Chính phủ mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ khi
quy mô nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia.
Chỉ vài ngày nữa, Chính phủ mới sẽ ra mắt
dân chúng. Ở bối cảnh kinh tế hậu Covid, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế đứng
thứ tư trong khối ASEAN.
Tháng tư năm 2009, tôi và một số trí thức
Việt Nam được Đại sứ quán Singapore mời giao lưu và đối thoại với Bộ trưởng, Cố
vấn cao cấp Lý Quang Diệu khi ông sang thăm Việt Nam.
Cuộc gặp diễn ra tại khách sạn Sofitel
Plaza, Hà Nội - một cuộc đối thoại thú vị, đầy thách thức về mặt trí tuệ.
Ông Lý Quang Diệu đã nêu vấn đề rất thẳng,
đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời. Ông cho rằng Việt Nam đang đối mặt với
những thách thức vô cùng to lớn. Nếu không vượt qua được, ước vọng hóa hổ, hóa
rồng sẽ chỉ xa vời.
Một số trong những thách thức là chất lượng
thể chế và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cũng chính ông Lý Quang Diệu đã khẳng định
trong cuốn sách "Bí quyết hóa rồng" của mình rằng: "Nếu có vị
trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị,
tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực".
Dường như dự báo của nhà lãnh đạo
Singapore về vị trí số một của Việt Nam đang có khả năng thành hiện thực. Mặc
dù vậy, những thách thức cũng do chính vị thủ tướng lừng danh nêu ra cách đây
hơn mười năm gần như vẫn còn đó.
Dù xét về quy mô, nền kinh tế nước ta đã
vượt qua Singapore, song xét về thu nhập bình quân đầu người, chúng ta vẫn tụt
lại rất xa. Nếu thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 3.521
USD, thì của Singapore là 58.000 USD, gấp hơn 16 lần. Singapore đã là nước phát
triển thuộc thế giới thứ nhất, Việt Nam vẫn chỉ là nước đang phát triển thuộc
thế giới thứ ba.
Chính vì vậy, kỳ vọng lớn nhất đối với
Chính phủ mới là sự đột phá trong lĩnh vực thể chế và nhân lực. Đây cũng là hai
trong số ba đột phá chiến lược mà Đảng đã đề ra hàng chục năm nay.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn
mạnh "hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển
nền kinh tế". Thể chế phát triển kinh tế của Việt Nam phải chăng là nhà nước
kiến tạo trong khung khái niệm của mô hình Đông Bắc Á.
Đây là mô hình đã tạo ra sự phát triển
kinh tế thần kỳ cho tất cả các nước có nền tảng văn hóa Đông Bắc Á - tôi vẫn gọi
là các quốc gia dùng đũa. Đặc điểm cơ bản của mô hình này là coi trọng vai trò
của nhà nước trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa và dẫn dắt kinh tế đi lên. Mô
hình này có lẽ phù hợp nhất với nền tảng thể chế và văn hóa của nước ta trong
giai đoạn hiện nay.
Thực ra, đây cũng là mô hình mà các
chuyên gia và giáo sư của Đại học Harvard trong hai báo cáo "Theo hướng rồng
bay" và "Lựa chọn thành công" đã khuyến nghị Việt Nam nên cân nhắc
lựa chọn. Hy vọng, Chính phủ mới sẽ chuyển đổi sang mô hình nhà nước kiến tạo
phát triển nhanh chóng và nhất quán.
Hoa Cải
hy vọng một tương lai tươi sáng hơn nữa
Trả lờiXóa