PHAI NHẠT LÝ TƯỞNG
CÁCH MẠNG - "ĐƯỜNG GẦN" DẪN ĐẾN
SUY THOÁI
NTBB
Trong thời khắc thiêng liêng của
buổi lễ kết nạp Đảng, lời nói đầu tiên của mỗi đảng viên vang lên tha thiết,
xúc động từ trái tim mình là: “Trước Quốc kỳ, Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ
Chí Minh vĩ đại, tôi xin thề “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cách
mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị
quyết, chỉ thị của Đảng…”.
Lời thề đó được nhiều thế hệ đảng
viên cộng sản khắc cốt ghi tâm trong suốt cuộc đời, nhưng cũng có người để cho
lý tưởng cách mạng của Đảng “buông trôi”, nhạt nhòa theo năm tháng, thậm chí đi
ngược lại lý tưởng mình hằng theo đuổi, tôn thờ.
Từng có ý kiến cho rằng, thời buổi
kinh tế thị trường mà nói đến lý tưởng cách mạng nghe có vẻ cũ kỹ, sáo mòn, khô
khan, không hợp thời, khó hội nhập với thế giới. Thậm chí có ý kiến khuyến nghị:
Cứ tập trung chăm lo phát triển kinh tế, làm giàu đi, khi mọi người, mọi nhà đều
sung túc, của cải xã hội dồi dào, thì đương nhiên là hiện thực hóa lý tưởng rồi.
Thoạt nghe thì tưởng đúng, nhưng sự thật đó là thái độ cổ xúy cho tư tưởng cấp
tiến, dễ làm những người cộng sản rơi vào tâm thế dao động, thiếu lập trường
kiên định, mất phương hướng rèn luyện, phấn đấu để thực hiện những mục đích cao
cả mà sự nghiệp cách mạng đã đặt ra.
Thời nào cũng vậy, lý tưởng cách
mạng chính là “chiếc la bàn” dẫn dắt niềm tin, định hướng đường đi nước bước
đúng đắn để mỗi đảng viên không đi xa, đi chệch khỏi quỹ đạo mà Đảng đã vạch
ra. Đề cao lý tưởng cách mạng là tiền đề, cơ sở để những người cộng sản có thái
độ, hành vi ứng xử phù hợp với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và nhân
dân.
Trong thời chiến, dù muôn vàn
gian khổ, nhưng Đảng ta tự hào đã rèn luyện được một đội ngũ đảng viên tràn đầy
lý tưởng cách mạng và giàu tinh thần cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc. Theo lịch sử
ghi lại, chỉ tính hai năm 1931-1932, trong cuộc “khủng bố trắng” của thực dân
Pháp đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ yêu nước bị giam cầm, tù đày,
giết hại. Những trại giam, như: Côn Đảo, Phú Quốc, Lao Bảo, Sơn La, Hỏa Lò… được
ví như địa ngục trần gian, lò tra tấn thời trung cổ, khiến hàng nghìn người con
ưu tú của Đảng bị hành hạ dã man và rất nhiều người không còn cơ hội để tiếp tục
thực hiện lý tưởng đấu tranh cách mạng cao đẹp của mình. Gần 16 vạn đảng viên
anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trở thành gần 16
vạn đóa hoa bất tử về sự dâng hiến, hy sinh và làm sáng ngời những trang sử
vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng là bằng chứng sinh động về sự kiên
trung, bất khuất và một lòng một dạ son sắt thủy chung của đảng viên đối với mục
tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng.
Thời nay, trước những diễn biến
phức tạp của thời cuộc và mặt trái kinh tế thị trường phần nào làm nhạt phai lý
tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Sự nhạt phai đó biểu hiện dưới
nhiều khía cạnh chệch choạc. Thay vì đề cao lý tưởng “Tổ quốc là trên hết”, nhiều
người chỉ nhăm nhăm chăm lo quyền lợi cá nhân, bảo kê lợi ích nhóm, bất chấp
pháp luật, chà đạp đạo lý để co kéo lợi ích tối đa về bản thân, gia đình và bộ
phận nhỏ nhoi của mình.
Thay vì nguyên tắc làm việc “dĩ
công vi thượng” (lấy việc công trên hết), nhiều người đã lợi dụng cương vị, chức
trách, quyền hạn của mình để làm việc vì động cơ cá nhân, vụ lợi, thiếu chú trọng
hoặc không thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, đề ra các giải pháp sáng tạo nhằm
làm chuyển biến tiến bộ, toàn diện các mặt công tác của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Thay vì đề cao quan điểm “dĩ dân
vi bản” (lấy dân làm gốc), một bộ phận cán bộ do tham nhũng, vơ vét mà sa đà
vào lối sống vinh thân phì gia, xa hoa, cách biệt với người dân, không quan tâm
đến cuộc sống vất vả của biết bao người lao động và dân nghèo.
Thay vì thực hiện phương châm “sống,
làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức tìm mọi kẽ hở của cơ chế, “khe hổng” của chính sách, luật pháp để bòn
rút của công, gây nhiễu nhương, phiền hà doanh nghiệp và người dân mà thực chất
là muốn người khác phải lót tay cho mình thì mới giải quyết công việc hanh
thông.
Thay vì “nói đi đôi với làm”,
“nói đúng quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng”, thì một bộ phận cán bộ, đảng
viên lại nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo,
phát ngôn vô tổ chức, vô ý thức kỷ luật, gây tổn hại đến uy tín, danh dự của Đảng,
tác động xấu đến dư luận xã hội. Rồi tình trạng một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp
cao khi đăng đàn, viết báo, viết sách thì lên mặt “đức cao vọng trọng” để
khuyên răn, chỉ bảo, giáo huấn cấp dưới và nhân dân phải đề cao lý tưởng, coi
trọng đạo đức, nâng tầm văn hóa, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
nhưng phía sau những lời hay ý đẹp, mỹ từ ấy là một tâm địa ích kỷ, nhỏ nhen,
ham hố tầm thường của chính người trong cuộc.
Có một sự thật xót xa là trong số
hơn 70 cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, nhiều
người từng một thời không thiếu nhiệt huyết, lý tưởng cách mạng, nhưng khi “leo
lên” những vị trí quan trọng, được kẻ tung người hứng nên sinh ra chủ quan, tự
mãn, say sưa với quyền lực, đắm chìm vào lợi ích và lại thiếu rèn luyện bản
lĩnh cách mạng, thiếu tu dưỡng, thiếu nghiêm khắc với chính bản thân và không
thủy chung với lý tưởng mình đã lựa chọn, cho nên “ngã ngựa giữa đường” và trả
giá rất đắt.
Thật ra, lý tưởng cách mạng
không phải là cái gì đó xa xôi, trừu tượng, khó hiểu, khó thực hiện, mà đó
chính là nhận thức đúng Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước trong từng thời kỳ cách mạng; nắm vững, vận dụng nhuần
nhuyễn và thực hiện hiệu quả nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi
đôi với hành, gắn rèn luyện phẩm đạo đức với nâng cao năng lực công tác, trong
đó lấy việc giữ đức làm gốc.
Nếu như trước đây, lý tưởng cách
mạng của Đảng đòi hỏi người đảng viên có tinh thần dấn thân, xông pha vào nơi
gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc;
thì thời nay, lý tưởng cách mạng của Đảng mong muốn, yêu cầu cán bộ, đảng viên
cần đề cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; biết giải quyết hài
hòa mối quan hệ giữa lợi ích xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân, trong
đó phải lấy lợi ích xã hội, lợi ích tập thể làm trọng; biết xử lý đúng mực, hợp
lý, hợp tình mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ; biết gắn kết chặt chẽ và
thực hiện giữa nói và làm, trong đó cần coi trọng làm đến nơi đến chốn, làm thực
chất, làm hiệu quả, làm vì sự trưởng thành của bản thân và sự vững mạnh, tiến bộ
của tập thể.
Không ai sinh ra đã hoàn hảo.
Không người nào tự thân lớn lên, trưởng thành được nếu không có sự kiên trì rèn
luyện, tu dưỡng ở mọi lúc, mọi nơi. Sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói,
“lý tưởng, phẩm chất cách mạng chỉ có thể được hình thành trong quá trình đấu
tranh cách mạng, trong sản xuất, chiến đấu và tu dưỡng”. Vì vậy, để lý tưởng
cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên không bị nhạt phai, mỗi chúng ta phải thường
xuyên nung nấu ý chí, bền bỉ tu thân tích đức, tự nhắc lòng mình không bao giờ
được phép xa rời con đường đã chọn, đi ngược mục tiêu mình đã tôn thờ, làm trái
lương tâm đạo đức của chiến sĩ cách mạng, buông bỏ phẩm chất tiên phong, gương
mẫu của người cộng sản.
Nếu cứ để một chút lơ là, một
chút lơi lả, một chút dễ dãi, một chút “thỏa hiệp” với chính mình thì theo ngày
tháng, “một chút” đó sẽ lớn dần lên thành “mụn nhọt”, thậm chí thành “ung thư”
thì phẩm chất, nhân cách, tư cách của cán bộ, đảng viên sẽ rơi vào tình trạng
“chết lâm sàng”. Từ đó, lý tưởng cách mạng không phải là nhạt phai, mà đã thoái
hóa rồi biến người cộng sản thành “bóng ma” của chính mình!
phai nhạt lý tưởng thì nên thanh lý
Trả lờiXóa