“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh
được trích trong “Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội nhà báo Việt
Nam”, ngày 08 tháng 9 năm 1962, được đăng trên Báo Nhân dân, số 3089, ra ngày
09 tháng 9 năm 1962.
Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo
Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cách mạng nước ta đang trên đà phát triển; miền
Bắc đang tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ
nhất (1961-1965). Trong sự nghiệp cách mạng đó, báo chí giữ một vai trò quan
trọng, góp phần không nhỏ vào những thắng lợi của nhân dân ta. Tới dự và phát
biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý kiến chỉ đạo sâu sắc, định hướng cho sự phát
triển của báo chí cách mạng trong thời kỳ này. Câu nói của Bác khẳng định vai
trò của tiếng nói, là một tài sản quý báu của dân tộc, không chỉ những người
làm công tác báo chí, mà mỗi người chúng ta đều phải có ý thức giữ gìn, phát
huy những giá trị to lớn của tiếng Việt trong sự nghiệp cách mạng. Lời Bác dạy
năm xưa đến nay vẫn có giá trị, ý nghĩa sâu sắc, có tác dụng định hướng trong
việc sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng, chuẩn xác và phải có ý thức bảo vệ sự trong
sáng của tiếng Việt, làm cho nó lan tỏa, góp phần quan trọng đối với sự phát
triển của nền văn hóa mới trong xu thế hội nhập và phát triển.
Hiện nay, quá trình hội nhập và sự giao
lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến việc sử dụng ngôn ngữ,
tiếng nói. Bên cạnh những tác động tích cực, tình trạng sử dụng tiếng Việt chưa
chuẩn xác, thậm chí kết hợp với các từ ngữ nước ngoài diễn ra phổ biến. Bên
cạnh đó, sự du nhập của nhiều yếu tố ngoại lai, việc sử dụng ngôn ngữ tự sáng
tác trên mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ hoặc như ý tưởng đề xuất thay thế
tiếng Việt đang sử dụng thành bản tiếng Việt mới nhưng thiếu thực tế của một
vài cá nhân đã xâm hại một cách nghiêm trọng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Để giữ gìn tài sản quý báu của dân tộc không bị mai một, mỗi người chúng ta
phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và làm phong phú hơn vốn
ngôn ngữ của mình, cả trong văn nói và văn viết. Không ngừng trau dồi, nâng cao
trình độ sử dụng ngôn từ thuần Việt, trước hết là sử dụng chính xác, hạn chế
việc dùng tiếng nước ngoài khi không cần thiết. Đặc biệt cần phải kiên quyết
loại bỏ việc pha trộn bừa bãi giữa tiếng Việt với tiếng nước ngoài, sử dụng các
từ ngữ méo mó, biến dạng, làm mất đi giá trị vốn có của ngôn ngữ dân tộc.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ
phải luôn có ý thức tự học, nâng cao trình độ nói và viết sao cho chặt chẽ,
logic, tránh dùng những từ đa nghĩa, khó hiểu. Có như vậy, mới hạn chế được
những sai sót, góp phần bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
B316
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét