CVD
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là một trong những nội dung thể hiện bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn là quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của chính hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện dân chủ phải dựa vào pháp luật và thông qua pháp luật. Ngược lại, nội dung của pháp luật phải hướng tới các mục tiêu dân chủ hay nói cách khác, dân chủ là thước đo sự tiến bộ của pháp luật. Các hoạt động pháp luật như xây dựng, thực hiện, bảo vệ pháp luật... muốn đạt được hiệu quả cao thì cần phải dựa trên cơ sở dân chủ và tiến hành bằng phương thức dân chủ. Do đó, quan điểm và giải pháp xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp luật đảm bảo dân chủ ở Việt Nam hiện nay tập trung vào:
Thứ nhất, cần
tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cho các cán bộ chủ chốt trong
các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
và nhân dân về những chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về dân chủ nói chung
và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng như Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị
khóa VIII, Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Pháp lệnh thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn...Qua đó nâng cao nhận thức cho các cán bộ,
đảng viên và toàn thể nhân dân về vấn đề dân chủ và mở rộng dân chủ xã hội chủ
nghĩa ở nước ta. Đặc biệt là mối quan hệ chặt chẽ giữa dân chủ với pháp luật
trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, nâng
cao trình độ dân trí nói chung và những kiến thức về pháp luật nói riêng cho
nhân dân. Hình thành lối sống và văn hóa pháp lý cho người dân. Bởi sẽ không có
một nền văn hóa pháp lý tiến bộ, không có một nền dân chủ thực sự khi mà trong
xã hội, nhân dân không có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật
và thiếu hiểu biết về dân chủ.
Thứ ba, cần
xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật theo yêu cầu dân chủ. Xác định rõ
quyền và nghĩa vụ của công dân trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã
hội, mà trước hết là dân chủ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và tư tưởng.
Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, có những quy định chặt chẽ về chống
lộng quyền, chống tham nhũng đối với các cá nhân được trao quyền lực, tạo lòng
tin trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, thực
hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở cần có sự phối hợp đồng thời, thống nhất trong
hoạt động giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân
nhằm tích cực xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch và vững mạnh. Tiếp
tục dân chủ hóa các hoạt động của Nhà nước và xã hội, thu hút và tạo điều kiện
cho mọi người, mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công việc chung của Đảng, Nhà
nước và xã hội. Tuy nhiên, việc mở rộng dân chủ phải đi liền với pháp chế, với
trật tự xã hội cần thiết. Cần đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong tổ chức và hoạt
động của tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và xử sự của công dân.
Thứ năm, để
việc thực hiện dân chủ có hiệu quả, cần gắn việc xây dựng và thực hiện dân chủ
với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây
dựng hệ thống chính trị, đặc biệt ở cấp cơ sở. Có chính sách động viên, khen
thưởng kịp thời những địa phương, cá nhân làm tốt; đồng thời giải quyết tốt mối
quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương, kiên quyết xử lý những phần tử lợi dụng dân
chủ gây mất đoàn kết nội bộ, gây rối, vi phạm pháp luật và vi phạm quyền làm
chủ của nhân dân. Đây cũng là thời điểm phù hợp để nâng cấp Pháp lệnh số 34
thành Luật thực hành dân chủ ở cơ sở. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc
cho việc đảm bảo dân chủ ở nước ta hiện nay.
Thứ sáu, việc
xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở ở nước ta đã được thực tiễn khẳng định là
một chủ trương đúng đắn, tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội,
trực tiếp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng cường mối quan hệ mật
thiết giữa Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện
chủ trương đó ngày càng có hiệu quả hơn, mang tính bền vững và lâu dài, đòi hỏi
phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, sự thực thi nghiêm
túc của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và sự tham gia tích cực, tự giác của toàn
thể nhân dân.
Thứ bảy, cần tạo môi trường xã
hội lành mạnh để mở rộng dân chủ, tăng cường pháp chế thông qua việc xây dựng
và củng cố nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự trên thực tế. Đảng ta nhấn
mạnh: “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức
phải thực sự là công bộc của nhân dân. Xác định các hình thức tổ chức và có cơ
chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị,
văn hóa, xã hội. Đề cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng, Nhà nước đối với nhân
dân”(11).
Tóm lại, là một bộ phận của hình thái ý thức
xã hội, pháp luật có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh thái độ, hành vi
của con người trong quá trình giải quyết các mối quan hệ xã hội cũng như khi
thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong thực tiễn. Nó là một trong những yếu tố
bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân, trực tiếp điều chỉnh, bổ sung, hoàn
thiện các giá trị dân chủ. Đồng thời, thông qua pháp luật và bằng pháp luật,
quyền dân chủ của nhân dân được ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Do vậy, trong
giai đoạn hiện nay, muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để nhân dân tự
quyết đinh lấy vận mệnh của mình thì cần phải pháp luật hóa các quyền dân chủ
và việc thực hiện dân chủ phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Hay nói cách khác
là cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp luật thực hiện dân chủ ở
nước ta./.
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa