Hằng năm, vào những dịp, sự kiện chính trị trọng đại hay những tháng ngày lịch sử quan trọng của đất nước, Bộ ngoại giao Mỹ lại tự cho mình cái quyền công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới. Nhân sự kiện này một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí luôn có những “phán xét chỉ trích”, nói đúng hơn là xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu quan trọng về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội chính trị được sự hậu thuẫn của phương Tây cũng thường xuyên đưa ra những đánh giá hoặc là thiếu khách quan, thông tin sai lệch, hoặc là xuyên tạc trắng trợn tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, không ít cá nhân cả trong và ngoài nước cũng rêu rao, tự xưng là những người có “sứ mệnh” đấu tranh cho sự phát triển của đất nước, “trung thành” với Tổ quốc, chấp nhận “dấn thân” vì “dân chủ, nhân quyền”; đặc biệt là thêu dệt, bóp méo sự thật về dân chủ, nhân quyền nhằm mục đích chống phá chế độ, chống phá Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước ta. Theo đó, chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tuyên truyền, xuyên tạc làm rối loạn tình hình chính trị ở trong nước… là những chiêu bài mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị không ngừng sử dụng, giành nhiều thời gian, công sức với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Phương thức cụ thể mà các thế lực thù địch, phản động vẫn thường sử dụng là: lợi dụng danh nghĩa dân chủ, nhân quyền để thực hiện các “đòn” chiến tranh tâm lý, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng vấn đề chống tham nhũng, những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội và những vấn đề bức xúc trong đời sống nhân dân để lôi kéo, kích động gây bất ổn ở cơ sở; thông qua những chiêu trò như “hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc khiếu kiện”; thực hiện hỗ trợ nhân đạo kèm theo những điều kiện bắt buộc như tham gia hội, nhóm, diễn đàn, hội thảo; kích động những người bất mãn với chế độ; xuyên tạc lịch sử. Bên cạnh đó, chúng còn thường xuyên đăng tải và phát tán trên mạng xã hội những thông tin sai trái, dựng chuyện một số vấn đề xã hội; “tận dụng triệt để” những bức xúc trong đời sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để “thổi phồng”… nhằm tạo sự hoài nghi trong xã hội, làm giảm sút ý chí, từng bước hạ thấp rồi làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Thực chất là kích động những phần tử bất mãn, phản động chống đối Đảng, Nhà nước ta, tiến tới phủ nhận con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Nhân dân Việt Nam đã đi qua hai cuộc chiến tranh thần thánh để tự bảo vệ mình, tự giải phóng mình nên càng thấu hiểu giá trị của tự do độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, đương nhiên, nhân dân Việt Nam sẽ biết nhìn nhận ai là bạn, ai là thù. Sự thật vẫn là sự thật và bản thân nó chứa đựng chân lý, không ai có thể dùng ý muốn chủ quan để áp đặt. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Bạn bè và du khách quốc tế đến Việt Nam đều nhận thấy một đất nước Việt Nam đã thực sự “thay da đổi thịt”, chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tự do - dân chủ - nhân quyền của của nhân dân luôn được tôn trọng và phát huy...
Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” và chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” chống phá cách mạng Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Đây thực sự là cuộc đấu tranh “một mất, một còn” giữa ta và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Theo đó, với phương châm chỉ đạo công tác lý luận, tư tưởng phải đi trước, đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá; các lực lượng, cơ quan chức năng phải không ngừng nâng cao nhận thức, kỹ năng, xây dựng kế hoạch chiến lược, sách lược, tổ chức lực lượng… một cách bài bản, khoa học trọng quá trình đấu tranh, phản bác.
Phát huy bản chất nhân văn của chế độ; củng cố, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nâng cao vai trò chính phủ kiến tạo vì dân; không ngừng cải cách pháp luật, cải cách hành chính để bảo vệ, tạo cơ hội và quyền lợi cho người dân; quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng; phát huy dân chủ, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ dân chủ, nhân quyền... đã và đang là những tiêu chí, thước đo quan trọng về giá trị, ý nghĩa của dân chủ, nhân quyền không thể phủ nhận ở Việt Nam hiện nay.
Đất Thép
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét