia đình có f0 bao gồm đã phát hiện và chưa phát hiện. Rõ ràng, đây là một nhiệm vụ vừa khó khăn vừa nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Thế nhưng đã là “Bộ đội Cụ Hồ” thì họ sẵn sàng “đánh cược” sức khỏe, tính mạng của mình để hoàn thành nhiệm vụ, để chữ “Hiếu với dân” được thể hiện đúng nghĩa trong mọi hoàn cảnh.

Trong khi đó, có những kẻ không những không chấp hành, hợp tác với lực lượng chức năng góp phần đẩy lùi dịch bệnh mà còn lợi dụng uy tín, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” cao quý để trục lợi bất chính thì đây chính là hành vi vô lương tâm, vô đạo đức cần được lên án mạnh mẽ. Lương tâm, đạo đức là căn - cốt là gốc - rễ của mọi con người. Bởi vậy, giá trị cốt lõi của một con người là đạo đức, là lương tâm và trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Cũng chính lẽ đó, hệ thống trường học ở Việt Nam luôn nêu cao phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn” trong giáo dục công dân khi người trò chập chững bước vào lớp 1. Giả sử các đối tượng “mượn” quân phục của quân đội nói trên tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo và đã thu lợi bất chính trót lọt nhiều tỷ đồng trong thời gian qua thì chúng không hề biết rằng để khoác trên mình bộ quân phục quân đội đúng nghĩa, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã phải hy sinh biết bao tính mạng, mồ hôi, xương máu của mình trong thời chiến cũng như thời bình. Điều đó cũng đồng nghĩa, những đồng tiền phi pháp mà các đối tượng này tạo ra để phục vụ nhu cầu cuộc sống cũng chẵng khác gì sống trên mồ hôi, nước mắt và xương máu của thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Chưa kể đến, một khi các đối tượng nói trên lưu thông trót lọt qua các chốt kiểm tra dịch bệnh thì mầm bệnh được mang từ nơi này sang nơi khác là rất lớn; lúc đó các cán bộ, chiến sĩ quân đội trên tuyến đầu chống dịch lại thêm nhiều lần vất vả và thêm nhiều người dân thường phải bỏ mạng vì Covid 19 mà nguyên nhân trực tiếp chính từ sự vô lương tâm, thiếu đạo đức của những đối tượng như Nhật và Phúc.

Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” hay truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân” của Quân đội nhân dân Việt Nam không phải để khoa trương, hô hào, tuyên truyền một cách chiếu lệ mà nó đã được thực tiễn lịch sử chứng minh, nhân dân yếu quý và ghi nhận.

Thiết nghĩ, cái vốn quý cơ bản nhất trong nhân cách của một công dân Việt Nam là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng. Trong cuộc chiến với đại dịch của cả đất nước và nhân loại, nhân cách ấy cần được thể hiện chí ít bằng sự tôn trọng các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, với những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam – Những người đang hết mình vì cộng đồng.

Những đối tượng bất chấp đạo đức như Nhật và Phúc giờ đây phải đối diện với việc bị khởi tố hình sự về hành vi “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” được quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, họ có thể đối mặt với hình phạt lên đến 2 năm tù giam. Rõ ràng, đây là một bài học cảnh tỉnh cho những ai đang có ý đồ hoặc đã và đang lấy hình ảnh, uy tín, quân phục của quân đội để trục lợi bất chính./ 

HP. RỒNG VÀNG

1 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ coi thường pháp luật như thế này phải bị pháp luật trừng trị thật nghiêm khắc

    Trả lờiXóa