TĐN
Ngày nay, mạng Internet đã trở thành điều không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Mỗi người đều có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau trên Internet, nhất là thông qua mạng xã hội, với tốc độ lan truyền nhanh chóng. Về thực chất, mạng xã hội là một hệ thống được tạo ra trên nền Internet cho phép người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin một cách có hiệu quả, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian. Trên thế giới, mạng xã hội đã trở nên phổ biến và gần gũi với mọi người nhất là đối với những người trẻ tuổi, thu hút sự tham gia của hàng trăm triệu người sử dụng. Có thể thấy, lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho con người rất nhiều và có tác động tích cực nếu mỗi người biết cách sử dụng chúng một cách hợp lý, phục vụ cho công việc, tìm kiếm thông tin, thiết lập các mối quan hệ cá nhân hay giải trí lành mạnh.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng
chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng xấu tới công việc, mối
quan hệ cá nhân và cuộc sống của người sử dụng. Việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội rất
khó khăn, các nguồn thông tin thật, giả, đúng, sai lẫn lộn, đã được kiểm chứng
hay chưa được kiểm chứng, tốc độ tán phát, chia sẻ rộng rãi, nhanh chóng thông
qua rất nhiều hình thức khác nhau. Nguy hiểm hơn, nếu thông tin không chính
xác, xuyên tạc, vu khống, bịa đặt, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân
phẩm của cá nhân; hay thông tin, hình ảnh phản cảm, nhạy cảm... được đăng tải
lên thì ngay lập tức có thể bị tán phát rộng rãi và tác động ảnh hưởng tiêu cực
tới nhiều người cùng một lúc. Về góc
độ này, chúng ta có thể thấy được mặt trái của mạng xã hội, khi mọi người đều
có thể đọc và chia sẻ những thông tin mà không hiểu rõ về vấn đề, chính điều
này đã vô tình gây ra những rắc rối, những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống cá nhân
của những người trong cuộc.
Bên cạnh đó, mạng xã hội còn là môi trường để các thế lực thù
địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp
luật. Hiện nay, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để tuyên
truyền những quan điểm sai trái, phản động chống Đảng, Nhà nước và đưa những
thông tin sai trái, tiêu cực, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt, vu khống hết sức
trắng trợn nhằm làm giảm sút lòng tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, Nhà
nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, nhen nhóm hình thành các tổ chức
phản động, gây mất ổn định chính trị đất nước.
Đối với Quân đội ta, trong thời gian qua, mặc
dù chưa có thống kê đầy đủ về số lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia mạng xã hội,
nhưng có thể nhận thấy, hoạt động tham gia nhiều các mạng xã hội của cán bộ,
chiến sĩ hiện nay diễn ra tương đối phổ biến, với hình thức đa dạng, phong phú.
Nhìn chung, đa số cán bộ, chiến sĩ khi tham gia mạng xã hội đã ý thức được
những tác động, ảnh hưởng của nó, chủ yếu sử dụng vào mục đích chính đáng như:
giao lưu, kết nối với người thân, bạn bè; thể hiện bản thân; chia sẻ tâm tư,
tình cảm, sở thích, trao đổi kinh nghiệm cuộc sống, tiếp thu, trao đổi thông
tin có chọn lọc...
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ nhận
thức chưa đầy đủ tính chất phức tạp của mạng xã hội cũng như chưa quán triệt
nghiêm túc các quy định nên tham gia “quá sâu” vào hoạt động trên mạng xã hội.
Nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ đã chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin
cá nhân như: hình ảnh chân dung, tiểu sử bản thân, đơn vị công tác... bị các
đối tượng xấu tìm hiểu, thu thập, theo dõi thông tin cá nhân để tập trung tác
động. Có trường hợp đăng tải các thông tin, hình ảnh có nội dung thiếu chọn
lọc, phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật, kỷ luật, thể hiện bức xúc cá nhân,
quan điểm trái chiều; đăng tải thông tin, hình ảnh về hoạt động nội bộ của đơn
vị, chứa bí mật quân sự... Một số nội dung, hình ảnh phản cảm của quân nhân
đăng tải trên mạng xã hội đã bị tán phát rộng rãi và trở thành chủ đề bị đưa ra
bình luận đa chiều trên mạng. Một số hình ảnh cá nhân của quân nhân đăng tải
trên mạng Facebook bị các đối tượng xấu lợi dụng để lồng ghép, đính kèm các
thông tin trái chiều, xuyên tạc, bôi nhọ, gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín
quân nhân và hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", tạo dư luận không tốt trong
nhân dân về quân đội. Một số thông tin, video, clip, hình ảnh có chứa bí mật
quân sự đăng tải trên mạng xã hội đã tạo điều kiện cho các cơ quan đặc biệt
nước ngoài thu thập tin tức tình báo phục vụ mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước và
quân đội.
Để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, loại trừ những tác động tiêu
cực của mạng xã hội vào nội bộ quân đội hiện nay cần tập trung vào một số nội
dung biện pháp cơ bản sau:
Một là, tích cực
tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi quân nhân thấy rõ mặt tiêu
cực, tác động, ảnh hưởng của mạng xã hội, nhất là những âm mưu, thủ đoạn lợi
dụng mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động để chống phá Đảng, Nhà
nước và quân đội. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp cần quan tâm và
chủ động hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng,
đầy đủ các quy định của Đảng, Nhà nước và quân đội về công tác quản lý, sử dụng
mạng Internet, mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức và hành động đúng đắn cho
mọi quân nhân. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tốt công tác phổ
biến, quán triệt mọi quân nhân nhất là đội ngũ sĩ quan trẻ, học viên các nhà
trường quân đội, hạ sĩ quan, binh sĩ nắm chắc các qui định về sử dụng Internet
và mạng xã hội, xây dựng ý thức và phong cách ứng xử có văn hóa khi tham gia
mạng xã hội.
Hai là, tích cực đổi mới
phương thức tuyên truyền của các cơ quan báo chí trong quân đội, phát huy tối
đa lợi thế của mạng Internet và mạng xã hội nhằm cập nhật đầy đủ thông tin,
quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức chính
trị, nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch cho cán bộ, chiến
sĩ. Tổ chức và tăng cường hoạt động của lực lượng tham gia đấu tranh chuyên sâu
phản bác các quan điểm phản động, sai trái trên mạng Internet nhất là trên mạng
xã hội.
Ba là, tăng cường công tác
chính trị nội bộ, nắm chắc tình hình quản lý, sử dụng Internet nói chung, tham
gia mạng xã hội của quân nhân nói riêng. Kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý,
ngăn chặn những hành vi tán phát các thông tin, hình ảnh... có nội dung tiêu
cực, phản cảm và các biểu hiện lơ là, mất cảnh giác của quân nhân khi tham gia
mạng xã hội. Kiên quyết ngăn chặn, giảm thiểu không để các tiêu cực của mạng xã
hội tác động xấu tới tư tưởng, nhận thức, hành động của quân nhân, tạo sự “miễn
dịch” góp phần làm trong sạch nội bộ đơn vị.
Bốn là, chủ động các biện pháp
ngăn chặn, bóc gỡ các thông tin, tài liệu có nội dung phản cảm, sai qui định
của quân nhân bị lộ lọt, tán phát trên mạng xã hội không để các đối tượng xấu
lợi dụng chống phá, gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của quân đội. Kịp thời
phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi sai trái của quân nhân khi tham
gia mạng xã hội. Khi có vụ việc, tình hình liên quan đến quân nhân vi phạm các
quy định trên mạng xã hội, cần kịp thời chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ đơn vị chủ
động báo cáo, phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ cấp trên và cơ quan chức năng
có liên quan tiến hành các biện pháp xử lý, ngăn chặn.
Sự phát triển và ảnh hưởng sâu rộng của mạng xã hội đến đời sống
con người nói chung, quân nhân nói riêng là một thực tế khách quan, bao gồm cả
những tác động tích cực và tiêu cực. Hiện nay, các thế lực phản động đã, đang
và sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội như là một công cụ hữu hiệu nhằm thực hiện
“diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tiến hành các
hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Vì vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ
cần thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nâng cao tinh thần cảnh
giác, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn những tác động ảnh hưởng tiêu
cực của mạng xã hội vào nội bộ quân đội, đơn vị trong tình hình hiện nay./.
Tất cả những kẻ coi thường pháp luật như thế này phải bị pháp luật trừng trị thật nghiêm khắc
Trả lờiXóa