Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ QUỐC GIA LÀ CHỦ TRƯƠNG NHẤT QUÁN CỦA VIỆT NAM

 

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ QUỐC GIA LÀ CHỦ TRƯƠNG NHẤT QUÁN CỦA VIỆT NAM

ĐMH

 

Trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, phản động, như thường lệ, lại tung lên những thông tin xuyên tạc vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Đây là những luận điệu chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây xáo trộn cuộc sống ổn định, hòa bình hiện nay của nhân dân Việt Nam, cần thiết phải nhận rõ và loại trừ.

Các trang mạng xã hội hay các diễn đàn quy tập nhiều phần tử bất mãn đang rêu rao rằng: “Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng việc tổ chức đại hội Đảng hơn vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo”. Hoặc có các thông tin xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc thông qua những “thuyết âm mưu” nhuốm màu kích động. Mưu đồ cốt lõi của những luận điệu này là khiến lòng dân mất yên, dần mất niềm tin vào lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nguy hiểm hơn là nhiều đối tượng lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo để kích động, kêu gọi người dân “xuống đường” thể hiện lòng yêu nước, từ đó gây mất an ninh, trật tự xã hội và kiếm cớ để tiếp tục chống phá.

Trước hết phải thấy rằng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng cộng sản Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.Theo đó, ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển 1982, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. Nghị quyết cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982.

Phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam,cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Cùng với việc ban hành Luật Biển, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Biên giới quốc gia (2003), Luật Hàng hải 2015, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015)…

Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng, nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao, qua nhiều kênh và ở nhiều cấp khác nhau để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế. Điều này đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và được chứng minh trong cách thức Việt Nam đang giải quyết những tồn tại của vấn đề Biển Đông, với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế. Đó là, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Quan điểm nhất quán của Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ đã nhiều lần được lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam khẳng định. Mới nhất, trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) vào giữa tháng 10-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nguy cơ tiềm ẩn sự phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là về vấn đề lãnh thổ, biên giới, biển đảo đồng thời kêu gọi nhân dân cảnh giác với những quan điểm cực đoan về vấn đề Biển Đông. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đồng thời kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. 

Trong khi đó, tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, cùng với việc nhấn mạnh chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ: “Chúng ta chỉ sử dụng sức mạnh quốc phòng trong tình huống tự vệ khi đất nước bị xâm hại, trước hết là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia-dân tộc, sự ổn định của chế độ”. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là "không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", "không tham gia liên minh quân sự".

Những bài học đắt giá từ các cuộc chiến tranh trong quá khứ đã khiến nhiều nước, trong đó có cả những quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh, đang đi theo hướng lấy đối thoại, luật pháp quốc tế làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, thay vì cổ xúy cho xung đột và đối đầu. Điều này cho thấy quan điểm, chủ trương, đường lối, đối sách của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giải quyết các vấn đề liên quan theo phương cách hòa bình, đối thoại từ trước đến nay là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới./.

 

1 nhận xét: