Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Cảnh giác với những “chiêu trò” lợi dụng “tự do tôn giáo”

 Trong vô vàn âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta dưới vỏ bọc “tự do tôn giáo”, không thể không nhắc tới chiêu bài muốn biến các giáo xứ thành những “căn cứ riêng” để thực hiện mưu đồ chống đối chính trị, hoạt động ngoài vòng pháp luật, từ đó, kích động nhân dân và giáo dân tiến hành các hoạt động gây rối trật tự, chống đối người thi hành công vụ, vi phạm pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Trước hết, phải khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Từ thực tế hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy rằng đại đa số chức sắc tôn giáo, tăng ni, phật tử đã làm tốt việc đạo, việc đời, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

          Tuy nhiên, lợi dụng đường lối, chính sách đổi mới, mở cửa và tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, một số đối tượng đứng đầu các giáo xứ đã núp dưới chiêu bài “tự do tôn giáo” để lái hoạt động của các giáo xứ đi ngược với quy định pháp luật, bất chấp những lời răn dạy tốt đẹp trong giáo lý, những lời răn dạy của Chúa để mưu đồ cho tư lợi cá nhân một cách mờ ám.

Gần đây, khi cả nước đang nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020, trong đó yêu cầu tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra. 

Tại Giáo phận Vinh, Giám mục Nguyễn Hữu Long đã có văn bản thông báo yêu cầu các linh mục trong giáo phận tạm ngưng tất cả các Thánh lễ cộng đồng có giáo dân tham dự từ ngày 28-3-2020. Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh Nguyễn Thái Hợp cũng đã có thông báo một số lưu ý trang phục lễ nhằm phòng tránh dịch Covid-19, theo đó đã khuyến khích giáo dân tổ chức các lễ trong từng hộ gia đình, không tổ chức tập trung. Nhưng linh mục tại giáo xứ Hà Lời (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch), giáo xứ Xuân Hòa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) và một số giáo xứ ở TX. Ba Đồn đã rung chuông tổ chức hành lễ, bất chấp Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ Y tế cũng như địa phương về việc giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19... 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật về công tác tôn giáo, trong đó đưa ra những nguyên tắc cụ thể liên quan tới lĩnh vực này. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là: Quyền tự do tôn giáo không phải là vô hạn và Nhà nước giữ vai trò trung gian trong việc ngăn chặn tình trạng các tổ chức tôn giáo lạm quyền chính trị hoặc lạm quyền tự do tôn giáo để tranh giành ảnh hưởng, xâm phạm vào các quyền tự do dân sự khác của người dân; hoạt động của các tôn giáo phải tuân thủ theo hiến pháp, pháp luật... 

Bởi vậy, hành động của các vị linh mục nói trên xét cho cùng đã vi phạm nguyên tắc, “lạm quyền” tự do tôn giáo một cách thái quá, muốn biến các giáo xứ thành “vương quốc” riêng của mình một cách lạc lỏng với tinh thần, nguyên tắc thượng tôn pháp luật mà bất cứ công dân, giáo dân nào cũng phải thực hiện.

Thực tế cho thấy, bất kỳ tôn giáo nào và các hoạt động liên quan tới tôn giáo luôn gắn liền với luật pháp của mỗi quốc gia, không thể vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật của quốc gia đó. 

Tại Việt Nam, việc quản lý nhà nước về tôn giáo cũng đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, trong đó, xác định rõ quyền hạn hoạt động tôn giáo của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực quản đạo, hành đạo và truyền đạo. Đồng thời, nêu rõ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc. 

Thế nhưng, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, một số đối tượng cực đoan, phản động luôn lợi dụng quyền “tự do tôn giáo” để kích động các giáo dân gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương mỗi khi có các vấn đề nổi lên được dư luận quan tâm.

Núp dưới vỏ bọc “tự do tôn giáo” và những lời rao giảng mị dân, một số đối tượng cực đoan ra sức lôi kéo, xúi giục, thậm chí gây sức ép để bà con giáo dân chống đối chính quyền, nhằm gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với đó, họ móc nối với các đối tượng phản động trong và ngoài địa phương tổ chức các hoạt động gây rối với mục tiêu nhằm phức tạp hóa tình hình, đẩy Giáo hội công giáo đối lập với chính quyền. 

Những âm mưu kích động này cuối cùng chẳng thấy lợi ích nào cho giáo dân, mà trái lại, chỉ khiến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt thường ngày của bà con giáo dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đời sống kinh tế ngày càng kiệt quệ. Đáng buồn hơn, nhiều giáo dân từ chỗ sống “tốt đời, đẹp đạo” nhưng bị các đối tượng cực đoan trong tôn giáo dụ dỗ, kích động, mê hoặc bởi những lời rao giảng “có cánh” một cách phi lý, để rồi đẩy giáo dân vi phạm chính sách tôn giáo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có người còn vướng vào vòng lao lý; đến khi tỉnh ngộ thì đã muộn. 

Các giáo dân trước hết là các công dân, nên bất kỳ ai theo tín ngưỡng, tôn giáo nào cần phải đặt trách nhiệm và nghĩa vụ công dân lên hàng đầu. Cùng với đó, các giáo dân cần hết sức tỉnh táo, nhận rõ âm mưu thủ đoạn của những “bàn tay đen” muốn biến các giáo xứ thành “thiết chế chính trị riêng”, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của giáo dân để phục vụ lợi ích cá nhân một số người; đồng thời, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng tới lợi ích chung của dân tộc, đất nước mà trước hết là cuộc sống bình yên của các giáo xứ, của những người dân theo đạo./.

                                                                  LVM.

1 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc và chống phá Đảng ta. Mọi người phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lôi cuốn vào những thông tin sai lệch của chúng

    Trả lờiXóa