Ngày 05/01/2020, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử sơ
thẩm và tuyên phạt những bản án nghiêm minh đối với 03 thành viên cốt cán của
cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy
và Lê Hữu Minh Tuấn, cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền
thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam” theo điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng ngày, Bộ Công an đã phát đi
thông báo về tổ chức khủng bố mang tên “Triều đại Việt”, danh tính của những kẻ
cầm đầu đang sinh sống ở nước ngoài và của 17 đối tượng ở trong nước đã bị bắt,
truy tố, xét xử vì đã tham gia các hoạt động tổ chức này trong thời gian qua.
Những thông tin trên một lần nữa là lời cảnh tỉnh đối với phần tử có ý định lợi
dụng mạng xã hội để thực hiện ý đồ xấu hiện nay.
Theo tìm hiểu, những phần tử trên tuy không cùng độ tuổi, giới tính, nghề
nghiệp, vùng, miền. Nhưng họ có điểm chung là tư tưởng bất mãn về chính trị, chống
đối chế độ, chống đối chính quyền và thường xuyên “chơi” mạng xã hội. Họ thường
xuyên like, chia sẻ các bài viết, status có nội dung kích động, chống đối trên
mạng xã hội, lâu dần trở thành những kẻ “cùng hội, cùng thuyền”, rồi cùng nhau
vi phạm pháp luật. Theo kết luận của cơ quan điều tra, chỉ trong khoảng thời
gian từ tháng 7/2014 đến tháng 11/2019, các đối tượng Dũng, Thụy, Tuấn đã viết,
đăng tải gần 2.500 bài viết trên 02 trang web và blog “Việt Nam thời báo”;
trong đó, nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính
quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng, chống Nhà nước Việt Nam.
Thực tế cho thấy, sử dụng mạng xã hội hiện nay đã trở thành “một phần tất yếu
của cuộc sống” đối với hàng chục triệu người dân, nhất là giới trẻ. Bên cạnh những
lợi ích mà mạng xã hội đem lại, thì đây đang là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực
phản động, thù địch, bất mãn,… triệt để lợi dụng, chống phá nước ta trên các mặt;
là nơi mà những cám dỗ, lọc lừa luôn trực chờ. Mặc dù, nước ta đã có các văn bản
pháp luật, như: Luật An ninh mạng, các nghị định của Chính phủ, như: Nghị định
số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020,…
để có các chế tài, quy định hành vi đối với người dùng mạng xã hội. Đồng thời,
yêu cầu các nhà mạng quốc tế hợp tác tháo gỡ, xóa bỏ những tài khoản có thông
tin xấu độc. Tuy nhiên, đây vốn là thế giới ảo, nên việc quản lý, theo dõi, xử
lý của các cơ quan chức năng còn gặp khó khăn, vẫn chưa kiểm soát hết được.
Chính vì thế, người sử dụng mạng xã hội phải hết sức thông thái, tỉnh táo,
luôn kiểm nghiệm, thận trọng khi like, chia sẻ thông tin, để tránh việc vô tình
hay cố ý tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, kích động người khác tham
gia những việc làm sai trái. Nếu không đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp
luật./.
-Duy
Vũ-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét