Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

LƯỜI BIẾNG CŨNG LÀ KẺ ĐỊCH

 

LƯỜI BIẾNG CŨNG LÀ KẺ ĐỊCH

NTB

Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”, khi bàn về chữ “Cần”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác”(1). Hồ Chí Minh đã cắt nghĩa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: “Bệnh lười biếng - Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”(2); Người giải thích cặn kẽ hơn: “Bệnh lười biếng - Khi tiếp được mệnh lệnh hoặc nghị quyết, không chịu nghiên cứu rõ ràng. Không lập tức đưa ngay mệnh lệnh và nghị quyết đó cho cấp dưới, cho đảng viên, cho binh sĩ. Cứ xếp lại đó. Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng. Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn. Kết quả nhỏ là: nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần. Kết quả nặng là: phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi. Đó là vì tính lười biếng, chậm chạp”(3).

Người cảnh báo thái độ lười học tập, nhất là lười học tập lý luận chính trị, văn hóa và chuyên môn - nghiệp vụ: “Lười biếng: Không chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ của mình về chính trị, văn hóa và nghiệp vụ. Do ít hiểu biết về tình hình trong nước và ngoài nước, ít nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho nên gặp thuận lợi thì dễ lạc quan tếu, gặp khó khăn thì dễ dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo. Do đó mà gặp nhiều khó khăn trong công việc, tác dụng lãnh đạo bị hạn chế”(4).

Khi cho rằng, lười biếng cũng là đắc tội với đồng bào, với Tổ quốc, Hồ Chí Minh đã đưa ra hình ảnh so sánh: “Nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng, thì khác nào toàn chuyến xe chạy, mà một bánh xe trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả chuyến xe. Vì vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”(5).

(1), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 6, tr.120; 120-121.

(2), (3) Sđd, t. 5, tr.295; 299

(4) Sđd, t.14, tr.29-30

 

1 nhận xét: