Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

 

Sự phi lý của luận điểm “Phi chính trị hoá” quân đội

 

Để nhằm chống phá và đi đến xoá bỏ các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), từ giữa thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch đã dùng chiến lược “diễn biến hoà bình”. Chiến lược “diễn biến hoà bình” được tiến hành trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, chính trị tư tưởng, văn hoá; tấn công vào nhiều lực lượng, tổ chức chính trị-xã hội, trong đó quân đội được xác định là đối tượng trọng điểm. Chúng biết rất rõ rằng, quân đội là lực lượng nòng cốt của Đảng và Nhà nước ta, là lực lượng chuyên chính vô sản bảo vệ thành quả cách mạng, do đó nếu làm suy yếu quân đội, chúng sẽ có cơ hội để chuyển hóa Việt Nam đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Thực hiện “diễn biến hoà bình” đối với quân đội các nước XHCN, chúng thực hiện âm mưu, sự phi lý về “phi chính trị hóa quân đội”.  

Theo họ, lực lượng vũ trang không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam mà phải “trung lập về chính trị”, “phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị nào. Họ đòi quân đội phải “trung lập về chính trị”, tức là không tham gia hoạt động chính trị và khi biến động xảy ra thì quân đội hãy “đứng ngoài cuộc”, không đứng về phe nào. Họ ra sức bôi nhọ, nói xấu, đòi xóa bỏ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Đồng thời, họ dựng chuyện, bóp méo các sự kiện lịch sử có quân đội tham gia, thổi phồng khuyết điểm của một vài đơn vị quân đội và một bộ phận quân nhân trong quá trình làm nhiệm vụ; hạ thấp uy tín của lãnh đạo quân đội qua các thời kỳ; tuyên truyền xuyên tạc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta đối với quân đội trong một số sự kiện; lợi dụng sự bất mãn của một số cán bộ quân đội, trong đó có một số cán bộ cấp cao để tuyên truyền xuyên tạc nói xấu Đảng hòng làm cho quân đội mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội trong xã hội... từ đó mà vô hiệu hóa vai trò của quân đội trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng.

Thực chất của quan điểm “phi chính trị hóa quân đội”tước bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, vô hiệu hóa quân đội, làm cho quân đội ta đứng ngoài chính trị, mất phương hướng chính trị và mục tiêu, lí tưởng chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp công nhân, dẫn đến suy yếu về chính trị, tiến tới quân đội “tự diễn biến” và bị “vô hiệu hóa”. Từ đó đi đến thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội ta. Đây là những thủ đoạn rất tinh vi và thâm độc, nhưng không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn và chỉ có thể đánh lừa được những người nhẹ dạ, cả tin.

Cần khẳng định rằng, trên thế giới không có một quân đội của một quốc gia nào “trung lập về chính trị” hay “đứng ngoài chính trị” vì quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của chính quyền. Từ mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị. Chiến tranh bao giờ cũng là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn khác, thủ đoạn bạo lực. Lênin khẳng định: “chiến tranh chỉ là sự tiếp tục của chính trị bằng những biện pháp khác (cụ thể là bằng bạo lực). Đó là công thức của Clau-de-vi-txơ, một trong những cây viết vĩ đại về lịch sử chiến tranh; những tư tưởng của ông đã được Hê-ghen làm cho phong phú thêm. Và quan niệm của Mác và Ăng-ghen luôn luôn cũng chính là như vậy, các ông coi bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng đều là sự tiếp tục của chính trị của một số cường quốc hữu quan nào đó và của các giai cấp khác nhau trong nội bộ những cường quốc đó-trong một thời gian nhất định”

Quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp. Quân đội là một thành phần của nhà nước, là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước để bảo vệ thành quả mà lực lượng chính trị cầm quyền có được qua các cuộc đấu tranh giành quyền lực. Quân đội mang bản chất của giai cấp tổ chức xây dựng, giáo dục, rèn luyện và sử dụng nó. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội là phục vụ cho mục tiêu, lý tưởng của giai cấp đã tổ chức ra nó. V.I. Lê-nin đã khẳng định: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản…”.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, được Đảng ta và Bác Hồ kính yêu sáng lập và rèn luyện để giành và giữ chính quyền cách mạng, nên quân đội ta là một lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước. Quân đội ta là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Hơn 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Điều đó được thể hiện trước hết ở sự thống nhất về mục tiêu chiến đấu của Quân đội với mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

 -NVN-

 

1 nhận xét:

  1. Trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần bình tĩnh xem xét và xử lý thông tin chuẩn xác, tránh mắc mưu của chúng.

    Trả lờiXóa