Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng và đất nước ta. Việc cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, muốn tìm hiểu về công tác lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ trong cơ quan lãnh đạo của Đảng (Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ), Bộ Chính trị, Ban Bí thư...) để gánh vác nhiệm vụ cách mạng cũng là vấn đề bình thường và chính đáng. Tuy vậy, lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng nhằm chống phá Đảng và sự nghiệp cách mạng của đất nước là điều không thể chấp nhận.
Đến
thời điểm này, các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 đã
tổ chức xong và thành công tốt đẹp. Đặc biệt, cơ cấu, chất lượng cấp ủy
nhiệm kỳ này được nâng lên rõ rệt, cơ bản bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy; số bí
thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương tăng cao; tất cả các đồng
chí được giới thiệu bầu cán bộ chủ chốt đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê
duyệt phương án đều trúng cử tập trung với số phiếu rất cao. Điều này thể
hiện công tác nhân sự đại hội được Đảng ta tiến hành bài bản, theo quy trình
chặt chẽ, bảo đảm thực sự chất lượng, thể hiện quyền lợi cao nhất của đảng
viên.
Trao
đổi với báo chí về kết quả các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ
2020-2025, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban
Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ
được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng, từ việc thể chế hóa văn bản về công
tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, gắn với thanh tra,
kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; siết
chặt kỷ luật, kỷ cương, chống chạy chức, chạy quyền...
Nhân
sự giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư... khóa XIII cũng đang được tiến hành theo một quy trình chặt
chẽ và tiếp tục được xem xét, thảo luận tại các hội nghị Trung ương và các
phiên họp quan trọng khác sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
Dù quy trình thực tế rõ ràng như vậy, nhưng vẫn như những lần trước, càng gần
đến đại hội thì lại có nhiều thông tin xuyên tạc về công tác nhân sự, rồi việc
“tự sắp xếp nhân sự” trên mạng xã hội, của những nhóm người thường xuyên “đâm
bị thóc, chọc bị gạo” với công việc của Đảng, của nước, của dân. Thời gian qua,
xuất hiện một số người thường xuyên lợi dụng việc Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh
cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để xuyên tạc, bóp méo thông tin với
những kiểu gán ghép, quy chụp rất phản động, như: “Thanh trừng nội bộ”, “trả
thù”, “mục đích là triệt hạ”, “đấu đá khốc liệt”, “giữ ghế”... giữa các cá
nhân, phe nhóm... Ít nhiều, những thông tin xuyên tạc, võ đoán, quy chụp đó đã
khiến nhiều người không hiểu hoặc hiểu không đúng về quy trình, cũng như các bước
tiến hành công tác nhân sự của Đảng. Một số cán bộ, đảng viên và người dân
thiếu thông tin, thiếu hiểu biết đã bị dư luận xấu dẫn dắt, phân tâm, thậm chí
rơi vào ma trận thông tin, có khi tiếp tay phát tán những thông tin sai trái
đó. Thật nực cười, ngay từ nhiều tháng trước, mạng xã hội đã xếp xong nhân sự
cho Đại hội XIII của Đảng bằng một sự cóp nhặt thông tin kiểu "thầy bói
xem voi", "vẽ rắn thêm chân". Phi lý đến mức, ngay cả những
người có chức trách, nhiệm vụ tham mưu về công tác nhân sự để Bộ Chính trị, Ban
Bí thư, BCHTƯ quyết định cũng chưa hề biết đến bảng danh sách nhân sự mạng xã
hội đưa ra đó.
Cần
lưu ý rằng, những thông tin chính thống về Đại hội XIII của Đảng hiện có rất
nhiều và thường xuyên được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải. Ban
Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương... đã tổ chức nhiều hoạt động để
thông tin về quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại
hội XIII của Đảng.
Xác
định công tác nhân sự là nhiệm vụ "then chốt" của "then
chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển của đất nước
nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác này được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Thể
hiện rõ nhất là việc Đảng đã rất chú trọng hoàn thiện các quy định, quy trình,
thắt chặt các kẽ hở, đồng thời phát huy cao nhất tính dân chủ để bảo đảm công
tác nhân sự luôn được thực hiện với sự nghiêm túc, khách quan nhất.
Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề cần
được quan tâm đặc biệt trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng"
đăng trên các báo ngày 26-4-2020 đã nhấn mạnh: “Việc giới thiệu nhân sự, nói
chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát
huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới
thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia BCHTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức
danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới. Lấy phẩm chất chính
trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn
cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công
việc...”.
Để
chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, Đảng ta đã làm từ rất sớm và bài bản. Hội
nghị Trung ương 8 (tháng 10-2018) đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị
Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Tiểu ban Nhân sự. Điểm nhấn rất quan trọng
là ngày 30-5-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35 về đại hội đảng bộ
các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chỉ thị xác
định rõ, việc chuẩn bị nhân sự đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là
nhân tố bảo đảm cho thành công của đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi
các nghị quyết của đại hội. Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số
11-KH/TW ngày 6-11-2018 về xây dựng quy hoạch BCHTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 (gọi
tắt là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược) trong đó có một số nội dung đổi mới hết
sức căn bản. Bộ Chính trị xác định cần tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch
cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 theo phương châm “làm từng bước, làm đến đâu
chắc đến đó” với lộ trình cụ thể. Quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy
hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước. Tiếp sau Quy định số 90-QĐ/TW, đến
ngày 2-1-2020, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 214-QĐ/TW về “Khung tiêu chuẩn
chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCHTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư
quản lý”.
