Trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
của Đảng, các thế lực thù địch, những phần tử phản động, cơ hội ngày càng tăng cường
các hoạt động chống phá.
Thời gian gần đây có thể chỉ ra những thông tin xuyên tạc, bịa
đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên, trong đó chúng tập trung vào các đồng chí lãnh
đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước được kẻ xấu thể hiện ở một số kiểu dạng như:
xuyên tạc, sai sự thật về tình hình sức khỏe; moi móc, thêu dệt bí mật đời tư;
bình phẩm, phán xét về trình độ, năng lực; xuyên tạc nhân phẩm, đạo đức lối
sống... Chẳng hề được chứng kiến các sự kiện, mà chỉ là "bắc chõ nghe hơi",
nhưng chúng đã dựng nên những câu chuyện về các cuộc tiếp xúc ngoại giao, việc
đón tiếp nguyên thủ các quốc gia sang thăm, các chuyến đi công tác nước
ngoài... Điều này khiến cho dư luận hiểu sai về trình độ, khả năng ứng xử của
cán bộ, hiểu sai về đường lối đối ngoại của Việt Nam ta.
Mới đây, một số kẻ tự xưng là "nhà dân chủ" đã tán phát
bài viết về một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng với những ngôn từ và giọng
điệu hằn học không che đậy; thậm chí các đối tượng này còn nhặt nhạnh nhiều
"chuyện vỉa hè" để ra sức nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín Tổng Bí
thư của Đảng qua các thời kỳ. Qua lăng kính của một kẻ cơ hội chính trị, các
đối tượng đã thêu dệt, bình phẩm, phán xét về trình độ, năng lực, xuyên tạc
nhân phẩm, đạo đức lối sống... của những con người đã góp phần tô thắm truyền
thống lịch sử 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã
lãnh đạo Nhân dân Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để có được cuộc
sống bình yên như ngày hôm nay.
Hành động này không chỉ dẫm đạp lên những giá trị đạo đức thông
thường, vi phạm pháp luật mà còn bôi nhọ, chà đạp lên lịch sử của Đảng, của dân
tộc Việt Nam. Những luận điệu đó thực chất là chiêu trò đã quá cũ, thường được
bọn phản động và cơ hội chính trị lặp đi lặp lại "theo chu kỳ" trước
mỗi sự kiện trọng đại của đất nước. Hướng đích cao nhất của chúng là làm lu mờ,
hạ bệ uy tín của cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, trong đó có cả người lãnh
đạo cao nhất trong Đảng nhằm tạo tâm lý hoang mang, dao động, mất niềm tin ở
một bộ phận quần chúng nhân dân; gieo rắc hoài đối với lãnh đạo cấp cao của
Đảng, Nhà nước. Từ đó, mở đường cho việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, loại bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ra
khỏi đời sống chính trị, xã hội; hướng lái sự phát triển của Việt Nam theo quỹ
đạo tư bản chủ nghĩa.
Ở thời điểm này, các thế lực phản động trong và ngoài nước tán
phát nhiều bài viết trên các trang mạng xã hội có nội dung xuyên tạc Hội nghị
Trung ương 14; bôi nhọ, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà
nước, kích động gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng; đồng thời đưa ra "nhận
định về nhân sự" Đại hội XIII; tuyên truyền làm giảm niềm tin của quần
chúng nhân dân vào Đảng, vào chế độ... Dù không mới, nhưng những chiêu trò này
vẫn hết sức nguy hiểm, chúng ta cần cảnh giác vạch trần, lên án và bác bỏ. Vì
vậy, đây là thời điểm để chúng ta nhận diện, phân biệt đâu là người yêu nước
chân chính, đâu là nhà hoạt động xã hội có ý thức trách nhiệm và đâu là kẻ đang
mượn danh nghĩa dân chủ để cản trở sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, mọi hoạt động của tổ chức đảng
các cấp được người dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Đây là tín hiệu đáng mừng,
thể hiện sự nhạy bén chính trị và trách nhiệm trước vận mệnh đất nước của người
dân Việt Nam.
Để đấu tranh với những thông tin xấu, độc ấy một cách hiệu quả,
cần sự đồng thuận từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đến các
đảng bộ, chi bộ cơ sở. Cơ quan tham mưu của Đảng phải công minh, tỉnh táo để
tiếp nhận, xử lý thông tin trái chiều một cách thấu đáo. Khi thông tin chính
thống được dân chủ, công khai, minh bạch hóa, các thế lực thù địch, phản động
khó có thể lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu cán bộ. Mỗi cán bộ, đảng
viên và nhân dân phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo trước những thông tin sai
trái để kịp thời phát hiện và tẩy chay, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền
thông tin, nhất là trên không gian mạng. Song song với đó, cần tăng cường thông
tin chính thống, đặc biệt là những thông tin liên quan đến công tác tổ chức cán
bộ, công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội để đáp ứng nhu cầu thông tin của cán
bộ, đảng viên và nhân dân.
Kịp thời lên tiếng, đấu tranh, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, bịa
đặt, kiên quyết không để kẻ xấu coi thường luật pháp, bôi nhọ uy tín, thanh
danh của Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo, gây hoang mang dư
luận. Công tác đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, bịa đặt, nói xấu, bôi
nhọ cán bộ phải chủ động, nhạy bén hơn nữa. Cần dựa trên hệ thống hành lang
pháp lý được xây dựng và hoàn thiện làm cơ sở cho việc bảo đảm an toàn, an ninh
thông tin. Đối với những cá nhân có hành vi thông tin đăng sai sự thật, mang
tính vu khống, bôi nhọ cá nhân phải kiên quyết phải xử lý theo pháp luật. Do
đó, cần tích cực, chủ động cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan chức
năng, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng, cần nhận thức rõ, việc cung
cấp thông tin kịp thời, thường xuyên, chính xác và đầy đủ là sự phản bác có
hiệu quả nhất đối với những luận điệu xuyên tạc, chống phá. Đây cũng là cơ sở
quan trọng cho việc thực hiện yêu cầu: Cần thoát khỏi thế "chống đỡ"
để chuyển mạnh sang thế "tấn công" các thế lực thù địch, phản động./.
punchu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét