Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

 

LÒNG TRUNG THÀNH VỚI TỔ QUỐC VIỆT NAM

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Bút Sắt

Sinh ra trong một cộng đồng, một dân tộc, một tổ quốc, con người ắt phải có vô vàn các mối quan hệ với đồng loại, với xã hội một cách đan xen, ràng buộc, tác động qua lại chằng chịt với nhau, trong đó bao giờ cũng có những quan hệ cơ bản như cá nhân với gia đình (cha mẹ, vợ chồng, con...); với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp; với tổ chức đảng, nhà nước, đoàn, hội,...), với Tổ quốc, quê hương, đất nước; với cộng đồng (nhân dân, dân tộc, nhân loại);... Những quan hệ ấy không trừu tượng, mơ hồ, mà bao giờ cũng gắn với thực tiễn, với lợi ích và trong những điều kiện lịch sử nhất định. Thông qua thực tiễn của những mối quan hệ ấy mà con người bộc lộ bản chất của chính mình, thành ra bản chất người của mỗi cá nhân. Những tính chất cấu thành tính người bao giờ cũng được biểu hiện ra ở những hoạt động hằng ngày. Nếu không gắn với thực tiễn, với đời sống hiện thực thì tất cả những quan hệ xã hội của người ta chỉ có thể nhận biết và cắt nghĩa một cách mơ hồ, duy tâm, thần bí, hoặc là bất lực buông xuôi theo lối “bất khả tri”. Mác hoàn toàn đúng khi ông khẳng định “bản chất con người, không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội” (1). “Mọi đời sống xã hội, về thực chất, là có tính thực tiễn” (2). Lòng trung thành là thể hiện rõ ràng và cụ thể nhất bản chất của con người.

Lòng trung thành là một phạm trù phản ánh thái độ, niềm tin và cách ứng xử của mỗi người trong đời sống hiện thực của họ đối với từng đối tượng cụ thể trong xã hội: Với Tổ quốc, với đồng bào, đồng chí, bè bạn, anh, em, chồng, vợ; với tổ chức chính trị, xã hội; với những người có uy quyền (thủ lĩnh, vua chúa, tướng soái, lãnh tụ, thủ trưởng...); với những đấng siêu nhiên (chúa, trời, phật, thần thánh...).

Lòng trung thành bao giờ cũng được xây dựng trên cơ sở một niềm tin (cả cảm tính và lý tính), một xác tín mà người ta cho là lẽ phải, là chân lý, là hợp lý, là vĩ đại, cao cả, phi thường... Dù thế nào thì về cơ bản và sâu xa hơn cả, lòng trung thành của bất cứ ai và bao giờ cũng đều xuất phát từ niềm tin, rằng lòng trung thành sẽ mang lại lợi ích cho chính mình, sẽ làm thoả mãn lòng ham muốn của mình. Khát vọng càng lớn lòng trung thành càng sâu nặng.

Lòng trung thành luôn luôn đi liền với tình yêu thương, lòng quý trọng, sự tin cậy, kính phục và ngưỡng mộ, sùng kính, tôn thờ. Lòng trung thành làm cho người ta sẵn sàng dâng hiến cả tài năng, sức lực, tài sản, lợi ích riêng tư, khi cần thì cả tính mạng cũng không ngần ngại.

Nhưng lòng trung thành có thể là sự sáng suốt, cao thượng, vô tư không điều kiện, chỉ nhằm một mục tiêu chung, một lý tưởng cao đẹp, một hoài bão lớn lao. Ví dụ: Vì lòng trung thành với Tổ quốc, với nền dân chủ cộng hoà mà “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập...” (3). Ngược lại, cũng có sự ngu trung, si mê, cuồng tín và mong muốn thấp hèn như bọn buôn dân, bán nước, cam tâm làm tay sai cho giặc...

Lòng trung thành là một phạm trù có khi chỉ mang tính lịch sử, có khi lại mang tính vĩnh hằng. Trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân là một phạm trù vĩnh viễn nhưng trung thành với thể chế chính trị - nhà nước thì lại là một phạm trù lịch sử vì chính nhà nước cũng là một phạm trù lịch sử. Nếu nhà nước của bọn độc tài, nham hiểm, sau khi dựa vào sức dân giành được chính quyền trong tay rồi quay lưng lại đàn áp nhân dân thì không những không thể trung thành với nó mà còn phải vùng lên đánh đuổi chúng, giành lại chính quyền cho nhân dân. Lênin đã từng kêu gọi nhân dân Nga nổi dậy chống lại chính phủ Sa hoàng, biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng khi Sa hoàng đem xương máu và tài sản của nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc với nhau. Hồ Chí Minh đã xây dựng Đảng và lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đánh đuổi bọn thực dân cướp nước và bè lũ bán nước để giành độc lập cho dân tộc và xây nền dân chủ cộng hoà. Nhưng chính Người đã tha thiết kêu gọi và nghiêm khắc chỉ bảo: “Chính phủ cộng hoà dân chủ là gì? Là đày tớ chung của nhân dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(4). Quyền dân là vậy, song dù sao Chính phủ cũng là Chính phủ do dân cử ra nên Người đã chỉ ra một giải pháp: “Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi” (5).

Trung thành với mục tiêu độc lập, tự do, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là trung thành với chân lý khách quan, là trung thành với cách mạng với ý nghĩa sâu sắc: cách mạng là cuộc đấu tranh chống lại mọi cái xấu xa, ác độc, gian manh. Trung thành với lý tưởng cao đẹp ấy, những người con ưu tú của dân tộc, các thế hệ đã nối tiếp nhau sản sàng hy sinh, tận tụy phấn đấu để từng bước giành thắng lợi. Trung thành với cách mạng sẽ thống nhất với lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân. Lòng trung thành hiện hữu ở sự trung thành với đảng cách mạng chân chính mà Cương lĩnh và hành động cách mạng của nó luôn nhất quán “đứng trên quan điểm chỉnh thể, rằng nó... là sự phản kháng của con người chống lại cuộc sống mất nhân tính” (6).

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập 1, Nxb. Sự thật, H, 1980, tr. 257-258

3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, 1995, tr. 4

(4), (5) Sđd, tập 5, 1995, tr. 60

6) C.Mác và Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập 1, Nxb. Sự thật, H, 1980, tr. 44

1 nhận xét: