Thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng thắng lợi của cuộc cách mạng tháng mười Nga năm 1917. Đây không chỉ là một luận điểm mà là một thực tế đã được lịch sử nhân loại kiểm nghiệm. Trong thời kỳ chuyển tiếp, bao giờ cũng có những lực lượng đấu tranh cho triển vọng phát triển của thế giới, hình thành nên những xu thế, và lực lượng khác nhau trong đấu tranh giải quyết mâu thuẫn của thời đại. Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại và quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ cuốn hút tất cả các nước đang phát triển vào vòng xoáy của nó. Các nước phát triển, các thế lực đế quốc chủ nghĩa đang triệt để lợi dụng toàn cầu hoá kinh tế để bành trướng các quan hệ tư bản, tạo ảnh hưởng trên toàn thế giới, thiết lập vĩnh viễn hệ thống phân công lao động và hệ thống quan hệ quốc tế do các nước tư bản phát triển chi phối. Chủ nghĩa tư bản đang nắm trong tay các phương tiện về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ hiện đại, mạng lưới thông tin, chất xám, các cơ chế quốc tế … sẵn sàng dùng sức mạnh, kể cả sức mạnh quân sự, để thực hiện lợi ích của chúng. Các nước đang phát triển và chậm phát triển nổ lực tranh thủ quá trình toàn cầu hoá để thực hiện phát triển rút ngắn, và phấn đấu cho một trật tự thế giới dân chủ, bình đẳng, không bị lệ thuộc bởi sự nô dịch của chủ nghĩa tư bản. Vấn đề cơ bản đặt ra cho các quốc gia đang phát triển hiện nay là, tạo môi trường hoà bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền quốc gia, duy trì sự ổn định khu vực và thế giới để phát triển. Đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở các nước đang phát triển hiện nay không chỉ diễn ra gay go phức tạp, mà nó còn biểu hiện bằng những nội dung, hình thức mới, với tính chất mới và trong điều kiện mới.
Vì vậy nghiên cứu vấn đề đặc điểm, đấu tranh
dân tộc và đấu tranh giai cấp trong thời đại hiện nay có ý nghĩa sâu sắc cả về
lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, do phạm vi rất rộng nên nội dung bài tham luận
chỉ khái quát các đặc điểm và tập trung phân tích làm rõ nội dung đấu tranh dân
tộc ở các nước đang phát triển trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở đó rút ra ý
nghĩa trong quá trình đấu tranh giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở
nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Đặc
biệt những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, loài người bị cuốn hút vào xu
hướng toàn cầu hoá hết sức mạnh mẽ, dẫn đến tình hình thế giới trở nên biến
động phức tạp, nổi lên là một số đặc điểm cơ bản sau:
Một
là, sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực diễn ra ở cuối thế kỷ XX
đã đi vào thoái trào, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tạo điều
kiện cho chủ nghĩa tư bản tạm thời thắng thế. Cuộc đấu tranh dân tộc, giai cấp
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, ngày càng
gay go phức tạp với những nội dung, hình thức và phương pháp mới. Các nước xã
hội chủ nghĩa còn lại trong quá trình cải cách đổi mới, đã nhận thức và tìm ra
con đường đúng đắn, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách thuyết phục cả
về lý luận và thực tiễn. Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản đang tự điều chỉnh
thích nghi để phát triển trong “miền có thể” của nó, thì nó cũng đã bộc lộ
những khuyết tật, những bế tắc, mâu thuẫn nội tại không thể điều hoà được, bản
chất hiếu chiến, phản động ngày càng bộc lộ, làm cho nhân loại nhìn nhận đánh
giá hoài nghi về khả năng thích nghi của nó.
Hai là, xu hướng toàn cầu hoá đã cuốn
hút các quốc gia, dân tộc vào nhịp sống chung của toàn thế giới. Toàn cầu hoá
là xu hướng khách quan, mang tính quy luật của quá trình phát triển xã hội loài
người. Toàn cầu hoá đã tạo ra những mặt tích cực, làm thức tỉnh các quốc gia
dân tộc về sự phát triển, hội nhập của mình đối với thế giới hiện đại. Thực
chất của toàn cầu hoá là một sân chơi chung buộc các thành viên tham gia tự bộc
lộ mình, nước giàu, có phương thức hội nhập đúng đắn càng có lợi, ngược lại,
nước yếu càng gặp nhiều khó khăn, thách thức thường bị thu thiệt. Vì vậy đấu
tranh của các dân tộc đang phát triển chống áp bức, gò ép, lệ thuộc cũng là một
vấn đề đấu tranh dân tộc nan giải.
Ba là, Mỹ và đồng minh phương tây cũng
như các nước lớn đang muốn giành quyền chỉ đạo, chi phối mọi công việc của thế
giới. Với bản chất và những lợi thế tạm thời, các nước lớn đặc biệt là Mỹ và
đồng minh phương tây muốn thâu tóm và điều khiển toàn bộ thế giới theo sự chỉ
đạo của Mỹ, tham vọng thiết lập trật tự thế giới một cực do Mỹ đứng đầu. Tham
vọng bá quyền này không phải bây giờ mới nảy sinh. Sau khi chủ nghĩa xã hội lâm
vào thoái trào, Mỹ cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để Mỹ thực hiện ý đồ đó. Vì
thế Mỹ không từ bỏ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào để can dự vào tất cả các lĩnh
vực của các quốc gia.
Bốn là, khoa học - công nghệ phát triển
mạnh mẽ, kinh tế trí thức ra đời, thúc đẩy sự tiến bộ nhanh chống của xã hội
loài người. Những thành tựu mới về khoa học - công nghệ trên tất cả các lĩnh
vực thông tin, điện tử, tin học, sinh học, vật liệu …
đã và đang phục vụ nâng cao đời sống con người, con người ngày càng làm chủ
cuộc sống, làm chủ xã hội. Khoa học - công nghệ trở thành lực lượng sản xuất
trực tiếp, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi
quốc gia dân tộc, đặt con người, mỗi quốc gia dân tộc trước những đòi hỏi mới,
phải không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, tiếp thu khoa học - công nghệ hiện
đại nhanh, có hiệu quả mà không bị xâm phạm đến lợi ích và chủ quyền quốc gia
dân tộc, không bịu áp đặt, lệ thuộc.
Năm
là, sự bùng nổ thông tin, làm tăng nhanh tính hiểu biết và phạm vi quan tâm
của con người. Thông tin cập nhật hàng ngày, con người được tiếp nhận thông tin
nhiều kênh, nhiều lĩnh vực, nên khả năng hiểu biết của con người ngày càng
nhanh nhạy, nhờ vậy con người trở nên năng động, sáng tạo và chủ động hoạt bát
hơn nhiều so với trước đây. Thông tin đã thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, chính
trị, văn hoá, xã hội, khoa học – công nghệ, quốc phòng an ninh, đối ngoại của
các quốc gia dân tộc, làm nhanh quá trình toàn cầu hoá và các xu hướng phát
triển của xã hội. Đồng thời nó cũng đặt ra cho con người phải chủ động vươn lên
tiếp nhận, xử lý thông tin một cách khôn khéo, vì lợi ích và sự phát triển của
quốc gia dân tộc mình, cũng như toàn nhân loại.
Sáu
là, xung đột dân
tộc, sắc tộc, tôn giáo diễn ra ở nhiều nơi ngày càng gay gắt. Quá trình toàn
cầu hoá, bên cạnh việc tăng thêm quan hệ hợp tác, sự hiểu bết giữa các quốc
gia, dân tộc, đã nảy sinh làm thức tỉnh về lợi ích, quyền lợi của các quốc gia, cộng thêm với mưu toan làm bá chủ
thế giới của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ đã đẩy xung đột trong xã
hội loài người hiện nay diễn ra dưới những màu sắc dân tộc, sắc tộc, tôn giáo
với những quy mô, phạm vi, mức độ căng thẳng, quyết liệt khác nhau, lúc ngấm
ngầm, khi bùng phát. Mức độ ảnh hưởng tác động với tất cả các nước, buộc cả thế
giới phải quan tâm đúng như Đảng ta nhận định: “những cuộc chiến tranh cục bộ,
xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can
thiệp, lật đổ, ly khai, hoạt động khủng bố, những tranh chấp về biên giới, lãnh
thổ, biển đảo và các tài nguyên thiên nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với
tính chất ngày càng phức tạp”1
Bảy là, khủng bố và chống khủng bố trở
thành mối quan tâm của cả thế giới. Sau sự kiện 11/9/2001, hoạt động khủng bố
diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau trên phạm vi toàn thế giới, tạo nên tình
trạng mất ổn định, khó phòng ngừa, khó ngăn chặn và đối phó. Khủng bố có thể
gắn với xu hướng ngày càng hoạt động gia tăng mang tính quốc tế của các tổ chức
tội phạm, chúng sát nhập, liên kết thành liên minh tội phạm xuyên quốc gia,
hoạt động ngày càng tinh vi, hiện đại và nguy hiểm. Khủng bố và tội phạm là 2
lĩnh vực khác nhau, có liên quan với nhau và đang có xu hướng phát triển, là
mối đe doạ trên phạm vi toàn thế giới. Vì thế chống khủng bố và chống tội phạm
cũng là xu thế mới đặt ra với nhiều nước trên thế giới hiện nay.
Tám là, sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm
môi trường, thảm hoạ thiên tai. Quá trình phát triển, con người càng ra sức bóc
lột, khai thác tài nguyên ồ ạt dẫn đến nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt.
Ngay cả những tài nguyên vô tận như nước ngọt, không khí cũng trở thành quý
hiếm. Một mặt, dân số càng đông hơn, nhu cầu khai thác lớn; mặt khác, các tài
nguyên ấy không hề sản sinh thêm mà cạn dần đi làm cho môi trường, sinh thái
thay đổi, ô nhiễm nặng, thiên tai dữ dội dẫn đến con người phải hứng chịu thảm
hoạ núi lửa, cháy rừng, lũ lụt, động đất, mưa bão ...
Chín là, cạnh tranh kinh tế, phân hoá
giàu nghèo. Toàn cầu hoá dẫn đến một thị trường kinh tế chung trên phạm vi toàn
thế giới. Trên thị trường chung ấy, các chủ thể kinh tế cạnh tranh nhau một
cách quyết liệt theo quy luật khách quan về các mặt cung cầu, giá cả, giá trị,
lợi nhuận. Cuộc cạnh tranh ấy ngày càng quyết liệt và trở thành “chiến tranh”
với nhiều thủ đoạn, “vũ khí” rất khác nhau, tấn công “huỷ diệt” lẫn nhau vì những
lợi nhuận khổng lồ mà không có điểm dừng. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến
quá trình phân hoá giàu nghèo giữa các quốc gia, dân tộc, cá nhân, và cộng đồng
xã hội.
Mười là, con người phải đối mặt với
những bệnh tật và đại dịch thế kỷ. Cuộc sống xã hội của con người bao giờ cũng
có hai mặt của nó. Cùng với những tiến bộ về kinh tế - xã hội, khoa học và công
nghệ, con người văn minh tiến bộ vẫn phải đối mặt với những mặt trái của nó, đó
là vấn đề về bệnh tật, ô nhiểm môi trường do chính sự phát triển của xã hội tạo
ra. Đặc biệt là đại dịch thế giới HIV AIDS, H5N1, COVID 19 và biết đâu còn có
những đại dịch khác nguy hiểm gấp nhiều lần sẽ phát sinh.
Trên đây là 10 đặc
điểm mang tính khái quát cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, đối với từng
quốc gia dân tộc còn có nhiều đặc điểm với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau,
quan hệ tác động lẫn nhau, tạo nên một bối cảnh thế giới vừa phong phú vừa đa
dạng, phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường. Trong đó, đặc
điểm nổi bật của thế giới hiện nay là xu hướng toàn cầu hoá đang lôi cuốn tất
cả các quốc gia, dân tộc cùng tham gia ở các mức độ khác nhau.
Trước hết, phải khẳng
định rằng, toàn cầu hoá là một quá trình khách quan không thể đảo ngược. Thách
thức do toàn cầu hoá mang lại cho các nước đang phát triển rất đa dạng phức
tạp, trong đó thách thức về chính trị là quan trọng nhất. Toàn cầu hoá thách
thức đến sự độc lập, tự chủ và chủ quyền của các quốc gia dân tộc, de doạ đến
nền an ninh và toàn vẹn lãnh thổ các nước, ngay cả hệ thống quyền lực của các
quốc gia như quyền định ra chính sách, mục tiêu kinh tế, kiểm soát điều hoà
nguồn tài nguyên thiên nhiên, quyền quản lý các hoạt động kinh tế .... Vì vậy,
để tham gia vào hội nhập quốc tế có hiệu quả, các nước đang phát triển phải
tiến hành cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt và phức tạp để chống lại quan hệ lệ
thuộc, bất bình đẳng với các nước phát triển. Cuộc đấu tranh đó vừa là cuộc đấu
tranh giai cấp vừa là cuộc đấu tranh dân tộc, trong đó đấu tranh để giữ vững
độc lập dân tộc là một vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Đấu
tranh dân tộc ở các nước đang phát triển trên các lĩnh vực hiện nay cũng là vấn
đề nan giải, phức tạp. Trong bối cảnh toàn cầu hoá đang diễn ra sôi động, lợi
ích dân tộc, chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hoá dân tộc của các nước đang nước
phát triển bị đe doạ, lấn át, đồng hoá. Trước hết là cuộc đấu tranh nhằm xây
dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, làm tiền đề nền tảng cho độc lập về chính
trị và văn hoá. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ không chỉ xuất phát từ quan
điểm, đường lối chính trị, mà còn từ đòi hỏi của thực tiễn phát triển của mỗi
quốc gia. Có xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ thì mới tạo được kinh
tế, cơ sở vật chất, kỹ thuật của chế độ chính trị độc lập, tự chủ; độc lập tự
chủ về kinh tế là nền tảng vật chất cho độc lập tự chủ về chính trị, không thể
có độc lập tự chủ về chính trị, nếu kinh tế bị lệ thuộc. đấu tranh bảo vệ các
giá trị văn hóa, tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước
nguy cơ xâm lấn, đồng hoá bởi các giá trị văn hóa phương tây. Sự khác nhau đó,
một mặt phản ánh sinh động đời sống văn hóa, xã hội của mỗi cộng đồng dân tộc,
mặt khác, chúng thể hiện bản lĩnh, cốt cách tinh thần, nét đẹp, nhân cách, ước
mơ hoài bảo, lý tưởng của dân tộc, bản sắc văn hóa của dân tộc đó.
Trên
cơ sở nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về đất nước và thời đại, Đảng ta kiên
định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng. Trước hết là đổi mới tư duy, nhận thức một
cách đúng đắn những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, không giáo điều và càng
không xét lại. Đảng ta chỉ rõ: “Kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin là vấn đề có
tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta. Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin
có nghĩa là nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin,
vân dụng một cách đúng đắn, thích hợp với điều kiện nước ta, góp phần phát
triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo”.Công cuộc đấu tranh giữ vững độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chính là kết quả và sự thể hiện hết sức sinh
động, thuyết phục về sự kết hợp nhuần nhuyễn những vấn đề chiến lược đó.
Độc
lập tự chủ về kinh tế không chỉ là một nội dung đấu tranh dân tộc, mà còn là
một nội dung của đấu tranh giai cấp, đây là vấn đề cơ bản đầu tiên để giữ vững
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều cốt lõi nhất trong quá trình hội
nhập, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trong quá trình hội nhập kinh tế
quốc tế phải vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chứ
không đi chệch hướng. Vấn đề cần thiết là phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự
chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối không chấp nhận sự áp đặt điều
kiện về kinh tế, chính trị, càng không để lợi ích kinh tế làm thay đổi đường
lối chính sách, từ bỏ con đường đã chọn
Đại đoàn kết dân tộc là một tất yếu khác quan, là sản
phẩm của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ngay từ khi
ra đời dân tộc ta đã biết phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, chúng ta đã làm
nên những kỳ tích lịch sử hào hùng, dệt thành bản anh hùng ca cách mạng. Đảng
ta luôn luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân, coi đó là đường lối
chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn cho sự nghiệp cách mạng nước
ta. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là thực hiện đoàn kết giữa các dân tộc,
tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi
vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và
người đã nghĩ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chống
lại những âm mưu chia rẻ của kẻ thù, bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội ở nước ta hiện nay.
Giữ
vững và nâng cao sức lãnh đạo của Đảng là một biểu hiện cơ bản nhất, nổi bật và
tập trung nhất của sự kiên định con đường đấu tranh giữ vững độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội, là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng
nước ta hiện nay. Việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng ta không chỉ là vấn
đề thuộc về nguyên tắc của lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn
là kết luận nóng hổi được rút ra từ yêu cầu bức bách của cuộc sống, từ tình cảm
và lý trí sáng suốt của nhân dân ta. Bởi vậy Đảng ta luôn luôn nổ lực rèn luyện
bản lĩnh chính trị, học tập và nâng cao toàn diện kiến thức, tự phê bình nghiêm
khắc với những mặt còn non kém; đồng thời, lường trước những nguy cơ khiến cho
Đảng tự đánh mất vị trí vai trò lãnh đạo của mình và quyết tâm khắc phục chúng.
Những
đặc điểm cơ bản những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI cho thấy đấu tranh giai
cấp, dân tộc ở các nước là một trong những vấn đề cơ bản, cấp bách trong thời
đại hiện nay. Nó mang tính phức tạp, được biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực
của đời sống xã hội, với nhiều nội dung, hình thức mới phong phú, đa dang.
Trước sự tác động của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, đặt ra cho chúng ta
trong quá trình đổi mới, tham gia hội nhập kinh tế thế giới và khu vực phải đấu
tranh giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn đấu tranh dân tộc với
đấu tranh giai cấp. Để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong giai
đoạn cách mạng hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải kiên định lập trường nguyên tắc
độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đổi mới, hội nhập quốc tế sáng
tạo; phải nhận thức đúng đắn về đặc
điểm, tình hình, thế giới, điều kiện khả năng của đất nước để có đường lối
chiến lược sách lược đúng; phải không ngừng xây dựng cũng cố khối đại đoàn kết
dân tộc; tăng cương và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong suốt tiến trình
cách mạng, xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng
hiện nay.
Đ.Đ.H
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa