Gần đây, trên mạng xã hội, xuất hiện bài viết: Chúng ta còn chấp nhận bị bắt bớ vì “Bôi nhọ lãnh đạo” đến bao giờ? Nội dung bài viết này là dựa vào quyền tự do ngôn luận để đả kích, xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về phát triển, quản lý báo chí, vu cáo chính quyền trấn áp các nhà báo độc lập, có chính kiến riêng, khác với quan điểm của lãnh đạo, bênh vực một số Blogger đã và đang bị truy tố, xét xử vì hành vi vi phạm pháp luật.
Thủ đoạn của các phần tử thù địch mượn chiêu bài tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội của Việt Nam tuy không mới nhưng rất nguy hiểm, thâm độc. Lợi dụng mạng xã hội để tạo ra làn sóng thông tin phản diện, hạn chế thông tin chính thống. Sự nguy hại của chiêu bài tự do báo chí, tự do ngôn luận là làm cho một bộ phận nhân dân, nhà báo, văn nghệ sĩ hiểu không đầy đủ, không đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phát triển và quản lý báo chí. Sự phản đối ồn ào của các phần tử thù địch về bắt nhà báo này, trấn áp nhà báo kia khi họ có chính kiến riêng không đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của các nhà báo và của đọc giả trong và ngoài nước. Cái gọi là “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, “nhà báo độc lập” chỉ là vỏ bọc che đậy âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, phá hoại sự ổn định chính trị, xã hội của họ mà thôi.
Mượn chiêu bài tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước của các phần tử thù địch không những thể hiện rõ thái độ thiếu thiện chí xây dựng, mà còn cho thấy họ đã tự đặt liêm sỉ sang một bên để thực hiện ý đồ xấu. Ý kiến phản đối, xuyên tạc quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, vu khống chính quyền trấn áp nhà báo độc lập là sự lộng ngôn, là hành động cố tình dấn sâu hơn vào tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận đường lối, chủ trương, chính sách ích nước, lợi dân của Đảng, Nhà nước, làm băng hoại hệ thống giá trị văn hóa, làm tha hóa con người, làm lệch hướng mục tiêu phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Cần thấy rõ thực tế là quyền tự do cá nhân, “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, cũng như tự do tín ngưỡng tôn giáo đã được hiến định trong hiến pháp; trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Những quyền đó phù hợp thông lệ, quy phạm, chuẩn mực quốc tế. Nhưng “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” không có nghĩa là muốn nói gì cũng được, không cho phép lộng ngôn. Luật pháp nghiêm cấm các hành vi lợi dụng quyền tự do này để viết bài vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân. Thực tế là Nhà nước Việt Nam chỉ xét xử những ai lấy danh nghĩa nhà báo nhưng có hành vi cố tình vi phạm pháp luật, lợi dụng “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, để tuyên truyền, tán phát tài liệu, các bài viết có nội dung xấu độc phá hoại an ninh quốc gia, gây mất an toàn xã hội, kích động bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống, truyền thống, văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam.
Bất kỳ ai có ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân đều thấy rõ sự thật là trong tiến trình đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Thực tiễn đời sống chính trị ở nước ta những năm qua cho thấy, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy ngày càng tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.
Các nhà báo chân chính đều hiểu rất rõ chức năng, sứ mệnh xã hội của báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Bởi vậy, chiêu bài mượn danh nghĩa tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước của các phần tử thù địch không đại diện cho quyền lợi, trách nhiệm xã hội của những người làm báo, cản trở và đi ngược lại xu thế đổi mới, phát triển toàn diện của đất nước cần phải lên án và bác bỏ./. XN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét