NHẬN DIỆN
ĐÚNG BẢN CHẤT CHỐNG PHÁ ĐẢNG TA
CỦA CÁC THẾ LỰC PHẢN ĐỘNG HIỆN NAY
Trần Trung
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt
Nam thành công tốt đẹp, các thế lực thù địch càng tăng cường các hoạt động chống
phá, tung ra luận điệu xuyên tạc, sai trái nhằm làm suy giảm niềm tin, phá hoại
Đảng, Nhà nước ta. Gần
đây, các thế lực thù địch tung ra nhiều bài viết, video clip với lập luận,
tuyên truyền, cổ vũ cho việc từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin hòng làm lung lay, phủ
nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng. Để phủ định học thuyết Mác-Lênin,
trên đài BBC, RFA, VOA, các trang phản động, mạng xã hội Facebook, YouTube… đăng
tải các nội dung, cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là phản dân chủ, việc kiên
trì chủ nghĩa Mác - Lênin là một sai lầm từ lý luận đến thực tiễn!
Thực chất, chúng lợi dụng mọi phương
tiện nhằm thúc đẩy Việt Nam đi theo hướng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập,
xây dựng nhà nước dựa trên nền tảng “xã hội dân sự”. Thủ đoạn của chúng đa
dạng, biến đổi liên tục để thích ứng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, tình huống cụ
thể. Ví dụ, lợi dụng những hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong đời sống xã hội
như sự cố môi trường biển miền Trung, tình hình phức tạp trên Biển Đông, một số
dự án chậm tiến độ, sự việc Đồng Tâm, vụ án hình sự Hồ Duy Hải…, họ xuyên tạc
vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quy kết “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo
tạo khủng hoảng toàn diện”, “đất nước lâm nguy”, “tình thế hiểm nghèo”, dẫn đến
“sự thất bại nghiêm trọng xây dựng CNXH, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước”… Từ đó dùng các lời lẽ “khẩn thiết”, “thiết tha” kiến nghị,
rằng: Chừng nào ở Việt Nam chỉ có độc tài, độc đảng lãnh đạo thì chừng đó không
thể nói tới một nền dân chủ chân chính được; ở Việt Nam muốn phát triển, muốn
có dân chủ thực sự thì phải hội nhập vào xu thế đa đảng, dân chủ như nước
ngoài! Xét về bản chất, đây là những quan điểm sai trái, phi lịch sử, phản khoa
học với mục đích mà họ hướng tới: Hướng lái đất nước đi theo con đường tư bản
chủ nghĩa.
Trên thực tế, mục tiêu, con đường
cách mạng vô sản, thể chế chính trị là sự lựa chọn của lịch sử, dân tộc và nhân
dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng là bài học xuyên suốt chiều dài lịch sử, là nhân
tố tổ chức và quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong quá trình
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là bài học lịch sử được đúc kết từ thực tiễn
cách mạng dân tộc. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là giá
trị phổ quát của nhân loại, đồng thời không phải là thực tế hiện hữu trong tất
cả mọi thời kỳ của một quốc gia dân tộc. Nó có thể đúng và phù hợp với quốc gia
– dân tộc này, nhưng cũng có thể không đúng và không phù hợp với quốc gia – dân
tộc khác. Ở Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ
thống chính trị và toàn thể dân tộc là tất yếu, khách quan, là duy nhất, đồng
thời cũng là sự tin tưởng, mong đợi của toàn dân.
Chúng ta phải nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.
Trả lờiXóa