BẢN CHẤT NỀN KINH TẾ
THỊ TRƯỜNG
ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA Ở VIỆT NAM
Tiến công
Cho đến nay, nhân loại mới chỉ biết đến nền kinh tế
thị trường tư bản chủ nghĩa như là nền kinh tế phát triển ở trình độ cao. Nhân
loại chưa biết đến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi vì ở
nơi mà chủ nghĩa xã hội hiện thực đã ra đời thì lại không phát triển thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa; còn ở nơi phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN thì CNXH chưa phát triển hoàn chỉnh.
Kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước
ta. Đây là một điểm đột phá lý luận, một mô hình thực tiễn đang trong quá trình
thử nghiệm, là sự phủ định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tập trung, quan
liêu, bao cấp. Đương nhiên, đó không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ
nghĩa, tuy rằng nó có thể học hỏi nhiều điều từ nền kinh tế thị trường tư bản
chủ nghĩa hiện đại. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có bản
chất kinh tế khác với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Bản chất đó được
quy định bởi các quan hệ kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam.
Bàn về bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chính là bàn về bản chất của những thành phần kinh
tế của nền kinh tế quốc dân trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam. Nhưng thành phần
kinh tế đó tạo thành cơ sở kinh tế của định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh
tế thị trường ở Việt Nam. Ở đây, có một câu hỏi đặt ra: Phải chăng định hướng
chính trị quy định bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa? Vấn đề mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị của cách mạng Việt Nam
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là vấn đề không đơn giản chút nào. Chắc
chắn rằng, trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, chính trị phải đóng vai trò hàng đầu
và chi phối toàn bộ sự phát triển của đất nước, kể cả sự phát triển kinh tế.
Con đường chính trị xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan của cách mạng Việt
Nam trong thời đại cả loài người vẫn tiếp tục vượt qua chủ nghĩa tư bản, đi lên
chủ nghĩa xã hội theo cách này hay cách khác, cho dù trước mắt còn gặp vô vàn
khó khăn. Tuy nhiên, định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường
trong thời kỳ quá độ ở nước ta không phải chỉ do định hướng chính trị chi phối,
mà còn được chi phối bởi cơ sở kinh tế bên trong, được bảo đảm bởi một kết cấu
kinh tế mà trong quá trình vận động, tự nó có xu hướng xã hội chủ nghĩa, và do
đó, nó làm cho các nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh lên.
Nói KTTT định hướng XHCN thì trước
hết đó không phải kinh tế kế hoạch hóa tập trung, cũng không phải là kinh tế thị
trường TBCN và cũng chưa hoàn toàn là KTTT XHCN, vì chưa có đầy đủ các yếu tố
xã hội chủ nghĩa. Tính "định hướng xã hội chủ nghĩa" làm cho mô hình
kinh tế thị trường ở nước ta khác với kinh tế thị trường TBCN.
Một là, về mục đích
phát triển: Nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh” giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất và không ngừng
nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người
vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá
giả hơn.
Mục tiêu trên thể hiện rõ mục đích phát triển kinh
tế vì con người, giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để nâng cao
đời sống cho mọi người, mọi người đều được hưởng những thành quả phát triển. Ở
đây thể hiện sự khác biệt với mục đích tất cả vì lợi nhuận phục vụ lợi ích của
các nhà tư bản, bảo vệ và phát triển CNTB.
Hai là, về phương hướng phát triển: Phát triển nền
kinh tế với nhiều hình thức sở hữu (toàn dân, tập thể và tư nhân...) nhiều
thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế
tư bản nhà nước, kinh tế có vố đầu tư nước ngoài), nhằm giải phóng mọi tiềm
năng trong mọi thành phần kinh tế, trong mỗi cá nhân và mọi vùng miền… Phát huy
tối đa nội lực để phát triển nhanh nền kinh tế.
Trong nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế Nhà nước
giữ vai trò chủ đạo, là công cụ chủ yếu để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, định
hướng cho sự phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.
Để giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước phải nắm được
các vị trí then chốt của nền kinh tế bằng trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến,
hiệu quả sản xuất kinh doanh cao chứ không phải dựa vào bao cấp, cơ chế xin -
cho hay độc quyền kinh doanh. Mặt khác, tiến lên chủ nghĩa xã hội đặt ra yêu cầu
nền kinh tế phải được dựa trên nền tảng của sở hữu toàn dân về các tư liệu sản
xuất chủ yếu.
Ba là, về định hướng
xã hội và phân phối: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng
bước và từng chính sách phát triển, tăng trưởng kinh tế gắn kết chặt chẽ và đồng
bộ với phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục và đào tạo, giải quyết tốt các vấn
đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Hạn chế tác động tiêu cực của kinh
tế thị trường.
Tính
định hướng XHCN được thể hiện qua chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động,
hiệu quả kinh tế, hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Đồng thời để huy động
mọi nguồn lực kinh tế cho sự phát triển chúng ta còn thực hiện phân phối theo mức
đóng góp vốn và các nguồn lực khác.
Bốn là, về quản lý: Phát huy vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, bảo
đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự
lãnh đạo của Đảng.
Tiêu
chí này thể hiện sự khác biệt cơ bản giữa kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy mặt tích cực, hạn
chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, bảo đảm quyền lợi chính đáng của mọi
người.
bài viết rất thực chất
Trả lờiXóa