Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

KHẮC PHỤC NHẬN THỨC SAI LỆCH TRONG NGHIÊN CỨU, VẬN DỤNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY - Văn Bát

 


Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của lý luận chính trị, ngay từ rất sớm Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1], đồng thời đặt ra yêu cầu: “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn… Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới cũng là biểu hiện của sự thoái hoá”.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình đất nước, khu vực và trên thế giới, việc nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị gặp không ít khó khăn; bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên còn có những biểu hiện nhận thức lệch lạc trong nghiên cứu và vận dụng lý luận chính trị. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý. Phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị còn lạc hậu”[2]. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra 9 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó có biểu hiện: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[3]. Hiện nay, nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên thường có những biểu hiện cụ thể là:

Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung cơ bản, bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự phát triển vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Có biểu hiện hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[4]; cho rằng: “tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam”, “ở Việt Nam chỉ cần nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin”... Đây chính là chiêu thức mà các thế lực thù địch sử dụng để bóp méo, xuyên tạc, hạ thấp, đi đến phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Ngại học tập - nghiên cứu lý luận chính trị; xem nhẹ lý luận, đề cao kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên tích cực, chủ động đầu tư trí tuệ, thời gian thích đáng cho việc học tập, nghiên cứu, tích lũy làm giàu vốn tri thức lý luận chính trị; thậm chí có biểu hiện viện lý do phải giải quyết nhiều công việc để trốn tránh không tham gia học tập; khi đi học thì gượng ép, “đánh trống ghi tên”, có mặt để đối phó. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có biểu hiện thỏa mãn với chút ít vốn kinh nghiệm của bản thân; xem nhẹ tư duy lý luận khoa học, do vậy trong lãnh đạo, chỉ đạo thường đưa ra quyết định nóng vội, áp đặt chủ quan duy ý chí, không dựa trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn luôn vận động biến đổi.

Bệnh giáo điều, kinh viện trong nghiên cứu khoa học chính trị; lý luận xa rời thực tiễn. Trong nghiên cứu khoa học chính trị, một số cá nhân chưa phát huy tư duy độc lập, sáng tạo, ngại khó khăn phức tạp, không coi trọng nghiên cứu lý luận cơ bản, nghiên cứu kinh điển để phân tích, luận giải, làm sáng rõ những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng... Nếu có nghiên cứu lý luận cơ bản thì mới dừng lại ở cấp độ thấp, chủ yếu sao chép, chắp ghép, “đẽo gọt” các trích dẫn và kết quả của các công trình khoa học đã được công bố một cách cơ học, máy móc. Từ sự học tập, nghiên cứu lý luận chính trị qua loa, hời hợt, hiểu biết không cặn kẽ, đến nơi, đến chốn, dẫn đến sự vận dụng một cách máy móc, giáo điều, vô nguyên tắc, không gắn sát với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn, tính đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và địa phương.

Thờ ơ về chính trị, nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng. Đây là biểu hiện thiếu tính đảng, tính chiến đấu trong bảo vệ chân lý khoa học; không tích cực, chủ động đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng. Biểu hiện nguy hại hơn là “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng... Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”[5].

Trong tình hình mới, để khắc phục vấn đề trên cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện, trong đó cần chú trọng một số giải pháp cơ bản:

 Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cho cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của lý luận chính trị.

Một trong những yêu cầu cần thiết, bắt buộc đối với người cách mạng là phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của lý luận và lý luận chính trị, yêu cầu cần thiết phải thường xuyên nghiên cứu, học tập vận dụng sáng tạo, linh hoạt lý luận chính trị vào trong hoạt động thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền làm cho cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vai trò của lý luận, lý luận chính trị là kim chỉ nam cho mọi hành động; giúp cho cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực trí tuệ; là cẩm nang để giúp người lãnh đạo thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, đảm bảo hoàn thành trọng trách kép vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân. Đồng thời định hướng cho họ có tư duy lôgic, biện chứng, có phương pháp làm việc khoa học; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v.. phù hợp với quy luật khách quan.

Hai là, coi trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng. Thực hiện nền nếp bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”[6]. Vì vậy, căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, thực trạng trình độ lý luận chính trị, đặc biệt chú ý đến những khoảng trống về tri thức lý luận chính trị, điểm nghẽn tư duy và khâu yếu trong vận dụng lý luận vào hoạt động thực tiễn để xác định đúng nội dung, khối lượng tri thức cần giáo dục, bồi dưỡng sao cho phù hợp với từng đối tượng, trong đó cần tập trung vào: Những vấn đề lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; một số vấn đề cơ bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay...

Để truyền tải được nội dung đến với đội ngũ cán bộ, đảng viên cần đổi mới các hình thức giáo dục lý luận chính trị như: Học tập chính trị theo kế hoạch, chương trình quy định; sinh hoạt chính trị tư tưởng; nghiên cứu chuyên đề; thông báo tình hình chính trị - thời sự; thông qua hoạt động thực hiện nhiệm vụ, phong trào thi đua, các cuộc vận động, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày truyền thống của cơ quan, đơn vị, hoạt động văn hoá văn nghệ và các thiết chế văn hoá, thiết chế dân chủ. Coi trọng khuyến khích tinh thần tự giác học tập, nghiên cứu suốt đời của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, kết hợp với các hình thức tập huấn, thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi; cấp trên bồi dưỡng cấp dưới; người đi trước bồi dưỡng người đi sau; người đã biết bồi dưỡng người chưa biết; người hiểu biết nhiều bồi dưỡng người hiểu biết ít; học hỏi lẫn nhau...

Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay.

Hiện nay, không ít vấn đề mà thực tiễn đặt ra nhưng lý luận chưa giải quyết thoả đáng, thậm chí còn xa so với nhu cầu thực tiễn đổi mới. Vấn đề đặt ra, trong nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn cần chú trọng nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn và sự mạnh dạn khám phá, sáng tạo; có chương trình, kế hoạch nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện hơn về tư tưởng của các nhà kinh điển và Hồ Chí Minh; chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đầu ngành tiêu biểu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, đam mê nghiên cứu khoa học và thực sự có đủ “đức - tâm - tầm - trí” để tạo nên sự “đột phá”, đổi mới, mạnh mẽ trong nghiên cứu, vận dụng lý luân chính trị.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị.

Đấu tranh với những biểu hiện nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ những dấu hiệu và biểu hiện ngại học tập - nghiên cứu lý luận chính trị, xem nhẹ lý luận, “dị ứng” với lý luận, chạy theo mục đích thực dụng trong hoạt động thực tiễn; đề cao kinh nghiệm; bệnh giáo điều, kinh viện trong nghiên cứu khoa học chính trị, lý luận xa rời thực tiễn; thờ ơ về chính trị, nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng...

Đề cao trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng có liên quan trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phát huy cao độ vai trò của các nhà khoa học, nhà lý luận, các lực lượng chuyên trách như các báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng. Một yêu cầu đặt ra trong đấu tranh với những biểu hiện nhận thức sai lệch trong nghiên cứu, vận dụng lý luận chính trị, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và lực lượng tham gia cần phải hiểu rất rõ về chủ nghĩa Mác - Lênin bao gồm cả: 1) Những luận điểm trước đúng nay vẫn đúng; 2) Những luận điểm trước đúng nay còn đúng nhưng cần phải bổ sung, phát triển trên cơ sở thực tiễn; 3) Những luận điểm đúng nhưng trước kia chúng ta hiểu sai nay phải hiểu lại cho đúng; 4) Những luận điểm trước đúng nay không còn đúng nữa... Chỉ có làm được như vậy mới bảo vệ vững chắc được chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định được tính khoa học, đúng đắn của nó trước sự tấn công của các thế lực thù địch. Để làm được điều này không hề dễ và đó cũng là một trong những thách thức đang đặt ra cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nòng cốt là các nhà khoa học hiện nay./.

V. V. T



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 21.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 193.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr. 28.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 28.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr. 28.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 201-202.

1 nhận xét: