NHẬN THỨC ĐÚNG BẢN CHẤT CỦA LỢI ÍCH QUỐC GIA - DÂN TỘC
TRONG BỐI CẢNH MỚI
Tuyên
Hải
Thế giới đã bước sang
thập niên thứ ba của thế kỷ XXI với những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó
lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn khách quan, đồng thời
cũng là nguyện vọng của các dân tộc trên thế giới, nhưng đang gặp nhiều thách
thức, nhất là sự suy thoái của kinh tế thế giới, cạnh tranh chiến lược giữa các
nước lớn, cùng các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền
thống... Dưới tác động của đại dịch COVID-19, những biến động trong cục diện
quốc tế bị đẩy nhanh hơn, tác động trực tiếp, nhiều chiều tới môi trường an
ninh và phát triển của Việt Nam, đem lại thời cơ và thách thức mới đan xen.
Trước bối cảnh mới này, sự phát triển của tư duy mới về lợi ích quốc gia - dân
tộc được thể hiện rõ nét nhất trong đường lối đối ngoại của Đảng ta.
Sau 35 năm đổi mới, sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước thời cơ, vận hội,
thuận lợi và không ít nguy cơ, thách thức, nhưng chính nhờ ý chí, khát vọng
vươn lên mạnh mẽ mà dân tộc ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử: “... thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin
của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc”. Mặc dù có những thay đổi về thế và lực của đất nước sau 35
năm đổi mới: sự vững mạnh, đoàn kết của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng,
đồng hành, ủng hộ của nhân dân cũng như sự trưởng thành, nhiệt huyết của đội
ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ làm công tác đối ngoại, nhưng cũng còn có
những thách thức từ chính những hạn chế, thiếu sót trong quá trình đổi mới đất
nước chưa được giải quyết triệt để. Do vậy, trong quá trình tham gia hội nhập
quốc tế, nhận thức về lợi ích quốc gia - dân tộc phải đầy đủ, toàn diện hơn.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để xác lập, định hướng chủ
trương, chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp, đúng đắn để “bảo đảm cao nhất
lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương
Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”. Trong bối
cảnh chiến lược mới mà Đại hội XIII của Đảng chỉ ra, chúng ta cần làm rõ hơn
nội hàm của quan điểm “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết, trước hết” ở
những nội dung sau:
Một là, lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh mới
gồm có lợi ích sống còn và lợi ích phát triển, nên cần làm rõ hơn về mặt lý
luận nội hàm của quan điểm trong xử lý hài hòa hai mối quan hệ lợi ích cũng như
thứ tự ưu tiên trong từng trường hợp cụ thể. Trong đó, độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cùng bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước,
nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi
ích sống còn của quốc gia - dân tộc, mang tính bất biến, vĩnh cửu. Trong
bối cảnh đất nước đổi mới toàn diện, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn
diện, sâu rộng, lợi ích của dân tộc là làm cho đất nước giàu mạnh, phồn vinh,
hội nhập quốc tế, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đó
cũng là đem lại cho mọi người dân Việt Nam sống trong đoàn kết yêu thương với
mức sống và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, người dân được sống
trong an ninh, an toàn của môi trường chính trị xã hội và môi trường tự nhiên.
Vị thế đất nước được nâng cao, niềm tự hào, tự tôn dân tộc được bồi đắp khi
Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như
ngày nay”.
Hai là, lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm lợi ích về
kinh tế, về chính trị, về văn hóa - xã hội, về quốc phòng - an ninh, đối ngoại,
vì vậy cần làm rõ hơn về mặt lý luận nội hàm của quan điểm trong xử lý hài hòa
mối quan hệ giữa các thành tố lợi ích dân tộc khi “đặt lợi ích dân tộc là trên
hết, trước hết”. Trong đó, lợi ích kinh tế là trung tâm của mọi lợi
ích, được hình thành từ các quá trình kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lợi ích chính trị gắn
liền với sự ổn định, vững mạnh và sự lãnh đạo, quản lý, vận hành hiệu lực, hiệu
quả của thể chế chính trị được xác lập trong Hiến pháp. Lợi ích văn hóa góp
phần tạo ra những giá trị làm nền tảng tinh thần của xã hội. Lợi ích
quốc phòng - an ninh, đối ngoại gắn với độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định chính trị và môi trường hòa bình, ổn định
của đất nước là cơ sở, nền tảng để bảo vệ và phát huy, phát triển, mở rộng lợi
ích kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội.
Ba là, lợi ích quốc gia -
dân tộc luôn gắn với chủ thể gồm lợi ích của Đảng, Nhà nước, lợi ích của giai
cấp và lợi ích của nhân dân lao động. Lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích
của dân tộc, của Nhà nước, giai cấp và nhân dân lao động.
Riêng trong công tác đối
ngoại, lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc cơ bản
trong chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay. Lợi ích quốc gia - dân tộc
đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của Việt Nam. Suy
cho cùng, chính sách đối ngoại là sự kéo dài của chính sách đối nội, phục vụ
các mục tiêu bên trong của mỗi quốc gia, dân tộc. Với Việt Nam, đó là an ninh,
phát triển và vị thế quốc tế ở khu vực và trên thế giới. Do đó, việc nhất quán
kiên định quan điểm “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết” trong đối
ngoại được thể hiện tập trung ở việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối
ngoại. Thứ nhất, góp phần duy trì và giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định ở bên ngoài để tạo thuận lợi cho tiến trình phát triển trong nước. Thứ
hai, không ngừng nâng cao vị thế đất nước, góp phần xây dựng thế giới
ngày càng tiến bộ, công bằng và dân chủ hơn. Thứ ba, tranh thủ mọi
điều kiện quốc tế thuận lợi, như vốn, kinh nghiệm quản lý, khoa học - công
nghệ, thị trường, viện trợ,... để đưa đất nước tiến lên. Đó chính là tranh thủ
và kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa