“Đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm lịch sử” mà một số người thường rêu rao là luận điệu sai trái. Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, họ càng tăng cường đưa ra luận điệu này. Chúng ta cần nhận diện, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái đó.
Lợi dụng việc Đảng ta công khai, lấy ý kiến
nhân dân tham gia, góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII, các
thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng: “Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội”, kiên định với “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” là “lạc
nhịp”. Thủ đoạn họ thường sử dụng là tạo dựng, xuyên tạc bản chất khoa học,
cách mạng nền tảng tư tưởng của Đảng. Phương thức chung là tuyệt đối hóa hiện
tượng thay cho bản chất, “lập lờ đánh lận con đen”, hòng gây mơ hồ, mất niềm
tin của nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo. Họ triệt để lợi dụng công nghệ
thông tin, internet, các trang mạng xã hội, website để đăng tải, chia sẻ, phát
tán quan điểm sai trái nhằm chống phá chủ
nghĩa xã hội nói chung và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói riêng. Đặc
biệt, lợi dụng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, họ cho
rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam “bảo thủ” với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là
trái quy luật, “nếu Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục kiên định với chủ nghĩa Mác
thì đừng trông chờ gì vào đường lối Đại hội XIII”(!), v.v. Các luận điệu trên
sai về khoa học và phản động về chính trị, bởi một số lý do sau:
Một là, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ sự
thay thế giữa các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử là hoàn toàn khách
quan, tuân theo quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và
quan hệ sản xuất. Khi quan hệ sản xuất lỗi thời, trở thành xiềng xích của lực
lượng sản xuất mới thì tất yếu nó bị lực lượng sản xuất mới phá vỡ nhằm thay
thế bằng quan hệ sản xuất phù hợp hơn. Và phương thức sản xuất cộng sản chủ
nghĩa ra đời sẽ tiến bộ hơn, tất yếu thay thế phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa đã lỗi thời. C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra: “Các lực lượng sản xuất mới
đã vượt quá hình thức tư sản của việc sử dụng chúng; và sự xung đột ấy giữa các
lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất hoàn toàn không phải là sự xung đột
sinh ra chỉ từ đầu óc người ta,... mà là có thật, khách quan, ở bên ngoài chúng
ta, không phụ thuộc vào ý chí hoặc hành động của chính ngay những người đã tạo
ra nó”1. Vì vậy, “Chủ nghĩa xã hội hiện đại chẳng qua chỉ là sự phản ánh của sự
xung đột có thật ấy vào trong tư duy, là sự phản ánh trên ý niệm của sự xung
đột ấy, trước hết trong đầu óc của giai cấp trực tiếp chịu đau khổ vì sự xung
đột ấy, tức là giai cấp công nhân”2. Theo đó, tính tất nhiên là chủ nghĩa xã
hội sẽ ra đời, phát triển trong lòng xã hội tư bản cũ đang sụp đổ.
Lý luận Mác - Lênin cũng chỉ ra hình thái kinh
tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa phải trải qua “một thời kỳ và hai giai đoạn”.
Một thời kỳ là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Hai
giai đoạn: giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội; giai đoạn cao là cộng sản chủ
nghĩa. Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ phát triển cao hơn và
khác về chất so với hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhưng nó không
tự phát hình thành mà thông qua vận động của các quy luật về kinh tế, xã hội,
con đường đấu tranh cách mạng xóa bỏ áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản để xây
dựng xã hội mới. Đồng thời, chỉ rõ giai cấp công nhân là giai cấp có sứ mệnh
lịch sử lãnh đạo cách mạng vô sản để lật đổ giai cấp tư sản; giai cấp duy nhất
có khả năng xây dựng và đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ hơn phương
thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân
ta đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu hướng của
thời đại và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong những năm bôn ba ở nước ngoài,
Người đã tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng giá trị nhân văn của xã hội chủ
nghĩa hiện thực ở nước Nga để tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc
khỏi ách áp bức, bóc lột, xâm lược, đô hộ của chủ nghĩa thực dân, phong kiến.
Bởi vậy, muốn giành được độc lập cho dân tộc thì phải tiến hành con đường cách
mạng vô sản và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Người đã để lại di sản vô cùng
quý báu cho cách mạng Việt Nam, đó là hệ thống quan điểm cơ bản về con đường,
phương pháp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới nhưng
không đổi màu, là phù hợp với xu thế thời đại và thực tiễn Việt Nam. Do vậy,
những luận điệu cho rằng do chủ nghĩa Mác - Lênin đã sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt
Nam bị khủng hoảng về tư tưởng lý luận nên phải lấy “tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng” là không đúng.
Ba
là, đường lối đúng đắn,
sáng tạo hòa quyện “ý Đảng, lòng dân” về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ năm 1930, Chánh cương vắn
tắt của Ðảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập
Ðảng thảo luận, thông qua, tuy rất ngắn gọn, nhưng đã xác định rõ đường lối của
cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để
đi tới xã hội cộng sản”. Từ đó, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành
mục tiêu chiến đấu nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các
thời kỳ cách mạng. Mỗi nhiệm kỳ Đại hội của Đảng là một chặng đường cách mạng
có mục tiêu, đối tượng, yêu cầu, nhiệm vụ, kế hoạch khác nhau về xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở nước ta. Thành quả đạt được của nhiệm kỳ trước đã tạo tiền đề,
thuận lợi cho nhiệm kỳ sau. Năm 1991, Đảng đã đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó chỉ ra sáu đặc trưng
của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đến Cương lĩnh năm 2011 phát triển sáng tạo
thành tám đặc trưng. Mỗi kỳ Đại hội đều chỉ ra tính đặc thù của thời kỳ quá độ
ở Việt Nam, đánh giá những thành quả to lớn về xây dựng chủ nghĩa xã hội và
khẳng định sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng
đắn.
Bốn
là, chủ nghĩa xã hội hiện
thực ra đời đã thể hiện tính ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản; sự sụp đổ chủ nghĩa
xã hội ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể. Công cuộc
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga sau là Liên Xô có thời gian chưa dài, nhưng
đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Rõ ràng, trong một thời
gian ngắn, chủ nghĩa xã hội ra đời ở Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa tuy
chưa hoàn thiện, nhưng đã phát triển lớn mạnh về nhiều mặt, khác hẳn về chất so
với chủ nghĩa tư bản. Điều đó cho thấy, chủ nghĩa xã hội là một hiện thực, hoàn
toàn không phải là “giấc mơ” cũng chẳng phải là “ảo tưởng”!
Hiện nay, các nước xã hội chủ nghĩa trong đó
có Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp đổi mới, cải cách đạt được những thành tựu
hết sức quan trọng, vững chắc, được thế giới ngưỡng mộ. Mặc dù, chủ nghĩa tư
bản đã trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau, với sự điều chỉnh, thích
nghi nhưng bản chất không bao giờ thay đổi, vẫn là xã hội áp bức, bóc lột, bất
công. Chủ nghĩa xã hội tuy gặp phải khó khăn, khủng hoảng, song với những thành
tựu ban đầu đã khẳng định tính chất ưu việt, tiến bộ hơn hẳn và tất yếu sẽ là
tương lai của xã hội loài người. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân
Việt Nam xuất phát từ những thành tựu mang tính tất yếu đó.
Thứ năm, Đảng Cộng sản Việt Nam có bản lĩnh
chính trị, trí tuệ, khả năng lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ra
đời trong phong trào cách mạng của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo
toàn thể nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, lập
nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam
Á. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn giải quyết tốt mối quan hệ
giữa nhiệm vụ dân tộc với nhiệm vụ giai cấp. Từ năm 1954 đến 1975, Đảng lãnh
đạo nhân dân ta thực hiện đồng thời và thắng lợi hai chiến lược cách mạng là
đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền
Bắc. Sau giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, Đảng lãnh đạo cả nước đi lên
chủ nghĩa xã hội. Khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta vẫn
kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên quyết thực hành đường lối đổi
mới, giữ vững nguyên tắc, quyết “không đổi màu”.
Qua 35 năm tiến hành đổi mới, Đảng ta đã lãnh
đạo nhân dân ta đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử, trên
các lĩnh vực của đời sống xã hội, được bạn bè quốc tế thừa nhận. Sự thực ấy
không thể xuyên tạc, bác bỏ. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng,
đã khẳng định: đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày
nay; đồng thời, tạo nên thời cơ mới cho cả dân tộc vượt qua thách thức, tận
dụng cơ hội để chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn ở
chặng đường tiếp sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét