Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI THÔNG TIN XẤU ĐỘC

TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG 

         

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào quý I năm 2021. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Cùng với đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo phát triển toàn diện đất nước, Đại hội còn thực hiện nội dung đặc biệt quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc chuẩn bị nhân sự được tiến hành nghiêm túc, với quy trình đồng bộ, chặt chẽ, công khai, minh bạch theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 và tiêu chuẩn cán bộ theo Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị khóa XII.

          Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, nhằm “làm trong sạch” đội ngũ cán bộ và chuẩn bị nhân sự tốt nhất cho nhiệm kỳ mới theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không “chững lại”, “không chùng xuống”, mà “ngày càng quyết liệt, bài bản và hiệu quả hơn”.

          Tuy vậy, các thế lực thù địch đã lợi dụng việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội để đẩy mạnh chống phá bằng nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, xảo quyệt; trong đó, chúng đặc biệt chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội để kích động, bôi nhọ, hạ thấp uy tín cán bộ lãnh đạo, nhằm gây chia rẽ nội bộ, nghi kỵ lẫn nhau trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Những ngày gần đây, đài BBC, RFI, trang mạng “Tivi tuần san”, “Tiếng dân”, “KTV”,… với danh nghĩa tự do, bình luận sâu, chúng tung tin về tình hình nhân sự Đại hội XIII của Đảng, như: “Bộ tứ của Đại hội tới gồm những ai”, “Ai sẽ nghỉ trong nhiệm kỳ tới”, v.v. Chúng còn xuyên tạc rằng: “Trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, một bầu không khí ngột ngạt lan tràn khắp cả nước”; “Cứ đến đại hội thì Đảng Cộng sản Việt Nam lại gia tăng bắt bớ, đàn áp”. Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo luôn được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, nhưng chúng lại xuyên tạc, bóp méo, vu khống, suy diễn, cho rằng: Đảng đang lợi dụng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để bắt bớ, trấn áp, khai trừ, loại khỏi hàng ngũ những đảng viên “không thuộc phe nhóm”, đảng viên có tư tưởng cấp tiến, đổi mới, “các phe cánh trong Đảng đang thanh trừng lẫn nhau”, “Đại hội là nơi diễn ra sự đấu đá quyết liệt giữa các cá nhân, phe, nhóm lợi ích”, v.v.

          Bên cạnh đó, một số cán bộ, đảng viên do hạn chế về nhận thức, non nớt về chính trị đã sử dụng Facebook, Zalo hùa theo để đưa tin, bình luận; trong đó, không ít người đã thể hiện cách nhìn phiến diện, một chiều, vô tình bóp méo, làm thay đổi bản chất của vụ việc mà điển hình là một cán bộ ở Trường đảng Hà Tĩnh đã đưa những thông tin sai lệch về sức khỏe cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước lên Facebook. Thêm vào đó, một số tờ báo, tạp chí điện tử, với mục đích thu hút độc giả, “câu view”, “câu like”, giật tít theo kiểu giật gân, lập lờ,... tác động xấu đến dư luận xã hội, tạo tâm lý hoài nghi về đường lối, chủ trương, công tác nhân sự của Đảng.

          Một hình thức khác là, thông qua “hội nghị bàn trà”, “hội nghị vỉa hè”, một số người phát ngôn thiếu ý thức xây dựng, sai sự thật. Họ tự suy đoán rồi sắp xếp nhân sự, người này sẽ ở vị trí này, người kia vào vị trí khác, người này được vào Bộ Chính trị, người kia không; ông lãnh đạo này có công ty “sân sau”; phe nhóm này đang đấu phe nhóm kia, v.v. Họ còn bình phẩm, phán xét về trình độ, năng lực, đạo đức, lối sống, đời tư của cán bộ cao cấp, nhất là những đồng chí nằm trong quy hoạch nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, v.v.

          Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật. Đó cũng là bình thường như tất cả các nước trên thế giới, không thể có tự do vô lối, ngoài pháp luật. Việc các thế lực thù địch và một số người lợi dụng tự do ngôn luận để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bịa đặt, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Vì thế, để góp phần đấu tranh hiệu quả với các thủ đoạn, hành động xấu xa đó trước thềm Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

          Trước hết, tập trung chuẩn bị nhân sự Đại hội chu đáo, toàn diện. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho thành công của Đại hội và góp phần củng cố uy tín của Đảng, không tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Ngày 15/8/2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 55-KL/TW về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng; trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chu đáo, toàn diện. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để công tác chuẩn bị nhân sự bị tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý xấu, bịa đặt, xuyên tạc trên internet, mạng xã hội.

          Vấn đề quan trọng là, cấp ủy các cấp cần bám sát tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình theo quy định; bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch về nhân sự Đại hội. Tránh biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “lợi ích nhóm”, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, “nể nang, dễ dãi”, “chạy chọt, vận động” trong quy hoạch. Thực tế đại hội các cấp cho thấy, vẫn còn những biểu hiện không trong sáng, không minh bạch trong bố trí cán bộ và việc lợi dụng “quy trình” để đưa người nhà, người cùng phe cánh vào các vị trí lãnh đạo, v.v. Điều đó đã tạo thành kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá. Mặt khác, cần kiên quyết loại bỏ, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; tham vọng quyền lực, phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, xu nịnh, cục bộ, bè phái, cơ hội; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v.

          Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước thông tin xấu, độc, vu khống, bịa đặt. Trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ, có ý thức chính trị tốt thì mọi người sẽ có khả năng tự đề kháng, tự phòng vệ, không tiếp tay, làm lan truyền; thậm chí biết phát hiện và chủ động đấu tranh với những thông tin xấu độc, không có lợi. Muốn vậy, cần phát huy vai trò của cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan báo chí, truyền thông trong tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời thông tin định hướng dư luận, nhất là trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề xã hội quan tâm, đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả thông tin liên quan đến công tác nhân sự của Đảng theo quy định, tránh để thông tin giả, thông tin không chính thống lan truyền, để mạng xã hội dẫn dắt dư luận như trong một số trường hợp thời gian qua. Các cơ quan chức năng, báo chí cần thực hiện nghiêm quy chế quản lý báo chí, quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, nhanh, chính xác, có tính định hướng cao, tạo thế chủ động đấu tranh với thông tin giả trên internet, mạng xã hội. Chủ động đấu tranh “phản thông tin”, đa dạng hình thức đấu tranh theo hướng: thiết lập và sử dụng nhiều diễn đàn trên mạng để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền các quan điểm chính thống, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác trực diện với các trang mạng “độc hại”, phản động, không để họ xuyên tạc bản chất vụ việc và làm cho dư luận xã hội trượt theo hướng tiêu cực.

          Ba là, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường quan điểm đúng đắn. Nếu cán bộ không vi phạm những điều đảng viên không được làm, không tham nhũng, lãng phí, không vi phạm đạo đức,… thì các thế lực thù địch không thể lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu. Vì thế, cùng với thực hiện tốt công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng thì cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tự giác học tập, trau dồi đạo đức cánh mạng, để mỗi người không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự đi đầu, gương mẫu trong mọi hành động. Trong công tác cán bộ, cần thực hiện công khai kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ theo tinh thần Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại, đồng thời thông báo rõ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng và quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi họ công tác.

          Bốn là, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để quản lý, sử dụng, ngăn chặn các trang mạng “độc hại” và việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” đó. Trên cơ sở luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ (cả ở trong và ngoài nước) sử dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để quản lý, kiểm soát các trang mạng xã hội, chủ động phát hiện, ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa tin giả, xấu độc. Mặt khác, cần quản lý, ngăn chặn kịp thời những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị ở trong nước đưa ra thông tin xuyên tạc, sai sự thật, ảnh hưởng đến cán bộ lãnh đạo của Đảng và ổn định chính trị xã hội.

          Càng gần thời điểm diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị, thù địch càng gia tăng công kích, chống phá vấn đề nhân sự Đại hội. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta phải tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại thủ đoạn xuyên tạc, kích động gây nhiễu loạn thông tin, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào thành công của Đại hội.

Phượng đỏ

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét