Không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng căn bệnh a dua
để chống phá, trước hết chúng ta cần tìm cách chữa trị căn bệnh này. Công việc
cần thiết trước nhất cần nói đến đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục
nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân,
giúp mọi người tham gia vào không gian mạng nhận diện đúng bản chất và tính
phức tạp, nhiễu loạn của các thông tin trên MXH. Mặt khác, cần tuyên truyền để
mọi người dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng căn bệnh a dua để truyền
bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng hòng
chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch, phản động. Thông qua
tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức đề kháng và khả năng “miễn dịch” cho mỗi
người vẫn là giải pháp quan trọng, căn cơ để chúng ta từng bước khắc phục căn
bệnh a dua và âm mưu lợi dụng căn bệnh này để chống phá của các thế lực thù
địch.
Truyền thông xã hội nói chung, MXH nói riêng giống như “cái chợ”
và khi tham gia vào “cái chợ” ấy ta phải chấp nhận ở đó tất thảy mọi thông tin:
Tốt có, xấu có; đúng có, sai có; thuận chiều có và trái chiều có... Để không
biến mình thành kẻ a dua, theo đuôi, không đánh mất mình khi vào “chợ thông
tin” này, điều quan trọng hơn là chúng ta phải luôn giữ thế chủ động thông tin.
Trước mỗi sự kiện, vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, thông qua các
phương tiện truyền thông chính thống, các cơ quan chức năng cần cung cấp kịp
thời, đầy đủ, chính xác những thông tin cần thiết đến người dân. Thực tiễn cho
thấy chủ động dẫn dắt, định hướng thông tin trên không gian mạng là phương cách
hữu hiệu để phòng ngừa những phát biểu bừa bãi và thói a dua vào hùa nhằm mục
đích xấu. Đi cùng với đó, mỗi chúng ta phải tự trang bị cho mình những kiến
thức cần thiết để phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai,
đâu là thông tin không có cơ sở; đâu là thông tin hữu ích, thông tin xấu độc...
Trong thế giới phẳng, mỗi người chúng ta cần hết sức cẩn trọng
trong mỗi phát ngôn, mỗi bài viết khi tung lên các phương tiện truyền thông xã
hội. Trước mỗi phát ngôn, mỗi hành vi, sự việc nghe được, bắt gặp trong đời
sống, mỗi người chúng ta trước khi bày tỏ thái độ, quan điểm cần có sự suy xét,
nhìn nhận và lý giải cho thấu đáo, để ứng xử nhân văn và không đánh mất mình.
Mặt khác, mỗi người bằng các công cụ có sẵn hoàn toàn có thể điều tiết được các
mối quan hệ của mình trên MXH để sàng lọc, chia sẻ, bình luận trong chừng mực
nhất định. Khi mọi người tỉnh táo, sáng suốt trong sàng lọc thông tin, nhận
diện và ứng xử phù hợp trước những thông tin xấu độc thì các thế lực thù địch
không dễ bề lợi dụng để chống phá. Đây cũng chính là phương cách để mỗi người
chúng ta góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái trên
không gian mạng.
VAN BUI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét