Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

 

KIÊN QUYẾT KHÔNG ĐỂ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH PHÁ HOẠI CUỘC BẦU CỬ CÁC CẤP CỦA NƯỚC TA HIỆN NAY

                                                     Trường Giang

Ngày 23/5/2021 sẽ diễn ra một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mong chờ, đó là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Bất chấp ý nghĩa tốt đẹp về bầu cử đã được hiến định, quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, thời gian qua, trên mạng xã hội, một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước đã phát động phong trào “không biết không bầu”. Chúng lập luận theo kiểu: Đã từng thấy người nào diễn thuyết, kêu gọi bỏ phiếu cho họ chưa? Ai là người đại diện cho quyền, lợi ích của bạn? Đã có đại biểu Quốc hội nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bạn chưa...? Nếu ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội có đề án nhưng không diễn thuyết thì không thể đại diện cho cử tri và thống nhất là không bầu!

Trước thủ đoạn nham hiểm này, cần phải nhận thức rõ một số vấn đề sau:

Một là, cần phải thấy rằng, việc kêu gọi “không biết không bầu” là rất thâm hiểm. Nó không chỉ cổ vũ cho chủ nghĩa tự do tùy tiện và chủ nghĩa dân túy vốn đang là ác mộng của nhiều nước trên thế giới.

Hai là, Việt Nam luôn kiên định, quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mọi quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, bảo đảm sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Đó là nhà nước mà ở đó quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, hoạt động trên cơ sở tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là biểu hiện cụ thể, cao nhất của việc xây dựng bộ máy lãnh đạo, lập pháp, hành pháp và tư pháp đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Thứ ba, tại Điều 2, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đã quy định về “tuổi bầu cử và tuổi ứng cử”. Theo đó: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”. Từ đó, khẳng định: tham gia đi bỏ phiếu để bầu cử Đại biểu Quốc hội và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên.

Thứ tư, cái gọi là “không biết không bầu” là một cái cớ để các thế lực thù địch và những người bất đồng chính kiến có dịp phản bác lại sự ổn định chính trị, ổn định xã hội ở Việt Nam. So sánh khập khiễng giữa Việt Nam với các nước Tư bản chủ nghĩa, hòng âm mưu phá hoại cuộc bầu cử của Việt Nam.

Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những chiêu bài phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Mỗi cử tri cần cẩn trọng khi tiếp xúc với mạng xã hội, không chia sẻ, bình luận những thông tin từ những tài khoản chứa đựng những nội dung có dụng ý xấu. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh với những kẻ cơ hội, vạch rõ âm mưu xấu bẩn của chúng.

Mỗi cán bộ, đảng viên cũng đồng thời là một chiến sĩ dân vận, trước tiên vận động người thân trong gia đình và các cử tri làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm cử tri trong ngày hội lớn của đất nước.

 

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải tích cực đấu tranh vạch trần bộ mặt nhơ bẩn của bọn phản động thông qua các bình luận ở các tài khoản của bọn chúng.

    Trả lờiXóa