Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

 

BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ

VIỆT - TRUNG CỦA BỌN PHẢN ĐỘNG

 

Công Tâm

Như đã thành quy luật, trước những sự kiện lớn trong quan hệ Việt Nam - Trung Hoa, các thế lực thù địch lại đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc nhằm phá hoại mối quan hệ hữu nghị được vun đắp từ lâu đời giữa các lãnh đạo, Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước. Không nằm ngoài quy luật đó, nhân chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 9 năm 2021, theo lời mời của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các thế lực thù địch lại sôi sục đẩy mạnh hoạt động phá hoại, kẻ sốt sắng nhất là phần tử cơ hội chính trị với bút danh “Nhà giáo Việt Nam”, thể hiện trong bài viết “Việt Nam bị nô nệ Tàu cộng không phải do chủ nghĩa Cộng Sản, mà do tội bán nước của đảng CSVN” đăng trên Danlambao mới đây. Phần tử cơ hội chính trị này cho rằng: Vì lý tưởng “Thế giới đại đồng CS”, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẵn sàng bỏ qua Tổ Quốc Việt Nam để “sát nhập với Tàu Cộng”; Trong Hội Nghị Thành Đô (1990), “chính phủ Việt Nam đã công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Tàu”…

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, ngay từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời đã chỉ ra chủ trương “Bốn phương vô sản đều là anh em”, song độc lập dân tộc, lợi ích Quốc gia là trên hết, tất cả vì độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Cuộc kháng chiến gian khổ 30 năm và sau đó là công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thể hiện rõ lý tưởng đó. Không bao giờ có chuyện hoang tưởng là Đảng và Nhà nước Việt Nam sẵn sàng bỏ qua Tổ Quốc Việt Nam để “sát nhập với Tàu Cộng”.

Hội nghị Thành Đô diễn ra ngày 3 - 4/9/1990 là bước ngoặt trong quan hệ Việt - Trung. Đoàn Việt Nam do các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Phạm Văn Đồng, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thăm và hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Trung Hoa gồm Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng. Tại cuộc gặp mặt này, hai bên đã ký kết Kỷ yếu hội nghị đồng thuận bình thường hóa quan hệ hai nước. Vấn đề Biển Đông đến nay vẫn đang vô cùng nóng bỏng, thế giới đã rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam và đồng tình ủng hộ, vì vậy không hề có chuyện “chính phủ Việt Nam đã công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Tàu” như các phần tử cơ hội chính trị đã bịa đặt và vu khống.

Hội nghị Thành Đô là dấu mốc quan trọng mở ra thời kỳ quan hệ hữu nghị mới với những thành tựu to lớn cho cả hai nước. Từ sau khi Việt Nam - Trung Hoa bình thường hóa quan hệ (tháng 11-1991), thành tựu lớn nhất, nổi bật nhất là hai nước đã không ngừng củng cố, phát triển quan hệ chính trị - ngoại giao. Có thể nói rằng, hiếm có quan hệ nào phát triển nhanh chóng như quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Hoa. Thông qua các chuyến thăm hữu nghị, các cuộc hội đàm song phương, các cuộc gặp gỡ tại các diễn đàn thế giới, khu vực… Việt Nam và Trung Hoa đã định ra khuôn khổ hợp tác, từ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) đến “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005) và cuối cùng là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (năm 2008). Một trong những bằng chứng nổi bật về thành tựu trong quan hệ chính trị - ngoại giao Việt - Trung là hai nước đã giải quyết được hai trong ba vấn đề bất đồng quan trọng liên quan đến biên giới - lãnh thổ: Ký kết Hiệp định biên giới trên đất liền vào năm 1999 và đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền (năm 2008); ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (năm 2000); ký Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ (năm 2004)…

Về kinh tế, thương mại, quan hệ Việt - Trung cũng có sự phát triển vượt bậc. Với hơn 50 hiệp định hợp tác kinh tế hoặc có liên quan đến kinh tế và khá nhiều thỏa thuận cấp nhà nước, Trung Hoa trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đến hết năm 2010, kim ngạch mậu dịch hai nước đã đạt trên 30 tỷ USD và năm 2015 là 50 tỷ USD và năm 2017 con số này vượt 100 tỷ USD. Từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư vẫn duy trì mức tăng trưởng đạt 192,2 tỷ USD, tăng 18,7%, Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam. Song song với những phát triển vượt bậc trong quan hệ kinh tế, các hoạt động trên lĩnh vực quân sự, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và du lịch cũng diễn ra không kém phần sôi động. Sự hợp tác, giao lưu quân sự, văn hóa góp phần đắc lực để hai dân tộc Việt - Trung thấu hiểu nhau hơn, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao, là cầu nối vững chắc cho các mối quan hệ khác không ngừng nâng cao cả về chất và lượng.

Như vậy, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt - Trung là bằng chứng rõ ràng nhất bác bỏ mọi võ đoán, bịa đặt, vu khống của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, nhằm xuyên tạc sự thật gây mất ổn định, gieo rắc tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhân dân về mối quan hệ lâu dài tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Hoa. Đối lập hoàn toàn với những luận điệu xuyên tạc trên, chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và các đồng chí lãnh đạo hai nước gần đây đã thắt chặt, khẳng định thêm tình hữu nghị và mối quan hệ hợp tác song phương toàn diện giữa hai nước Việt - Trung; khẳng định quan điểm độc lập tự chủ của Việt Nam trên mọi lĩnh vực (chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…). Chúng ta có quyền tự hào về kết quả công cuộc đổi mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được; tự hào về vị thế ngày càng được nâng lên trong khu vực và trên thế giới; tự hào về một nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng cao…Từ đó tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là cần cảnh giác trước âm mưu thâm độc của kẻ thù và phải hiểu biết đúng thực chất mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung, đấu tranh, phê phán những tư tưởng, hành động đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 

 

1 nhận xét: