Lợi dụng tình hình dư luận xã hội đang bức xúc về tệ nạn tham nhũng và công tác quản lý kinh tế; công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng của Đảng còn những mặt hạn chế, khuyết điểm, một số người đã tung ra luận điểm: “Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”.
Nhưng
sự thật từ hiệu quả và sự chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống “giặc nội
xâm” ở Việt Nam thời gian qua, điển hình là vụ án AVG cùng nhiều vụ án trọng
điểm do Trung ương chỉ đạo vừa qua là dẫn chứng sinh động bác bỏ luận điệu sai
trái đó.
Tham
nhũng không phải là “căn bệnh kinh niên" của chế độ một đảng lãnh đạo
Họ cho rằng: Tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ
độc đảng cầm quyền vì “Đảng vừa đá bóng, vừa thổi còi”; vì xã hội thiếu dân chủ
nên không thể chống tham nhũng thành công; đã nhiều lần phát động chống tham
nhũng, nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng... Từ đó, họ kết
luận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Đảng Cộng sản Việt Nam
không thể thành công.
Cần phải khẳng định rằng, những luận điệu trên không có cơ
sở khoa học và hoàn toàn sai lầm về mặt lý luận và thực tiễn. Lịch sử Việt Nam
và thế giới cho thấy, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào muốn tồn tại, phát triển đều
phải có chính đảng của mình hoặc phải chọn lấy chính đảng thích hợp với mình.
Sự lựa chọn ấy chỉ được coi là đúng đắn, khi một mặt phải bắt nguồn sâu xa từ thực
tiễn đất nước, từ truyền thống của dân tộc, từ ước vọng tha thiết của nhân dân;
mặt khác, phải phù hợp với quy luật phát triển khách quan của xã hội, với xu
thế vận động tất yếu của nhân loại tiến bộ. Theo đó, rõ ràng tệ tham nhũng
không phải là những hiện tượng phản ảnh bản chất của chế độ. Nó cũng không phải
là những căn bệnh nảy sinh do chế độ một đảng lãnh đạo dẫn đến mất dân chủ như
một số người vẫn thường rêu rao.
Quốc
gia dân tộc nào cũng vậy, trong từng thời điểm đều do một đảng cầm quyền. Khi đảng
nào cầm quyền thì người đứng đầu và các chức vụ quan trọng của chính quyền nhà
nước đều là người của đảng đó; đường lối, chủ trương của đảng cầm quyền sẽ chi
phối đường lối, chính sách của quốc gia. Dù là chế độ một đảng cầm quyền hay đa
đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng, suy thoái vẫn xảy ra, kể cả các
nước phát triển có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh
tế, xã hội cao.
Đảng
Cộng sản Việt Nam, từ khi ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền,
cán bộ, đảng viên của Đảng tuyệt đại đa số đều là những nhà cách mạng tự nguyện
từ bỏ lợi ích bản thân, xả thân chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của
Đảng, của dân tộc. Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt của các nhà lãnh đạo, các
cán bộ, đảng viên, mãi mãi lưu danh trong lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Tuy nhiên, ngay từ đó, trong cuộc đấu tranh một sống, một chết dưới ách thống
trị tàn bạo của chính quyền thực dân phong kiến, cũng đã có những người không
chịu nổi thử thách gian nguy, tự rời bỏ hàng ngũ cách mạng, thậm chí đầu hàng
địch, phản bội cách mạng. Những người thiếu kiên trung với cách mạng, có biểu
hiện dao động, cầu an, Đảng đã thải loại họ. Nhưng đó chỉ là những trường hợp
hết sức cá biệt. Đảng không vì thế mà yếu đi. Đảng càng trong sạch và ngày càng
phát triển vững mạnh, được các tầng lớp nhân dân tin tưởng, tôn vinh vai trò
lãnh đạo và tình nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.
Ở
Việt Nam, thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã xuất hiện và phủ định
đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như một tất yếu khách quan. Năm 1945, Đảng
Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo
nhân dân đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, thiết lập nên Nhà nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên hết, nên
trong những ngày đầu gìn giữ chính quyền và độc lập dân tộc, Đảng đã tuyên bố
tự giải tán, mở rộng Chính phủ dân tộc với sự tham gia của nhiều đảng phái đối
lập, như: Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng); Việt Cách (Việt Nam Cách mạng
Đồng minh hội)… Nhưng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, các tổ chức đảng
phái hoặc phản động “bán nước, cầu vinh”, hoặc không đưa ra được đường lối đúng
đắn, không vì lợi ích của quốc gia, dân tộc nên lần lượt bị chính nhân dân loại
bỏ. Khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng
cuốn gói chạy theo. Được sự tiếp tay của đế quốc Mỹ, nhiều đảng phái đã được
chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thành lập ở miền Nam Việt Nam. Song, do mục
đích chính trị của những đảng phái này là phá hoại tổng tuyển cử, thống nhất
nước nhà, đi ngược lại lợi ích của nhân dân lao động nên nhân dân Việt Nam đã
đoàn kết đấu tranh loại bỏ những đảng phái chính trị đó. Cũng có một thời kỳ
khá dài, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam đã tồn tại hai đảng khác là Đảng Dân
chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng này chưa bao giờ
đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đều ủng hộ, thừa nhận vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam và sau này hoàn toàn tự nguyện giải tán.
Có
một thực tế, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN), biết bao cán bộ, đảng viên ngày đêm ở nơi xa xôi
biển đảo, biên cương canh giữ chủ quyền đất nước; nhiều cán bộ, đảng viên dũng
cảm chiến đấu trên mặt trận thầm lặng, giữ gìn an ninh chính trị và cuộc sống
yên bình cho nhân dân; những cán bộ, đảng viên trực tiếp sản xuất vất vả trong
nhà máy, trên đồng ruộng; những cán bộ, đảng viên lao động trí óc ngày đêm miệt
mài nghiên cứu, sáng tạo... đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung, không tính
toán thiệt hơn, không đòi hỏi sự ưu ái cho riêng mình.
Chống
tham nhũng-quyết liệt, kiên trì và hiệu quả
Thời
gian qua, công tác đấu tranh PCTN, suy thoái ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam đạt những kết quả bước đầu quan trọng cả trong nhận
thức và hành động. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế quản lý kinh tế-xã hội
và PCTN tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tương đối
đồng bộ, toàn diện. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ
thị về công tác đấu tranh PCTN; đồng thời Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa
nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần
đấu tranh đẩy lùi tình trạng tham nhũng, suy thoái. Công tác thông tin, tuyên
truyền, giáo dục về PCTN được quan tâm, vai trò của báo chí
trong PCTN bước đầu được phát huy, tạo sự chuyển biến về nhận thức và
hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Vai trò,
trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng
đầu cơ quan, đơn vị trong PCTN được nâng lên.
Việc
xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán
bộ để PCTN được quan tâm. Cải cách hành chính công khai, minh bạch
trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung lãnh đạo, chỉ
đạo và đạt những kết quả tích cực. Việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ,
đảng viên đã được coi trọng thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện,
xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, suy thoái được đẩy mạnh, tạo chuyển
biến rõ nét. Tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách
về PCTN từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu quả.
Nhiều
vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhất là những vụ
án nghiêm trọng được Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo điều tra,
truy tố, xét xử nghiêm minh; bước đầu khắc phục tình trạng án treo về tội phạm
tham nhũng; từng bước chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Tính từ
đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, với 11 hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng
đã diễn ra, trong đó có đến 5 Hội nghị Trung ương (6, 7, 8, 9 và 11) có nội
dung xử lý, kỷ luật cán bộ sai phạm, gần 60.000 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý
kỷ luật. Trong số 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ
luật có cả Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung
ương Đảng; nguyên Phó thủ tướng; bộ trưởng và nguyên bộ trưởng; bí thư tỉnh ủy;
nguyên bí thư tỉnh ủy...
“Nhổ
cỏ”-cuộc chiến lâu dài
Đảng
Cộng sản Việt Nam, một chính đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã và
đang không ngừng xây dựng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên
thực tế trong nền chính trị nhất nguyên. Nền chính trị nhất nguyên ở Việt Nam
là do nhân dân Việt Nam lựa chọn từ chính thực tiễn đấu tranh giải phóng dân
tộc và sự nghiệp xây dựng CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng
ở Việt Nam đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể
nhân dân lao động Việt Nam. Đó là độc lập, tự do cho dân tộc; là quyền tự quyết
dân tộc, quyền bình đẳng với mọi quốc gia khác trong việc lựa chọn con đường
phát triển của mình; là quyền tự do lập hiến và lập pháp, lựa chọn và xây dựng
Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; là quyền bình
đẳng giữa các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo
pháp luật, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội; là sự tiến
bộ trong giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu vì sự
tiến bộ và phát triển toàn diện của con người… Những thành tựu không thể phủ
nhận đó đã khẳng định và ngày càng củng cố vững chắc hơn vai trò lãnh đạo của
Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Như
thế, luận chứng vì xã hội Việt Nam thiếu dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam độc
tôn lãnh đạo nên không thể chống tham nhũng thành công là thiếu căn cứ, không
thuyết phục. Cần có cách đánh giá khách quan cả mặt làm được và mặt chưa làm
được của cuộc đấu tranh chống tham nhũng những năm vừa qua, kể từ Nghị quyết
Trung ương 4, khóa XI đến nay. Rõ ràng, mấy năm gần đây, tệ nạn tham nhũng chưa
bị đẩy lùi, nhưng đã ngăn chặn được sự lây lan. Điều đó nói lên, cuộc đấu
tranh PCTN vừa qua tuy chuyển biến chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu
đề ra, nhưng đã có kết quả buớc đầu. Đó là điều không thể phủ nhận. Viện dẫn
một luận chứng không đúng sự thật để kết luận rằng, cuộc đấu
tranh PCTN hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện đảng
cầm quyền, độc tôn lãnh đạo cách mạng Việt Nam không thể thành công là điều phi
lý.
Cũng
cần khách quan khẳng định rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng
sản Việt Nam cũng có lúc phạm phải sai lầm, khuyết điểm; nhưng với bản chất của
một đảng chân chính, một đảng cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo
dục và rèn luyện, Đảng đã sớm nhận ra khuyết điểm và chủ động đưa ra các chủ
trương, giải pháp khắc phục hiệu quả. Hiện nay, trong đấu tranh PCTN, Nghị
quyết Trung ương 4, khóa XII đã nhận diện rất cụ thể những biểu hiện suy thoái,
xác định mục tiêu, quan điểm, các nhóm giải pháp và việc tổ chức thực hiện. Qua
đó thể hiện Đảng xác định quyết tâm chính trị, cả xã hội có sự chuyển mình, cả
hệ thống chính trị cùng toàn dân, toàn quân quyết tâm vào cuộc đấu
tranh PCTN.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Còn những
việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu có nấu cơm
cũng 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ, người
tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ thì cũng vài
ba giờ mới xong”(1). Theo đó, cuộc đấu tranh PCTN của Đảng Cộng sản
Việt Nam cũng như việc “nhổ cỏ” đòi hỏi phải có thời gian, không thể một sớm,
một chiều có thể khắc phục triệt để tệ tham nhũng. Với quyết tâm chính trị cao
của Đảng và hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng, đoàn kết, đồng thuận của
nhân dân, cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí dù còn nhiều khó khăn, vất vả,
nhưng chúng ta tin rằng sự nghiệp ấy sẽ ngày càng thành công!
- N V T -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét