Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

NHẬN DIỆN CÁC LUẬN ĐIỂM PHỦ NHẬN BẢN CHẤT, TRUYỀN THỐNG, NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 


Chủ thể của các luận điểm phủ nhận bản chất, truyền thống, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là các thế lực thù địch, các phần tử phản động người nước ngoài, những kẻ thoái hóa, biến chất, bất mãn, cơ hội chính trị trong nước và một số ít những người hạn chế về nhận thức chính trị, hoặc vì lợi ích cá nhân mà bị mua chuộc, dụ dỗ làm tay sai cho các thế lực thù địch. Các luận điểm phủ nhận bản chất, truyền thống, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức đa dạng, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, nhưng dù tinh vi, dưới nhiều chiêu bài khác nhau cũng đều có thể nhận diện được.

Về những luận điểm phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam có bản chất giai cấp công nhân - giai cấp tiến bộ, có sứ mệnh lịch sử to lớn, bản chất đó không ngừng được bồi đắp và luôn được giữ vững trong mọi hoàn cảnh. Nhưng kẻ thù của Đảng lại cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể có bản chất giai cấp công nhân, không thể gọi là Đảng của giai cấp công nhân được, vì nó có rất ít tính công nhân mà mang đậm tính nông dân, chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa phong kiến.

Họ cho rằng, giai cấp công nhân Việt Nam chỉ là những người có học vấn thấp, những lãnh tụ của giai cấp công nhân cũng thường có trình độ văn hóa không cao, lại được đào luyện trong một lôgíc chuyên chế bạo ngược, cho nên giỏi lắm cũng chỉ có thể lật đổ chế độ cũ, chứ không thể lãnh đạo toàn dân xây dựng được một xã hội mới tốt đẹp, nhất là trong thời đại khoa học phát triển. Họ lập luận, nếu như giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là “Người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản” xây dựng một xã hội mới thì tại sao ở những nước tư bản phát triển có lực lượng công nhân rất đông, chất lượng cao lại không thực hiện vai trò lịch sử của mình?

Để dần xóa bỏ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, các thế lực thù địch tìm mọi cách lái sự phát triển của Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa, với luận điệu, không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản mà là phải phát triển chủ nghĩa tư bản hoặc theo chủ nghĩa xã hội dân chủ. Họ ngụy biện rằng, nêu định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ không thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, sẽ bị cô lập trên trường quốc tế. Do vậy, nên gác định hướng xã hội chủ nghĩa lại. Họ rêu rao rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường sai, bởi không thể có chủ nghĩa xã hội. Không ít kẻ đã lớn tiếng rằng chủ nghĩa xã hội chính là bước quá độ tiến tới chủ nghĩa tư bản, những ước mơ của chủ nghĩa xã hội thì chính chủ nghĩa tư bản đã thực hiện rồi, rằng người ta có thể dễ dàng tìm thấy ở chủ nghĩa tư bản những lời giải đáp đầy đủ cho mọi vấn đề được đặt ra trong đời sống loài người. Tóm lại, người ta muốn nói rằng, những người mácxít bàn về chủ nghĩa xã hội chẳng khác nào bàn về hư vô.

Về những luận điểm phủ nhận truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam

Các thế lực thù địch và các phần tử chống đối cho rằng: Đảng có nhiều sai lầm trong quá khứ và cho dù trong quá khứ có nhiều thành tích thì đến thời đại mới Đảng cũng đã hết vai trò lịch sử, không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Họ phủ định truyền thống của Đảng bằng cách nêu ra những luận điệu như “các nhà lãnh đạo Việt Nam cứ mãi ngây thơ tin vào sự đồng lòng xả thân cho một ý thức hệ vu vơ” (Nguyễn Thanh Giang); “cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước như mọi người ngộ nhận, đó là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến”; “dưới chiêu dụ của những lời lẽ hào hoa, dân tộc Việt bị xé làm đôi, một cách vô thức đã tự nguyện biến thành hai đội quân đánh thuê cho hai hệ thống chính trị đối nghịch, hay một cách vô thức biến giang san của cha ông ta thành chiếc cối xay thịt khổng lồ” (Dương Thu Hương).

Để xuyên tạc lịch sử, truyền thống của Đảng, chúng ngụy biện rằng: “Thành quả Cách mạng tháng Tám là thành quả cay đắng. Chính quyền về tay nhân dân nhanh chóng rơi vào tay Đảng Cộng sản”, rằng “dù không có Đảng Cộng sản, nhiều thuộc địa đã giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tổn xương máu của dân tộc là do Đảng Cộng sản gây ra”. Chúng vu cáo “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc nội chiến, Quân đội ta là những người lính đánh thuê của các thế lực hiếu chiến”… Mặt khác, các thế lực thù địch đã tập trung chĩa mũi nhọn vào nội bộ Đảng, tìm mọi hình thức, tinh vi hoặc trắng trợn, công khai hoặc bí mật, ráo riết sử dụng các chiêu bài kích động, gieo rắc ngờ vực, nghi kỵ nhằm làm cho nội bộ mất ổn định, gây chia rẽ, lục đục nội bộ, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Chúng tung ra luận điệu, trong Đảng có phe cải cách và phe bảo thủ, có “nhóm lợi ích” từ lãnh đạo cấp cao và nhóm này đã chi phối toàn bộ các nhóm lợi ích ở cấp dưới. Chúng cũng bịa đặt rằng “điều này cho thấy phe bảo thủ đã thành công trong việc đặt nặng sự ổn định chính trị trong nước hơn là sự đổi mới đất nước. Thành phần thủ cựu trong Đảng Cộng sản lo ngại Nhà nước sẽ mất đặc quyền, đặc lợi”. Bằng thủ đoạn bịa đặt, nói xấu cán bộ Đảng và Nhà nước, chúng đã cho ra đời nhiều cuốn nhật ký, hồi ký tài liệu với những chuyện giật gân trong sinh hoạt của các nhà lãnh đạo, đề cao người này, hạ thấp người kia, kích động, chia rẽ lãnh đạo cao cấp của Đảng, gây nghi ngờ hòng mong chia rẽ nhân dân với Đảng.

Triệt để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những truyền thống quý báu của Đảng ta, chúng chống phá bằng cách đòi xóa bỏ nguyên tắc này và cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ nay đã lỗi thời, nó chỉ thích hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, còn hoạt động bí mật hoặc lãnh đạo chiến tranh, rằng thực hiện tập trung dân chủ là nguyên nhân gây ra độc đoán, chuyên quyền trong Đảng và trong xã hội.

Về những luận điểm phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản         Việt Nam.

Đây là nội dung chống phá mạnh mẽ nhất, bởi phá được nền tảng tư tưởng sẽ làm Đảng mất bản chất và xa rời truyền thống. Vậy nên, một mặt chúng đả kích tới tấp vào chủ nghĩa Mác - Lênin hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng của chúng ta và đẩy chúng ta đi chệch quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, chúng trực tiếp phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, cho là học thuyết Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; chỉ phù hợp với trình độ, lực lượng sản xuất và văn hóa Nga, không phù hợp với thế kỷ này và cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời ở Việt Nam.

 Các thế lực thù địch tung ra đủ thứ lý luận nhằm bác bỏ chủ nghĩa cộng sản như: du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai họa, vì chủ nghĩa Mác - Lênin là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc. Họ còn cho rằng lý luận Mác - Lênin chỉ giải quyết vấn đề đấu tranh giai cấp, còn tư tưởng Hồ Chí Minh giải quyết đấu tranh dân tộc thuần túy, không thể áp đặt học thuyết Mác - Lênin vào Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế thị trường. Gần đây chúng chuyển sang luận điệu “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa, ngay cả Bộ Chính trị”. Đồng thời chúng xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, đưa ra các luận điệu rằng “đấu tranh giai cấp”, “tập trung dân chủ” là cổ vũ cho bạo lực, cho chiến tranh, cho độc quyền, độc đoán, thủ tiêu dân chủ, không phù hợp với xu thế thời đại, do đó không thể thúc đẩy xã hội phát triển.

Hòng phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng tung ra các luận điệu chống phá các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng hình thái kinh tế - xã hội chỉ là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô là một tất yếu đã được dự báo trước. Họ cho rằng, chủ nghĩa xã hội đặt xã hội lên trên cá nhân chỉ là đề cao một số người đang nắm quyền trong xã hội đó. Cùng với đó, chúng tiến hành xuyên tạc, chống phá và đi đến phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phê phán triệt để, bôi đen chủ nghĩa xã hội hiện thực, bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, công khai ca ngợi con đường tư bản chủ nghĩa. Cho rằng “đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chắp vá, không tưởng. Việt Nam hiện nay đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào. Nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, tự giác thì đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn, chậm chạp hơn”. Gần đây có luận điệu xảo quyệt, thâm độc hơn như “con đường mà Việt Nam muốn đi là thứ tư bản chủ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng con đường này không thể thành công vì không thể nào giải quyết thỏa hiệp giữa hai chủ nghĩa đối lập với nhau”.

Một số người lại phê phán chủ nghĩa Mác về luận điểm đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội, cho rằng những luận điểm này làm nghèo đi những hình thức tiến hóa của xã hội, khuyến khích thù hận, mâu thuẫn, đấu tranh giai cấp liên miên. Dựa vào một số “cải cách” ở các nước tư bản và nhất là dựa vào các mô hình xã hội - dân chủ Thụy Điển, Phần Lan, họ cho rằng từ chủ nghĩa tư bản tiến sang chủ nghĩa xã hội không nhất thiết phải thông qua cách mạng xã hội mà cứ để cho nó phát triển tự nhiên, thông qua việc mở rộng dân chủ, đấu tranh nghị trường để nhân dân tự lựa chọn chế độ chính trị mới.

Riêng với tư tưởng Hồ Chí Minh - Hệ thống các quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, hết sức đúng đắn đã được thực tiễn cách mạng chứng minh. Thế nhưng, chúng vẫn mưu toan phủ nhận bằng cách tung ra luận điệu: Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin với học thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm. Cho rằng, Hồ Chí Minh chỉ là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương tiện; đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử./.

V. T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét