Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG QUAN LIÊU

 

ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG QUAN LIÊU

TCH

 

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên: Quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân… Đây là trở ngại trong quá trình xây dựng các văn kiện hoạch định chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chỉnh đốn Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.

1. Đối tượng và tác hại của căn bệnh quan liêu

Bênh quan liêu có thể xuất hiện ở bất kỳ cấp nào và bất kỳ cán bộ, đảng viên nào. Ngay cả những đảng viên, cán bộ ở cơ sở, tuy sống, ăn, ở cùng nhân dân,`nếu mắc bệnh quan cũng không nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình. Những ai mắc bệnh quan liêu, không gần gũi lắng nghe ý kiến của nhân dân, thích ngồi bàn giấy chỉ tay năm ngón, đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình. Với họ, việc gì cũng dùng mệnh lệnh. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, cũng biết, không chịu học hỏi nhân dân nên quyết định của họ thường không phù hợp với thực tế, với nhu cầu của nhân dân. Họ có mắt mà không tường, có tai mà không thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ tha hóa tha hồ tham ô, lãng phí, lũng đoạn.

Căn bệnh quan liêu để lại hậu quả nặng nề. Vì đã mắc bệnh quan liêu không những thiếu kiểm tra kỹ lưỡng, chỉ đạo đại khái qua loa, chung chung, mà còn thiếu dân chủ, sợ phê bình, không giữ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí, tham nhũng. Quan liêu thường cặp đôi với lãng phí, tham nhũng, nó là tiền đề và hệ quả của nhau. Trong mối quan hệ này, quan liêu là yếu tố tạo điều kiện cho tham nhũng. Bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí cũng làm cho quan liêu trầm trọng hơn. Sinh thời, Bác Hồ chỉ rõ: Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng không nắm vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu sát, không hiểu lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền nhân dân được thiết lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về nguy cơ của bệnh quan liêu. Trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17-10-1945, Bác nói tới những lầm lỗi của một số cán bộ như: Làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo. Bác lên án các “ông quan cách mạng”: Coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ.

Đại hội IV của Đảng, khi tổng kết kinh nghiệm xây dựng chính quyền đã nhấn mạnh: “Thói quan liêu, độc đoán chuyên quyền, đặc quyền đặc lợi là kẻ thù nguy hiểm đối với một đảng lãnh đạo chính quyền”. Khi phê phán “chủ nghĩa quan liêu và tệ cửa quyền” đã “nghiêm khắc lên án thái độ hách dịch, cửa quyền, vô trách nhiệm, thậm chí nhẫn tâm trước những khó khăn và đau khổ của nhân dân”. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã xác định những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, trong đó có biểu hiện của tệ quan liêu.

Từ những chỉ dẫn của Bác Hồ và thực tiễn những năm qua cho thấy những hạn chế, yếu kém, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ, nạn tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác của bộ máy Nhà nước cũng như hệ thống chính trị đều có nguồn gốc từ bệnh quan liêu. Quan liêu là căn bệnh nguy hiểm nhất. Vì quan liêu nên trong xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật không sát thực tế, khó đi vào cuộc sống, không thẩm định kỹ các dự án đầu tư, không kiểm tra sâu sát trong quá trình triển khai dự án nên khi phát hiện hậu quả xảy ra thì đã quá muộn. Sự cố môi trường do Fomosa gây ra là vô cùng nghiêm trọng và là bài học về sự quan liêu, tắc trách của những cơ quan, cán bộ có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, theo dõi dự án. Hàng loạt dự án hiện đang “đắp chiếu” có thâm niên hàng chục năm với hàng nghìn tỷ đồng. Hàng trăm dự án, quy hoạch đất đai không đúng quy hoạch, ngồi bàn giấy tự vẽ ra không phù hợp thực tế làm cho nhân dân bức xúc, khiếu kiện triền miên và không ngoại trừ cả những tiêu cực trong công tác cán bộ… đều có nguồn gốc từ quan liêu, thiếu trách nhiệm.

2. Nguyên nhân và giải pháp đấu tranh phòng, chống bệnh quan liêu

Bệnh quan liêu đến từ đâu? Câu hỏi đó đã được Bác Hồ chỉ rõ khi Người viết bài đăng trên báo Nhân Dân số 23 ngày 02-9-1951 rằng: Nguyên nhân bệnh quan liêu là: Xa nhân dân, do đó không hiểu tâm lí, nguyện vọng của nhân dân. Khinh nhân dân, cho là nhân dân bảo sao làm vậy, không hiểu được lí luận chính trị cao xa như mình. Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa… Bệnh quan liêu, mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc. Vì vậy chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy. Bác còn chỉ rõ cách chữa của bệnh ấy là: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm phải thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo.

Bằng phong cách nhẹ nhàng, tế nhị, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 9-1963, nhân dịp Quốc khánh, Bác đem đến một hộp bút và nói “Hôm nay tôi xin tặng các vị, các chú mỗi người một cây bút để làm việc”. Bác đưa tận tay từng bộ trưởng, từng ủy viên. Mọi người nhìn lên nắp bút thấy dòng chữ Bác đã khắc “Bút chống quan liêu. 2-9-1963”.

Phòng, chống bệnh quan liêu không thể tiến hành bằng những lời hô hào, những phương châm chung chung, mà phải có một hệ thống biện pháp cụ thể. Yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và gần đây là quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Trong quá trình thực hiện những nội dung cụ thể đó chúng ta cần phải luôn xác định khắc phục tình trạng quan liêu, tập trung vào các giải pháp:

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đấu tranh chống lại việc lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân, cho gia đình. Cán bộ cấp cao, người đứng đầu các ngành, địa phương phải luôn rèn luyện, nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tích cực tự phê bình và phê bình. Vấn đề đặt ra hiện nay là tuyển chọn được những người tâm huyết, trung thành với Đảng, không vụ lợi, loại bỏ những người kém đức, kém tài ra khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước; ngăn chặn bè cánh, lợi ích nhóm, phá hoại kỷ cương, kỷ luật, vô hiệu hóa pháp luật, chính sách và những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Hai là, thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân nghiêm ngặt, xác định rõ, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, từng chức danh trong bộ máy nhà nước, nhất là người đứng đầu. Đây là việc làm hết sức cần thiết, vì muốn kiểm tra, quy kết được trách nhiệm của từng cơ quan và từng chức danh phải xác định được rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan và từng chức danh để khi sự việc xảy ra thì theo quy định mà quy kết trách nhiệm, khắc phục tình trạng tranh công, đổ tội.

Ba là, bảo đảm quyền giám sát của nhân dân đối với mỗi cán bộ lãnh đạo và quản lý. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhất là sự tham gia của báo chí, của các tổ chức chính trị - xã hội.

Bốn là, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Thanh tra, kiểm tra cần được diễn ra trên mọi cấp độ, trên mọi lĩnh vực và phải được thực hiện thường xuyên, khi cần kiểm tra đột xuất không báo trước.

Năm là, xử lý nghiêm minh các trường hợp vì quan liêu, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí cần xác định giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa là chính, nhưng trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc coi trọng giáo dục, thuyết phục cần có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp vì quan liêu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thực hiện xử phạt nghiêm minh với những hành vi quan liêu, tắc trách này sẽ góp phần răn đe, chấn chỉnh kỷ cương, trật tự trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

1 nhận xét: