KHH
Hiện nay, nhiều đối tượng đã tạo lập các trang mạng xã hội, với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm. Đây là thủ đoạn mới mà Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cảnh báo người dân. Mới đây nhất, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam, bắt giữ Trần Văn Lâm (23 tuổi, ngụ tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi lập fanpage Facebook kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 9/2020, Lâm lập trang
fanpage Facebook "Hỗ trợ trẻ em" và đăng gần 250 bài viết kêu gọi
cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là câu
chuyện về các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm
nghèo. Tin vào những thông tin này, đã có hàng ngàn nhà hảo
tâm gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng đến tài khoản ngân hàng do Lâm tạo lập,
quản lý.
Tại cơ quan công an, Lâm khai nhận còn điều hành 7 trang
fanpage Facebook khác nhằm mục đích tương tự gồm: "Quỹ bảo trợ trẻ
em", "Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam", "Phật tại tâm",
"Chia sẻ yêu thương kết nối yêu thương", "Quan thế âm bồ
tát", "Chia sẻ yêu thương", "Kết nối yêu thương"... đã
bị cơ quan chức năng triệt phá.
Ngoài Trần Văn Lâm, thời gian qua còn rất nhiều đối tượng
khác đang dùng thủ đoạn là: Tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên
Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật
về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo
các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép.
Sau đó, đối tượng đăng tải các bài viết, kêu gọi cộng
đồng mạng giúp đỡ; hoặc sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã
được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên
Fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các
đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.
Chúng
ta ai cũng mang sẵn trong mình sự đồng cảm, với những mảnh đời nghèo khổ, những
đứa trẻ đói khát, những số phận gian truân. Trong thời đại của truyền thông xã
hội, thì truyền thống lá lành đùm lá rách lại càng có cơ hội lan toả dễ dàng;
bởi nó không còn là câu chuyện riêng ai.
Thế nhưng, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để bọn tội phạm
lợi dụng, “đánh” vào lòng trắc ẩn của người dân, thu về số tiền không hề nhỏ.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết,
theo quy định pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối: giả danh cơ quan tổ chức, nạn
nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; sau
đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản.
Ngoài ra, nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ
thiện, họ đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng. Song thực tế, họ
không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác, sau đó gian
dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền; hoặc toàn bộ số tiền đó, thì đây
là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 bộ
luật hình sự năm 2015, với số tiền từ 4 triệu đồng trở lên.
Không chỉ thiệt hại về tiền của, thời gian của những nhà
hảo tâm, sau những vụ việc lừa đảo, niềm tin về lòng tốt trong xã hội chẳng
những không được bồi đắp, mà còn mai một. Đó là một thực trạng đáng buồn, đáng
lên án.
Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trách nhiệm của
những vụ việc này, không chỉ dành cho đối tượng lừa đảo, mà còn từ sự cả tin,
thiếu kiểm chứng, xác thực từ các nhà hảo tâm. Do đó, để lòng tốt được trao gửi
đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương
trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có
thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa
đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử
lý.
Đằng
sau thủ đoạn “gắp lửa bỏ tay người”
Thông qua các nền tảng mạng xã hội (MXH) như YouTube,
Facebook... các thế lực thù địch đang thực hiện chiến dịch truyền thông “gắp
lửa bỏ tay người”, xuyên tạc, bôi nhọ một số tướng lĩnh, nguyên cán bộ cấp cao
trong quân đội. Mục đích chúng hướng tới là hạ bệ thần tượng, làm mất uy tín
đội ngũ cán bộ quân đội, gây chia rẽ mối quan hệ đoàn kết đồng chí, đồng đội,
phá hoại giá trị bản sắc Bộ đội Cụ Hồ.
Nhận diện thủ đoạn, hiểu rõ bản chất nham hiểm của các
thế lực thù địch để có phương pháp đấu tranh làm thất bại chiến dịch chống phá
trên không gian mạng là trách nhiệm, bổn phận của mọi cán bộ, chiến sĩ, đảng
viên và người dùng MXH yêu nước...
Thấy gì từ chiến dịch xuyên tạc trên không
gian mạng
Sau khi một số đồng chí tướng lĩnh, cán bộ cấp cao các cơ
quan, đơn vị, đặc biệt là cán bộ thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nghỉ
chờ hưu, trên các nền tảng MXH, nhất là YouTube, Facebook... liên tục xuất hiện
các bài viết, video có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ uy tín. Số lượng các
sản phẩm truyền thông độc hại này xuất hiện với tần suất lớn, lan truyền trên
MXH gây bức xúc dư luận. Nhiều người dùng MXH, nhất là đội ngũ cựu chiến binh,
cán bộ các cấp trong quân đội và cán bộ, công nhân viên chức... đã lên tiếng
đấu tranh, bác bỏ các luận điệu sai trái này ngay trong các diễn đàn trên MXH.
Với thái độ tỉnh táo, mang ý thức xây dựng, đại đa số người dùng MXH có trách
nhiệm đều hiểu rõ, những hình thức, nội dung do các thế lực thù địch thực hiện
nhắm vào hàng ngũ tướng lĩnh, nguyên cán bộ cấp cao trong quân đội, đều là
chiêu bài ngụy tạo chứng cứ, nói không thành có, bóp méo, bôi đen... Chúng đẩy
vấn đề lên thành một chiến dịch truyền thông để gây nhiễu thông tin, nhiễu loạn
môi trường tương tác trên không gian mạng, kích động, lôi kéo dư luận, hòng gây
mất ổn định chính trị và an ninh trật tự trong bối cảnh cả nước đang tập trung
nguồn lực cao nhất đẩy lùi đại dịch Covid-19... Đây là những phương thức của
chiến lược “diễn biến hòa bình”, hướng đến mục tiêu chống phá quân đội, chống
phá Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phá hoại nền tảng tư tưởng của
Đảng, gây mất niềm tin trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) và Nhân
dân.
Có thể nhận diện thủ đoạn của các thế lực thù
địch và đối tượng phản động nhắm vào hàng ngũ tướng lĩnh, nguyên cán bộ cấp cao
trong quân đội trên không gian mạng như sau:
Về hình thức, ngoài những bài viết, chúng sử dụng chủ yếu
là các video. Chúng sử dụng phần mềm chỉnh sửa, cắt cúp, gán ghép hình ảnh các
đồng chí lãnh đạo cấp cao và nguyên lãnh đạo cấp cao của quân đội làm hình ảnh
nền, sắp xếp, trình bày theo ý đồ xuyên tạc. Những cái gọi là “phóng sự truyền
hình”, thực chất chỉ là thủ thuật lấy hình ảnh, clip về hoạt động của các đồng
chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao trong quân đội đã được báo chí, truyền
thông đăng tải rồi cắt ghép, sắp xếp, làm nền cho lời bình xuyên tạc. Chiêu bài
này thực chất là kiểu ngụy tạo chứng cứ để lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin.
Điều đáng nói là những thứ rác truyền thông này lại xuất hiện, lan truyền với
tần suất khá dày trên MXH, khiến môi trường văn hóa không gian mạng bị vấy bẩn,
ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và công
chúng.
Về nội dung, những cái gọi là “tin mật”, “nguồn tin
riêng”, “nguồn tin đáng tin cậy”, “tin từ nội bộ”... mà các thế lực thù địch,
phần tử phản động rêu rao, thực chất là mớ thông tin ngụy tạo, nhảm nhí, nhằm
mục đích giật gân, câu view. Bằng thủ đoạn xảo quyệt, chúng tung tin thất thiệt
bôi nhọ đời tư, xuyên tạc tình hình vợ con, gia đình, giải quyết quan hệ đối
ngoại... của một số đồng chí tướng lĩnh, nguyên lãnh đạo cấp cao của Quân đội
ta nhằm gây nhiễu dư luận trên không gian mạng.
Bản chất phía sau những thủ đoạn chống phá
Một câu hỏi được nhiều người dùng MXH đặt ra là, tại sao
các thế lực thù địch lại thực hiện chiến dịch truyền thông chống phá nhằm vào
một số đồng chí tướng lĩnh, cán bộ cấp cao chủ chốt của quân đội vừa mới nghỉ
chờ hưu trong thời điểm này?
Không khó để trả lời cho vấn đề này. Việc ngụy tạo chứng
cứ, tung tin thất thiệt nhằm bôi nhọ, hạ bệ thần tượng, triệt hạ uy tín cá nhân
chính là chiêu bài “một mũi tên trúng nhiều đích” mà các thế lực thù địch đã
quen sử dụng lâu nay.
Trong chiến dịch chống phá lần này, đích thứ nhất chúng
hướng tới là với chiêu thức “lộng giả thành chân”, chúng muốn lèo lái dư luận
theo hướng, nội bộ lãnh đạo cấp cao của quân đội đang có “vấn đề”, mâu thuẫn,
mất đoàn kết...?! Thông qua luận điệu xảo trá, chúng xuyên tạc, kích động để
cán bộ, chiến sĩ LLVT và công chúng hiểu sai lệch về mối quan hệ giữa cán bộ
đương chức với các đồng chí đã nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu. Thời gian qua, một số
cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao của quân đội vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật
bị xử lý, truy tố. Lợi dụng vấn đề này, chúng nhân cơ hội ra sức xuyên tạc, bôi
đen tình hình nội bộ quân đội, công kích, phá hoại mối quan hệ đoàn kết đồng
chí, đồng đội, bóp méo truyền thống văn hóa Bộ đội Cụ Hồ; hạ thấp uy tín của
quân đội trong tình hình mới.
Đích thứ hai, đó là xuyên tạc, phá hoại chủ trương hiện
đại hóa quân đội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để hiện đại hóa quân
đội thành công, phải bắt đầu bằng chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực. Chọc mũi tên chống phá vào hàng ngũ tướng lĩnh, cán bộ cấp cao của quân
đội chính là chúng muốn đánh ta trên lĩnh vực tư tưởng chính trị từ trong đánh
ra, từ trên đánh xuống. Đây là chiêu bài nham hiểm của chiến lược “diễn biến
hòa bình” được các thế lực thù địch thực hiện, ngày càng diễn biến điên cuồng.
Đích thứ ba, đó là gây xói mòn lòng tin, phá vỡ mối quan
hệ đoàn kết giữa quân với dân. Trong giai đoạn đất nước tiếp tục đẩy mạnh đổi
mới, hội nhập với phương châm tự lực, tự cường, hướng tới mục tiêu xây dựng,
phát triển đất nước hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc giữ vững ổn định
chính trị đất nước là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Để giữ vững ổn định chính
trị, phải bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Các thế lực thù địch
hiểu rõ, Quân đội ta chính là thành trì vững chắc về chính trị, tư tưởng của
Đảng và nhân dân. Để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng nhắm vào trận
địa tư tưởng trong quân đội, xuyên tạc, phá hoại từ trung tâm bộ máy lãnh đạo.
Đây là chiêu bài “rút gạch chân tường” hướng đến mục tiêu làm sụp đổ hệ tư
tưởng của Đảng.
Đích thứ tư, mang tính thời sự, đó là gây rối ren về
chính trị, tư tưởng trong cán bộ, chiến sĩ LLVT, làm suy yếu lực lượng trên
tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, lôi kéo, xúi giục nhân dân phủ nhận vai
trò của quân đội. Phá hoại trận địa tư tưởng trong quân đội cũng chính là cách
các thế lực thù địch hướng tới nhằm cản trở quá trình triển khai, thực hiện
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
ta.
Lấy xây để chống, không bàng quan, vô cảm
Đằng sau chiêu bài “gắp lửa bỏ tay người” nêu trên là cả
một hệ thống phương thức, thủ đoạn nằm trong chiến dịch truyền thông chống phá
trên không gian mạng, được các thế lực thù địch móc nối, cấu kết với các phần
tử cơ hội, bất mãn, phản động chuẩn bị công phu, lên kế hoạch thực hiện bài
bản. Bởi vậy, trước những sản phẩm truyền thông xấu độc trên không gian mạng,
người dùng MXH, nhất là cán bộ, đảng viên, công dân yêu nước cần giữ thái độ
bình tĩnh, không hoang mang, dao động. Chúng ta tuyệt đối không bàng quan, vô
cảm trước sự tấn công của các loại thông tin xấu độc, nhưng cũng cần tránh phản
ứng thái quá kiểu đôi co, cãi vã, chửi bới phản cảm. Bởi, đôi co, chửi bới trên
MXH cũng là cách gián tiếp giúp các đối tượng chống phá đánh bóng tên tuổi,
tăng lượt view, like cho các sản phẩm truyền thông độc hại của chúng. Với không
ít đối tượng, đây là cách kiếm tiền bất chấp đạo lý.
Cách tốt nhất để bài trừ thông tin xấu độc là nhất quán
quan điểm lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Khi Quân đội ta là một
khối thống nhất cao về tư tưởng, vững mạnh từ mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, từ
mỗi cán bộ, chiến sĩ, thì không một thế lực nào có thể phá vỡ được sức mạnh đoàn
kết, thống nhất được hun đúc từ truyền thống vẻ vang Bộ đội Cụ Hồ.
Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong LLVT, các cấp
hội cựu chiến binh, các tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị các cấp... cần
thường xuyên, liên tục giáo dục, nhắc nhở, nâng cao ý thức và văn hóa dùng MXH
cho cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh, đảng viên, công nhân viên chức, đoàn
viên, thanh niên, sinh viên, học sinh... Để có biện pháp đấu tranh phù hợp, cán
bộ chức năng các cấp cần phân tích, quy nạp các nội dung, phương thức, thủ đoạn
chống phá của các thế lực thù địch thành các vấn đề, thông qua các hình thức
tuyên truyền giúp cán bộ, chiến sĩ và công chúng nhận rõ bản chất, thủ đoạn
chống phá của các thế lực thù địch. Đó cũng là biện pháp giúp người dùng MXH có
trách nhiệm, nâng cao ý thức cảnh giác, nâng cao khả năng miễn nhiễm trước sự
xâm nhập, tấn công của các thông tin xấu độc, sai trái, chặn đứng mọi âm mưu,
thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
“Gắp lửa bỏ tay người” là thành ngữ, cách nói ẩn dụ để
lên án những kẻ có hành vi đặt điều, vu khống, gieo tai vạ cho người khác một
cách đê tiện, độc ác, bất chấp đạo lý. Từ xa xưa, ông bà ta đã răn dạy con
cháu, đặt điều, vu oan giá họa là một loại trọng tội, trời không dung, đất
không tha. Thấu hiểu như thế để người dùng MXH tự nâng cao ý thức, đừng ai tỏ
thái độ a dua, tán dương, hùa theo những thứ rác rưởi, độc hại, phản văn hóa
trên không gian mạng.../.
Tất cả những kẻ coi thường pháp luật như thế này phải bị pháp luật trừng trị thật nghiêm khắc
Trả lờiXóa