QUẢN LÝ THÔNG TIN TRÊN MẠNG INTERNET
ST
Mạng internet là môi trường mở, cho phép người sử dụng
tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin. Tuy nhiên, thời gian qua tình
trạng nhiều trang thông tin cá nhân, blog vi phạm bản quyền nghiêm trọng, cố ý
trích dẫn không trung thực nội dung từ các trang thông tin điện tử (TTĐT) chính
thống, lập các trang web mạo danh cá nhân để cung cấp, truyền tải thông tin
kiểu “lập lờ đánh lận con đen”. Ngoài ra, còn có không ít đối tượng lợi dụng
trang thông tin cá nhân để truyền bá các quan điểm chính trị sai trái, lối sống
lệch lạc, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, kích động bạo lực, khiêu dâm
nhằm phá hoại an ninh truyền thông, an ninh tư tưởng, văn hóa và an ninh chính
trị quốc gia…, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nhất là đối với giới trẻ.
Thực tế này đòi hỏi ngành TT và TT phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn
chặn, khắc phục.
Tuy nhiên, hiện nay các quy định, chính sách chưa đồng
bộ, thiếu các quy định cụ thể để phân định rõ ràng, chính xác các hành vi vi
phạm pháp luật về thông tin trên mạng internet. Một khó khăn lớn trong công tác
quản lý thông tin trên mạng internet là nguồn phát tán thông tin sai phạm chủ
yếu từ các máy chủ nước ngoài nhằm tránh sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam,
không điều chỉnh bằng các biện pháp hành chính được; trong khi các biện pháp
ngăn chặn kỹ thuật mới chỉ tập trung đối với những thông tin sai phạm về an
ninh chính trị, còn đối với những sai phạm thông tin khác chưa được quan tâm
đúng mức. Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách, pháp luật tại cấp địa phương
gặp nhiều khó khăn, hay bị kêu ca, phàn nàn là áp đặt chủ quan, không khách
quan do việc xác định và xử lý công khai nội dung sai phạm vẫn thuộc thẩm quyền
Bộ TT và TT. Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin trên
mạng internet, từ đầu năm 2013 đến nay, ngành TT và TT đã đẩy mạnh phối hợp
cùng các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Ngành đã
quan tâm bổ sung, điều chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý
lĩnh vực thông tin trên internet theo hướng phù hợp với sự phát triển và yêu
cầu quản lý theo hướng phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tác động tiêu
cực của internet. Ngành TT và TT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của
các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan tới lĩnh vực quản lý, cung cấp,
sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên internet. Ngày 15-7-2013, Chính phủ
đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2013)
thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008, đưa ra những chế tài để
tăng cường quản lý Nhà nước, thúc đẩy việc phát triển ứng dụng, sử dụng
internet cũng như các thông tin trên mạng. Thực hiện chức năng của mình, Sở TT
và TT đã tổ chức kiểm tra, rà soát các trang TTĐT có tên miền “.gov.vn” do
người dùng trên địa bàn tỉnh đăng ký và tập trung quản lý các trang TTĐT theo
đúng quy định của pháp luật. Sở TT và TT đã tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định
số 72/2013/NĐ-CP cho cán bộ Phòng VH-TT các huyện, thành phố; cán bộ các phòng
chuyên môn thuộc sở; cán bộ phụ trách quản trị mạng của các trang TTĐT; người
chịu trách nhiệm nội dung các trang TTĐT của các cơ quan Nhà nước, UBND các
huyện, thành phố. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nội dung Nghị định đến người
dân trên địa bàn, trong đó tập trung hướng dẫn quy định cụ thể về quyền và
nghĩa vụ của người sử dụng trang mạng xã hội; giúp người dân nhận thức đúng đắn
về quy định của pháp luật trong việc cung cấp cũng như tìm kiếm, trao đổi và
chia sẻ thông tin trên internet; đặc biệt đối với những người tham gia các mạng
xã hội nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng mạo danh người khác, nhất là những
người nổi tiếng để đưa thông tin sai lệch, xâm hại đến lợi ích, danh dự cá
nhân. Để hạn chế trường hợp thông tin sai trái xuất phát từ máy chủ ở nước
ngoài mà pháp luật của nước đó không phù hợp với khuôn khổ pháp luật của Việt
Nam trong việc quản lý internet, Sở TT và TT khuyến cáo người dân sử dụng thông
tin trên internet phải nâng cao năng lực của mình để phân biệt rõ những thông
tin đúng và thông tin sai trái, tránh bị lừa, nhất là những thông tin tuyên
truyền phương hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của bản thân.
Hiện nay, tại nhiều điểm truy cập internet công cộng hoặc các điểm truy cập
internet cộng đồng như Thư viện tỉnh, các điểm Bưu điện văn hóa xã không chỉ
tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia truy nhập mạng internet mà còn cài
đặt phần mềm truy xuất hoặc ngăn chặn người dùng mạng internet truy nhập vào
các trang mạng “đen”.
Thời gian tới, chính sách quản lý thông tin trên mạng
internet sẽ được ngành TT và TT tăng cường thực hiện bằng cách kết hợp đồng bộ
nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và
giải pháp tuyên truyền, giáo dục. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực bộ máy
quản lý Nhà nước, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hiện
đại bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý về cả hành chính và kỹ
thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy
định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng
cao nhận thức của người sử dụng internet từng bước thích ứng với đặc trưng xã
hội công nghệ, biết sàng lọc thông tin. Đồng thời, khuyến khích các doanh
nghiệp viễn thông tăng cường tạo ra nhiều dịch vụ hấp dẫn an toàn như mạng xã
hội, công cụ tìm kiếm và các dịch vụ giải trí trực tuyến lành mạnh để thu hút
người sử dụng trong nước, giảm thiểu những tác động tiêu cực của internet đối
với đời sống xã hội./.
cứ thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng
Trả lờiXóa