Trên
thực tế, một số người không hiểu về quy trình thực hiện công tác nhân sự nên
thường đưa ra những thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Cần phải nói thêm rằng, tiêu
chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới này được Đảng ta quy định rất cụ
thể, chặt chẽ. Thực hiện các quy định này, cấp ủy các địa phương, bộ, ngành đã
tiến hành phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ để làm quy trình đưa vào quy hoạch
Trung ương khóa XIII. Tại hội nghị cán bộ toàn quốc, tháng 4-2020, các ủy viên
BCHTƯ đã triển khai bước đầu tiên là giới thiệu người vào quy hoạch Bộ Chính
trị, Ban Bí thư khóa XIII. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập
4 nội dung công tác nhân sự, trong đó nhấn mạnh nêu cao vai trò của tổ chức
Đảng. Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng
bộ, làm đến đâu chắc chắn đến đó...
Tới
Hội nghị Trung ương 12 (tháng 5-2020), Trung ương đã xem xét, quyết định phương
hướng công tác nhân sự BCHTƯ khóa XIII. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 13
(tháng 10-2020), Trung ương đã thảo luận dân chủ, xem xét khách quan, công tâm,
toàn diện về dự kiến danh sách nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu được giới
thiệu tham gia BCHTƯ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và các phương án
lựa chọn; đồng thời phân tích, đánh giá, góp nhiều ý kiến có chất lượng bổ sung
vào các báo cáo và phương án nhân sự. Nhân sự giới thiệu vào các chức danh lãnh
đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... sẽ tiếp tục được xem xét, thảo luận
tại các Hội nghị Trung ương và các phiên họp quan trọng sẽ được tổ chức trong
thời gian tới.
Như
vậy, để đến được các bước cuối cùng chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, Đảng ta
đã tiến hành từng bước theo một quy trình chặt chẽ, thận trọng, bài bản chứ
không phải là một sự “xếp cờ”, “điền vào chỗ trống” hay “tùy tiện” như sự võ
đoán, xuyên tạc của một số người.
Thông
tin về kết quả đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, đồng
chí Nguyễn Quang Dương, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết: Công tác
chuẩn bị nhân sự kỳ này, được các cấp ủy đặc biệt coi trọng, chỉ đạo chặt chẽ,
thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định hướng dẫn của Trung ương và cấp trên.
Điểm mới trong công tác nhân sự cấp ủy lần này là thực hiện theo quy trình 5
bước, trong đó chuẩn bị nhân sự tái cử trước, nhân sự tham gia lần đầu sau.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy đã cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy viên theo phân cấp
quản lý. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình tiến hành công tác
nhân sự; đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch công bằng và nâng
cao chất lượng.
Có
thể nói rằng, quy định quy trình nhân sự thực hiện 5 bước là điểm mới và cũng
là điểm nhấn về phát huy dân chủ trong Đảng, được dư luận đánh giá cao trong
tiến hành công tác nhân sự nhiệm kỳ này. Với quy trình 5 bước đã tạo ra sự dân
chủ, khách quan và công khai, minh bạch trong đánh giá. Nhiều đồng chí có kinh
nghiệm làm công tác tổ chức đánh giá: Với quy trình 5 bước, dù ai có muốn can
thiệp, áp đặt vào công tác cán bộ cũng không dễ. Còn với người được tổ chức đề
cử theo quy trình 5 bước, dù không trúng cử họ cũng thấy thoải mái.
Theo
dõi rất kỹ các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức
vừa qua, đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương
đánh giá: Các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương cho thấy bước tiến lớn về
công tác nhân sự.
Nhiều
đồng chí lão thành cách mạng, các trí thức, các cán bộ từng kinh qua công tác
nhân sự qua các kỳ đại hội của Đảng đều có chung đánh giá: Công tác nhân sự lần
này được Đảng ta thực hiện tốt và rất kỹ. Trong đó, những cán bộ được sắp
xếp, quy hoạch đã được trải qua quy trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân
chuyển, kinh qua các vị trí quản lý... Nhân sự trải đều ở các độ tuổi.
Luật
gia Nguyễn Thành Minh, người có nhiều năm nghiên cứu về luật pháp, đánh giá:
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử các cấp qua các đại hội đã thực hiện đúng
Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính
tổng thể, dân chủ, khách quan, minh bạch. Chúng ta đã thực hiện đúng nguyên tắc
Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Luật gia
Nguyễn Thành Minh cũng cảnh báo: Không thể đưa thông tin lên mạng một cách tùy
tiện, sai trái khi mà tổ chức đã tiến hành công việc đó theo đúng quy định của
pháp luật. Bởi hành vi đó có thể đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác. Luật An ninh mạng hiện hành cũng quy định rất rõ
các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng.
Đối
với các công việc của Đảng, của tổ chức, nhất là công tác nhân sự đại hội Đảng
các cấp, điều quan trọng là mỗi người cần phải lắng nghe, tiếp thu những thông
tin chính thống, cần chọn lọc thông tin, biết phân tích đúng sai, tránh sự a
dua theo những thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Đó không chỉ là quyền lợi mà cũng
là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét