THÀNH TỰU HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO 75 NĂM
QUA
VanTu.com
Ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng lập nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945), dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng tiền bối, ngoại giao đã giữ vai trò tiên phong trong việc giữ vững độc lập nước nhà và bảo vệ thành công chính quyền cách mạng còn non trẻ. Những sách lược, quyết sách táo bạo, khôn khéo của ngoại giao, như “hòa để tiến”, “phân hóa kẻ thù”, cùng các nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu”…, đã giúp cách mạng nước ta vượt qua được những tình huống hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”. Đồng thời, ngoại giao đã đi đầu trong việc vận động các nước công nhận nền hòa bình và độc lập của Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nền
ngoại giao cách mạng Việt Nam đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa
chiến lược, bộ phận cấu thành quan trọng trong đường lối cách mạng, sát cánh
cùng mặt trận quân sự để đưa kháng chiến đi đến thắng lợi. Ngoại giao đã đi
tiên phong trong việc tạo ra một mặt trận quốc tế, ủng hộ sự nghiệp giải phóng
dân tộc, thống nhất đất nước. Ngoại giao giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập
dân tộc, kiên trì kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh pháp lý, tranh thủ
sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, mở rộng
quan hệ với các nước dân tộc chủ nghĩa, hình thành mặt trận nhân dân thế giới
ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Nhờ đó và cùng với thắng lợi trên
chiến trường, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán để
chấm dứt chiến tranh. Chiến thắng của ngoại giao trên bàn đàm phán ở Giơ-ne-vơ
năm 1954 và ở Pa-ri năm 1973 là những dấu mốc quan trọng trên chặng đường giành
lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước, ngoại giao là
lực lượng nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh đưa đất nước ta thoát khỏi thế
bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế. Đồng thời, ngoại giao đã
tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước láng
giềng, nước lớn, tạo ra những đột phá trong
quan hệ đối ngoại của nước ta, trong đó có giải pháp cho vấn đề Cam-pu-chia và
bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn.
Những chặng đường vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam
được Bác Hồ và các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng dẫn dắt, góp phần định hình
bản sắc, phong thái, phương pháp của ngoại giao Việt Nam. Từ nguyên tắc “dĩ bất
biến, ứng vạn biến”, “độc lập, tự chủ”, “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” đến
phương châm “thêm bạn, bớt thù” và phương pháp ngoại giao tâm công, tranh thủ
thời cơ, kiến tạo thời cơ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tất
cả đã trở thành những bài học kinh điển, vô giá về ngoại giao cách mạng mang
đậm phong cách Hồ Chí Minh, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiệm vụ
đối ngoại đặt ra là tiếp tục tạo môi trường và điều kiện quốc tế thuận lợi để
đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh
chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã
hội. Trên cơ sở kế thừa nền tảng và kinh nghiệm đối ngoại của thời kỳ trước,
ngoại giao đóng vai trò tiên phong, mở đường, phát triển và đưa quan hệ hợp tác
của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đi vào chiều sâu, mở
rộng các thị trường, các lĩnh vực hợp tác mới, thu hút các nguồn lực cho phát
triển kinh tế - xã hội, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng và đưa
vào chiều sâu quan hệ đối ngoại của ta với các nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết
lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập
khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, tạo
nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của
mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Nỗ
lực triển khai định hướng chiến lược tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, ngành
ngoại giao đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ các biện pháp, bước đi chiến lược
đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực
và toàn cầu, với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng
như CPTPP, EVFTA..., qua đó tạo động lực to lớn cho phát triển. Bên cạnh đó,
ngành ngoại giao tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thúc đẩy hội nhập
quốc tế trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, xã hội, văn hóa, khoa học -
công nghệ...
Ngoại giao đa phương trưởng thành mạnh mẽ và đạt những thành
tựu quan trọng, khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng
đồng quốc tế. Không chỉ góp phần nòng cốt trong việc tổ chức thành công nhiều
trọng trách quốc tế lớn, nhất là chủ nhà của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (năm
1997), ASEAN (các năm 1998, 2010, 2020), ASEM (năm 2005), APEC (các năm 2006,
2017), ngoại giao còn chủ động, tích cực đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến, góp
phần giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Đặc biệt, ngoại giao
Việt Nam đóng góp quan trọng trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều
Tiên lần hai tại Hà Nội, qua đó thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hòa bình trên bán
đảo Triều Tiên, được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Việt
Nam tham gia, đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan
trọng, nhất là ASEAN, ASEM, APEC, Liên hợp quốc, G7, G20...
Ngoại giao cùng quốc phòng - an ninh góp
phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
trong đó có nỗ lực đàm phán, xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu
nghị và phát triển với Lào, Cam-pu-chia và Trung Quốc. Ngoại giao phối hợp chặt
chẽ với quốc phòng và an ninh trong công cuộc “giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi
nước còn chưa nguy”, nhất là đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của
nước ta ở Biển Đông.
Trong quá trình phát triển, ngoại giao ngày càng gắn kết với
người dân, các địa phương và doanh nghiệp. Nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế
thiết thực được triển khai, góp phần mở rộng thị trường, đối tác cho doanh
nghiệp. Ngoại giao văn hóa quảng bá hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc, đổi mới
thành công; đồng thời vận động để đến nay 39 di sản của Việt Nam được UNESCO
công nhận là di sản văn hóa thế giới, qua đó vừa đóng góp cho việc bảo vệ các
giá trị của nhân loại, vừa tạo nguồn lực cho
phát triển ở nhiều địa phương. Ngành ngoại giao cũng triển khai tích cực, hiệu
quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Kiên định nguyên tắc cơ bản là độc lập, tự chủ, đặt lợi ích
của quốc gia - dân tộc lên trên hết, ngoại giao luôn sát cánh cùng các “binh
chủng đối ngoại”, như đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân,
đối ngoại quốc phòng - an ninh và đối ngoại của từng bộ, ngành, địa phương
triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, cùng phấn đấu vì
mục tiêu chung là phục vụ tốt nhất các lợi ích của đất nước, nâng cao vị thế
của Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành
ngoại giao 75 năm qua góp phần làm nên một
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần đưa
dân tộc Việt Nam phát triển hùng cường, “sánh vai
cùng các cường quốc năm châu”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét