Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

SUY NGẪM VỀ "THẦN TƯỢNG"

 HT

Chúng ta vẫn thường hiểu "thần tượng" là mỹ từ để chỉ một người hay một nhóm người sở hữu những tố chất quý báu khiến người khác phải ngưỡng mộ, cảm phục. Ở mức độ phù hợp, văn hóa thần tượng sẽ tạo ra những tác động tích cực tới thái độ, niềm tin, nhận thức và cảm hứng để các bạn trẻ phấn đấu rèn luyện, học tập, vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nếu tìm cho mình thần tượng không đúng và "chạy theo" thần tượng đến mê muội, mù quáng thì lại là căn nguyên dẫn tới những lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Ðáng tiếc rằng, những biểu hiện "cuồng" thần tượng quá mức và cả những lệch lạc khi hiểu về thần tượng đang trở nên phổ biến và lây lan nhanh chóng trong giới trẻ hiện nay.

Người ta lấy làm ngạc nhiên đặt câu hỏi: Tại sao "chuẩn" thần tượng của giới trẻ ngày càng trở nên dễ dãi đến vậy. Nếu như trước đây, chỉ có những tấm gương xuất chúng cả về tài năng và đạo đức như những anh hùng lịch sử, danh nhân văn hóa, các nghệ sĩ tài ba và cả những doanh nhân giỏi... mới được tôn lên làm thần tượng; thì giờ đây, ngay cả những sao "xẹt" của giới showbiz, nổi tiếng chủ yếu nhờ xì-căng-đan cũng trở thành thần tượng của giới trẻ, thậm chí thần tượng chỉ là do sở hữu vòng một ngoại cỡ hay có gương mặt ăn hình. Ðáng báo động hơn, một số bạn trẻ còn có những biểu hiện hâm mộ quá khích. Không chỉ lập hội yêu thích thần tượng trên các trang fo-rum, mạng xã hội; khóc lóc sướt mướt khi được gặp thần tượng; xăm hình thần tượng lên người; "dìm hàng" đối thủ của thần tượng... mà còn dám làm cả những việc trái với luân thường đạo lý vì thần tượng. Sự cuồng nhiệt quá mức vì thần tượng của giới trẻ càng gia tăng với những ngôi sao âm nhạc Hàn Quốc, từ việc không ngại hôn chiếc ghế mà thần tượng vừa ngồi, tới việc dám rao bán bản thân trên mạng chỉ để đổi lấy một vé xem thần tượng biểu diễn, thậm chí tuyên bố từ cả bố mẹ nếu ngăn cấm ước mơ gặp thần tượng... Nhiều bậc phụ huynh không khỏi buồn lòng khi con cái hoàn toàn thờ ơ trước những phiền muộn, đau ốm của cha mẹ, song lại có thể khóc đến ngất xỉu khi được nhìn thấy thần tượng chỉ trong vài phút. Rõ ràng, đây là những biểu hiện lệch lạc có phần bệnh hoạn về mặt tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân các bạn trẻ và gây ra nhiều tác động xấu tới cả gia đình, xã hội.

Có thể thấy, triệu chứng "cuồng" thần tượng đặc biệt xảy ra nhiều ở trẻ vị thành niên, lứa tuổi còn hay mơ mộng, dễ bị lôi kéo, cám dỗ. Không ít bạn trẻ chưa thật sự hiểu về thần tượng nhưng vẫn tôn thờ vì chịu ảnh hưởng của "tâm lý đám đông", thích a dua. Và đôi khi, họ còn cho rằng, phải biết hâm mộ thần tượng mới được coi là "sành điệu". Chính vì thế, trào lưu hâm mộ thần tượng đang trở thành một thứ "mốt" nguy hiểm trong giới trẻ. Họ có thể làm mọi điều vì hâm mộ thần tượng nhưng cũng dễ chịu tổn thương, hoang mang, chán chường và có những hành động dại dột khi thần tượng sụp đổ. Rõ ràng, nếu không tỉnh táo và không biết cân bằng cảm xúc đối với thần tượng thì những hệ lụy đáng tiếc xảy ra với các bạn trẻ là điều khó có thể tránh khỏi.

Lý giải hiện tượng này, người ta vẫn hay đổ lỗi cho sự dễ dãi và bốc đồng của tuổi trẻ, song không thể phủ nhận trách nhiệm thuộc về gia đình và xã hội. Trong cuộc sống hiện nay, nhiều khi giá trị vật chất được tôn sùng hàng đầu, cha mẹ mê mải kiếm tiền, chạy theo công việc, rồi áp lực mưu sinh khiến giới trẻ cảm thấy thiếu vắng các mối quan hệ thực tế. Họ có xu hướng hướng nội và đặt niềm tin thái quá vào thần tượng, dẫn đến căn bệnh "cuồng" thần tượng. Vì thế, đã đến lúc xã hội, gia đình cần thật sự nghiêm túc để đưa ra những định hướng đúng đắn cho con em mình trong việc tìm thần tượng và cả cách hâm mộ thần tượng. Với tuổi trẻ, nhất là lứa tuổi mới lớn thì "càng cấm, càng làm", bố mẹ phải ứng xử nhẹ nhàng, mang tính thuyết phục để con dần hiểu ra, chứ không nên có những hành động cấm đoán, bắt con cái từ bỏ thần tượng bởi điều này rất dễ dẫn tới sự đối đầu phản kháng gay gắt ở giới trẻ để bảo vệ thần tượng. Các phụ huynh cần tỏ ra gần gũi, thân mật trò chuyện, dần dần uốn nắn, giúp con nhận thức được những điểm tốt cũng như xấu của thần tượng để biết cách cân bằng cảm xúc.

Bên cạnh đó là vai trò quan trọng của nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, định hướng về thần tượng ở giới trẻ. Ðiều này đòi hỏi cần có những biện pháp phối hợp tích cực trong tuyên truyền, nâng cao khả năng thẩm mỹ và nhân cách, đạo đức đối với các bạn trẻ. Có như thế, quỹ đạo cảm xúc dành cho thần tượng mới dần dần đi vào ổn định, và cụm từ "thần tượng" mới thật sự được dành đúng cho những người xứng đáng.

1 nhận xét: